Chăm sóc móng đúng cách

23/10/2009 10:11 GMT+7

(TNTT>) Móng tay, chân hồng hào ngoài giá trị thẩm mỹ còn biểu hiệu sức khỏe tốt. Hãy tham khảo những bí quyết dưới đây để đạt được 2 điều trên nhé.

Móng tay, chân được tạo thành từ các lớp sừng được gọi là keratin cũng tìm thấy trong tóc và da. Móng tay phát triển khoảng 0,1mm một ngày, có nghĩa là phải mất khoảng vài tháng để một móng tay bị hư phục hồi hoàn toàn. Móng chân mọc chậm hơn móng tay. Móng  khỏe mạnh thường mịn màng, không có các đường rãnh, màu sắc đồng nhất, không có đốm hay bị biến màu. Móng giòn thường do cơ thể thiếu sắt. Móng bị đổi màu khi tiếp xúc với thuốc lá, thuốc nhuộm. Móng khô, dễ gãy do ngâm trong nước tẩy rửa hay xà phòng. Móng có màu xanh  thường bị nhiễm nấm...

Chăm sóc móng

Bỏ các thói quen không tốt: Cắn móng tay có thể làm tổn thương móng và lớp da của các ngón  tay. Thay vì vậy bạn nên dùng bấm để cắt móng và bấm các lớp da bị xước ở đầu ngón tay, chân. Thói quen sử dụng móng tay để nhặt rau, cầm, bốc thức ăn, ngoáy mũi, bóc bao giấy, mở nắp hộp, chai, lọ có thể gây tổn hại đến móng hay làm gẫy móng.

Cắt và vệ sinh móng: Giữ móng tay ngắn, hình vuông và hơi tròn trên đầu móng tay. Đừng bao giờ để móng tay quá dài khiến móng dễ bị gãy. Hãy giũa móng tay cẩn thận theo một hướng từ ngoài vào trong. Khi các ngón tay bị bẩn, bạn nên dùng tăm bông gẩy hết chất bẩn trong kẽ móng. Ngoài ra, bạn có thể pha một muỗng canh nước chanh vào một tách nước và ngâm trong vài phút sau đó rửa sạch bằng nước ấm rồi thoa kem làm ẩm móng tay, chân.

Đeo găng tay: Khi vệ sinh nhà bếp, toilet, làm vườn, tiếp xúc xà phòng, hóa chất tẩy rửa, bạn nên dùng găng tay bảo vệ.

Lưu ý khi mang giày dép: Mang giày ẩm ướt khi chơi thể thao hay ủng ướt khiến móng dễ bị nhiễm nấm. Giày chật và mang guốc cao gót thường xuyên có thể khiến móng chân bị quặp gây đau nhức, sưng tấy. Vì vậy,  bạn nên có hai đôi giày, ủng thay đổi khi tiếp xúc với nước hay chơi thể thao để tránh đi giày, ủng bị ẩm ướt dẫn đến nấm móng. Đi giày thoải mái và đôi khi mang guốc thấp cho đôi chân và bộ móng được ngơi nghỉ. Mang vớ 100% cotton để thấm hút mồ hôi tốt hơn.

Chăm sóc: Nếu móng tay chân mềm, dễ gãy, để làm cho móng cứng hơn, cách ngày bạn có thể ngâm móng tay chân trong dầu ôliu ấm trong khoảng 20 phút. Dầu ôliu giúp móng tay giữ ẩm, đồng thời làm mềm lớp da bao quanh móng. Khi rửa tay, lúc tắm xong và mỗi đêm trước khi đi ngủ, bạn nên rửa sạch, lau khô móng tay và thoa một chút lotion hay kem dưỡng ẩm lên móng. Ngoài ra, bạn nên massage móng tay, chân giúp tăng cường máu lưu thông khiến cho móng tay chân mạnh khỏe và sáng bóng.

Thực phẩm cho móng

Tăng lượng canxi, sắt, kali và vitamin B: Bằng cách ăn thêm hải sản, cần tây và các sản phẩm sữa trong chế độ ăn uống thường xuyên của bạn.

Ăn nhiều trái cây và rau xanh để cung cấp đủ các vitamin, khoáng chất và enzyme cần thiết. Các thức ăn giàu lưu huỳnh và silic như bông cải xanh, cá, hành hay giàu biotin như đậu nành, ngũ cốc rất tốt cho móng tay, chân. Bổ sung thêm tảo biển và rong biển. Uống nhiều nước và nước ép cà rốt tươi giàu chất canxi và phốt pho giúp móng chắc, khỏe.

Lưu ý khi làm đẹp móng

Không chăm sóc, làm đẹp móng thái quá: Khi thường xuyên gọt giũa, cắt da quá sát, để lộ phần thịt đầu móng khiến đầu ngón tay chân không có lớp da bảo vệ dẫn đến dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây viêm tấy, sưng, nhiễm trùng. Thường xuyên làm móng, thay đổi màu sơn khiến móng phải chịu tác động nhiều loại hóa chất trong quá trình rửa móng, tẩy móng, sơn móng khiến móng có thể bị vàng, khô, giòn, dễ gãy. Không nên sử dụng aceton để chùi màu móng nhiều lần khiến các móng tay, chân của bạn sẽ bị ngả vàng mà dùng loại nước tẩy có gốc acetic. Hạn chế sử dụng móng giả vì móng giả và lớp keo dính sẽ làm hư hại móng. Có bộ dụng cụ làm móng riêng, đảm bảo vệ sinh để tránh bị lây nhiễm bệnh. Sử dụng thuốc làm móng tin cậy có xuất xứ rõ ràng, để tránh các chất độc trong sơn móng tay rẻ tiền có thể gây hại cho cơ thể.

Minh Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.