Nói không với “học chay”

23/10/2009 16:59 GMT+7

Nhiều câu lạc bộ (CLB) của sinh viên (SV) ở các trường ĐH đã tổ chức nhiều chương trình tăng cường các kỹ năng cần có cho SV.

Ấn tượng EGRID

Hiện nay, hầu hết các khoa CNTT ở khắp các trường ĐH đều có CLB Tin học. Tuy nhiên, phần lớn là mô hình hoạt động tự phát của SV, thành lập ra và... để đó mà ít được đầu tư bài bản. Chính vì thế, những ngày đầu tiên trường ĐH Tôn Đức Thắng vẫn còn lo ngại về khả năng thành công của CLB Tin học EGRID. Nhưng với những hoạch định, mục tiêu phát triển cụ thể được đưa ra, mô hình hoạt động của EGRID đã dần thuyết phục tất cả và thu hút đông đảo giảng viên, SV không chỉ trong khoa CNTT, trong trường mà còn với cả SV nhiều trường ĐH khác tham gia. EGRID trở thành CLB hoạt động hiệu quả, thành công nhất trường.

Mỗi tháng đều đặn từ một đến hai lần, EGRID luôn tổ chức các buổi sinh hoạt học thuật định kỳ để SV vừa được rèn luyện kỹ năng thực hành. Đồng thời giới thiệu các đề tài nghiên cứu, các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới, tổ chức các buổi huấn luyện các kỹ năng mềm trong lĩnh vực CNTT, các buổi hội thảo giới thiệu thông tin của các doanh nghiệp, định hướng chuyên ngành và giới thiệu việc làm cho SV. EGRID có riêng website và diễn đàn phục vụ việc trao đổi những vấn đề liên quan đến học thuật cho các thành viên trong CLB có sự tham gia hướng dẫn của nhiều giảng viên, chuyên gia uy tín.

EGRID đã tạo nên những ấn tượng rất tốt đối với nhiều doanh nghiệp, công ty hàng đầu trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam khi tổ chức thành công nhiều hội thảo gây tiếng vang lớn trong SV và sự chú ý của công chúng như: Hội thảo công nghệ phần mềm trên thiết bị di động, hội thảo lập trình trong phát triển game chuyên nghiệp, hội thảo kỹ năng xin việc, hội thảo nhà thiết kế toàn năng; hội thảo công nghệ Microsoft; hội thảo bảo mật web và an ninh mạng... Mới đây, EGRID phối hợp cùng Trung tâm Tin học, ĐH KHTN TP.HCM tổ chức thành công giải đấu game thể thao DoTa AllStars - The legend army lần 1, năm 2009. Đây là sân chơi giải trí lành mạnh dành cho SV và thu hút 32 đội đến từ 20 trường ĐH, CĐ ở TP.HCM.

EGRID cũng chính là cầu nối giữa doanh nghiệp - SV - nhà trường khi thông qua những hoạt động mà EGRID tổ chức, nhiều SV đã nhận được những suất học bổng giá trị, tạo cơ hội cho SV thực tập và làm việc tại các công ty lớn, với mức lương khởi điểm trên 300 USD/tháng. 

“Bắt mối” doanh nghiệp cho sinh viên

Mỗi năm, CLB Nguồn nhân lực (HRC - Human resources club) trường ĐH Ngoại thương Hà Nội lại đem về hơn 1.000 đầu việc cho SV. Nhờ HRC, nhiều bạn mới ra trường và kể cả đang học vẫn có được những công việc đáng mơ ước như: trợ lý giám đốc, trưởng phòng kinh doanh, quản trị viên...

Các thành viên của HRC còn rất trẻ, chủ yếu là SV năm thứ nhất, thứ hai nhưng lại làm việc rất chuyên nghiệp. HRC được chia thành các ban như: Việc làm - Đối ngoại; Việc làm -Thông tin; Sự kiện và chuyên môn. Nhiệm vụ của họ là liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp, “bắt mối” và từ đó mang về các đầu việc cho SV. Ngoài ra, HRC thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn các kỹ năng tuyển dụng cần thiết giúp ích cho SV. Vũ Thanh Hà - Chủ tịch CLB cho biết: “Xuất phát từ việc doanh nghiệp không tìm được người chất lượng theo ý mình, còn SV ra trường lại khó xin việc, làm trái ngành trái nghề rất nhiều nên HRC đảm nhận công việc của “bà mối” giữa SV và doanh nghiệp”.

Rất nhiều lần CLB đã “bắt mối” thành công, trong đó có những doanh nghiệp tên tuổi. Bạn Nguyễn Lan Anh (Trưởng ban Việc làm - Thông tin) tự hào nói: “Nhiều doanh nghiệp đã trở thành khách quen của bọn mình”. Dù doanh nghiệp cần gấp thì HRC cũng sẵn sàng cung ứng bất cứ thời điểm nào. Đó là quy tắc của CLB.

