Bảo vệ chất lượng cuộc sống trong bối cảnh biến đổi khí hậu

24/10/2009 00:12 GMT+7

Đây sẽ là đề tài đáng lưu tâm trong hội thảo về biến đổi khí hậu sắp tới tại Copenhagen, Đan Mạch. Nhân ngày Liên Hiệp Quốc 24.10, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Jesper Morch (ảnh) trao đổi với Thanh Niên về những bước đi cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong bối cảnh thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt.

* Để thoát khỏi đói nghèo, nhiều nước đã chấp nhận những mô hình phát triển nhanh, song lại tận diệt môi trường. Sự chấp nhận này khiến khí hậu biến đổi trầm trọng hơn. Quan điểm của LHQ về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Có nhiều mô hình đưa đất nước phát triển khác nhau. Việc áp dụng mô hình nào tùy thuộc vào điều kiện cũng như quyết định của từng quốc gia đang phát triển. Ở Việt Nam, điều mấu chốt là chính phủ khi hợp tác với các đối tác nước ngoài nên tham khảo những bài học và thực tiễn đã thành công từ các nước phát triển. Ví dụ như làm thế nào cải thiện phúc lợi xã hội, xây dựng lực lượng lao động lành nghề hay tạo ra được những công nghệ sản xuất không gây ô nhiễm và tiết kiệm nhất.

* Trong quá trình phát triển, người dân sẽ có nhu cầu nâng cao chất lượng sống như mua sắm xe ô tô chẳng hạn. Như vậy, ngành công nghiệp xe hơi sẽ phát triển, môi trường lại bị tác động...

 
“Các nước đang phát triển có quyền được phát triển và công dân của họ cũng có quyền được sở hữu những tiêu chuẩn sống tốt như ở các nước giàu. Vấn đề là phải giảm thiểu khí thải nhà kính”

- Bảo vệ chất lượng cuộc sống ở các nước phát triển và làm thế nào để công dân của các nước đang phát triển có được cuộc sống tương tự là vấn đề cực kỳ quan trọng. Mỗi công dân của thế giới đều có quyền được tận hưởng một cuộc sống sung túc. Các nước đang phát triển có quyền được phát triển và công dân của họ cũng có quyền được sở hữu những tiêu chuẩn sống tốt như ở các nước giàu, bao gồm cả việc sử dụng ô tô. Vấn đề là làm cách nào để giảm thiểu khí thải nhà kính.

Tuy không phải là tác nhân gây khí thải nhà kính, song các quốc gia phát triển cũng cần chung tay để đối phó với biến đổi khí hậu. Có thể bắt đầu bằng sự thay đổi những hành vi đơn giản như tắt đèn khi không còn nhu cầu sử dụng hay lớn hơn như hạn chế đi máy bay.

Các nước đang phát triển thì nên đầu tư vào những công nghệ sản xuất sạch, tuy đắt tiền hơn nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến ngân sách xóa nghèo và an sinh xã hội. Các nước phát triển phải cam kết hỗ trợ ở quy mô lớn cho những đầu tư đó. Đây cũng là điều được quy định trong công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu năm 1992.

* Thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lương thực. Sự biến đổi của khí hậu sẽ làm vấn đề này trở nên trầm trọng hơn như thế nào thưa ông?

- Nhu cầu lương thực của thế giới đang tăng vì dân số tiếp tục tăng và cũng vì số người giàu có cũng tăng lên ở nhiều quốc gia. Nhưng nguồn cung của lương thực đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự chuyển đổi cơ cấu từ đất trồng thành đất công nghiệp và thổ cư, hay đất bị xấu đi do ô nhiễm. Thêm vào đó, thay đổi khí hậu khiến mực nước biển cao, tràn một cách thường xuyên hơn vào những vùng được coi là vựa lúa như đồng bằng sông Cửu Long. Rồi bão lũ, hạn hán vốn hay nhắm vào các quốc gia vùng nhiệt đới.

Do đó đã nảy sinh ra rất nhiều lời tiên đoán về sự thiếu hụt lương thực, đã có lúc giá lương thực tăng rất cao như năm 2008 đã tác động rất lớn đến người nghèo trên khắp thế giới. Hiểm họa thiếu hụt lương thực cho thấy các khu vực sản xuất lương thực cần phải được bảo vệ. Thế giới rất cần được Việt Nam giúp đỡ, hỗ trợ nguồn lương thực như đang làm, dù đây là quốc gia đang phải đối phó với nguy cơ rất tiềm tàng về biến đổi khí hậu.

* Xin cảm ơn ông. 

An Điền (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.