 
Thành viên HRC (trái) đang tư vấn kỹ năng tuyển dụng và nghề nghiệp cho các bạn SV - Ảnh: T.Lan


Vũ Thanh Hà nhớ lại lần tuyển dụng cho Tập đoàn P&G: “Đợt đó, chúng mình chỉ có 2 ngày để tìm 2 vị trí quản trị viên tập sự. Thời điểm đó, các lớp đều nghỉ để ôn thi nên HCR rất lo lắng sợ không có nhiều người ứng tuyển. Kết quả thật bất ngờ: 10.000 hồ sơ cho 2 vị trí !”. Nguyễn Thanh Trà - Phó ban Việc làm – Đối ngoại, chia sẻ về quy trình làm việc: “Đầu tiên là khoanh vùng đầu việc phù hợp với từng loại, sau đó liên hệ với các doanh nghiệp, thiết lập một cuộc hẹn. Tiếp đến là thuyết phục để họ chấp nhận tuyển SV, khâu cuối cùng là lọc hồ sơ, tuyển dụng”.

Thành lập từ tháng 3.2006 nhưng tới nay, chỉ sau 3 năm hoạt động, HRC đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện tuyển dụng với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp. Thành công đáng kể nhất của HRC là phải kể đến Festival tuyển dụng dành cho SV khối ngành kinh tế (lần I, II, III). Festival đã đem đến cho SV và cử nhân kinh tế trên địa bàn TP Hà Nội, 700 hồ sơ ứng tuyển, 800 đầu việc. Một điểm đáng lưu ý là, các đầu việc còn mở rộng cho SV khối kinh tế của các trường khác ngoài trường ĐH Ngoại thương.

Thanh Thanh Lan

Thi IQ - 1 chọi 100

Xuất phát từ nhu cầu thực tế cần có một sân chơi học thuật cho đông đảo SV để các bạn có thể nâng cao chất lượng học tập trên giảng đường, gắn liền lý thuyết với thực tiễn hoạt động kinh doanh chứng khoán, các sinh viên thuộc khoa Ngân hàng (trường ĐH Kinh tế TP.HCM) đã thành lập CLB chứng khoán (Securities Club of University of Economics HCMC, gọi tắt là CLB SCUE).

Gần 10 năm thành lập (chính thức ra mắt vào ngày 7.11.1999), số lượng hội viên tham gia CLB đã lên đến hơn 10.000. Anh Phan Nguyễn Hữu Phương- Phó chủ nhiệm ban điều hành CLB cho biết: “Nếu các CLB khác chỉ hoạt động theo tiêu chí dành cho SV khoa mình, thì SCUE hướng đến tất cả các bạn ở mọi khoa trong toàn trường nên thu hút đông SV hơn. Tuy thế, để là thành viên của ban điều hành CLB thì phải trải qua hàng loạt cuộc thi IQ với tỷ lệ chọi cao hơn cả thi ĐH, có năm cả 1.000 SV tham gia dự thi nhưng chỉ lấy 10 người vào ban điều hành, tức 1 chọi 100”.

CLB chia thành nhiều ban, như ban chuyên môn, nội dung, kỹ thuật, tuyên truyền. Ở mỗi ban với những công việc khác nhau, các thành viên đều năng động, tích cực để xây dựng CLB vững mạnh.

CLB luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học trong SV nên theo định kỳ 2 tuần/lần tổ chức các buổi hội thảo, báo cáo chuyên đề về các vấn đề mang tính thời sự, các nghiệp vụ mới trên thị trường tài chính, chứng khoán... với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia của các công ty chứng khoán như Công thương, Bảo Việt, ACBS; đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM, các giảng viên của khoa Ngân hàng, nhằm giúp gợi mở các đề tài nghiên cứu khoa học cho SV. Ban chủ nhiệm CLB luôn tìm tòi những đề tài mới lạ để nội dung của các buổi sinh hoạt ngày càng cuốn hút và hấp dẫn hơn.


Các thành viên trong CLB SCUE - Ảnh: T.Đông


Dấu ấn lớn nhất mang lại “tên tuổi” cho SCUE là Sàn giao dịch chứng khoán ảo đầu tiên ở Việt Nam (xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam) trong giảng đường ĐH - một mô hình học thuật được đánh giá rất cao thu hút đông đảo SV tham dự nhằm giúp SV tiếp cận thực tế.

Tính đến nay, CLB đã tổ chức thành công 12 sàn ảo, bao gồm: 7 sàn giao dịch chứng khoán, 3 sàn giao dịch kinh doanh ngoại hối FOREX, 1 sàn giao dịch chứng khoán theo mô hình New York Stock Exchange, 1 thị trường FUTURES ảo. Mới đây, CLB đã tổ chức thành công Sàn giao dịch vàng ảo Scue Gold Exchange 2009 (SGX 2009) thu hút 3.000 SV đến từ 12 trường ĐH, CĐ tham gia.

Với những đóng góp tích cực cho phong trào học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, CLB SCUE luôn là “đầu tàu” trong các CLB của trường ĐH Kinh tế. CLB đã đoạt giải nhất cấp thành cuộc thi “Tìm hiểu chứng khoán và thị trường chứng khoán” do Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp. Mô hình sàn giao dịch hối đoái ảo năm 2002 đoạt giải nhất cấp trường về công trình nghiên cứu có tính thực tiễn cao. Nhiều SV là thành viên của SCUE từ những năm đầu tiên, hiện là những doanh nhân thành đạt trong nhiều lĩnh vực ở trong và ngoài nước luôn tìm về CLB để cùng góp sức lập nên những thành công mới.

Bình Thanh Đông

Nguyễn Thanh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.