Dạy 'yêu' bằng kịch

24/10/2009 11:11 GMT+7

Em quan hệ xong rồi rửa ngay thì tránh nguy cơ mang thai có đúng không? Có phải vắt chanh vào chỗ ấy sẽ diệt được tinh trùng?... Nhiều câu hỏi ngây ngô của các bạn thanh thiếu niên vùng núi tỉnh Hòa Bình đã được Đội kịch tương tác giải đáp cặn kẽ, qua những vở kịch ngắn...

Phá băng e ngại tìm hiểu sức khỏe sinh sản

Kéo dài 15 - 20 phút, mỗi vở kịch là một tình huống thực tế, các diễn viên đưa thanh thiếu niên đến với câu chuyện, sau đó khán giả và diễn viên cùng tìm cách tháo nút câu chuyện. Xen kẽ lời thoại là những cảnh báo, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS).

Ngày đầu đi diễn kịch, thành phần đến xem chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, lác đác vài thanh niên dưới sân khấu, đội kịch nhìn cảnh đó mà buồn.

“Phát bao cao su (BCS), bà con bỏ chạy tán loạn, MC cầm bao cao su đi tới đâu, thanh niên và người dân thẹn thùng dạt ra đến đó” - Một thành viên của Đội kịch tương tác tâm sự.

Để phá băng, giúp thanh niên không còn e dè khi nhắc đến BCS hay thuốc tránh thai, các bạn Đội kịch tương tác tổ chức trò chơi: Thổi BCS, kẹp BCS, tung hứng cùng BCS.

Kịch tương tác là mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản mới do Quỹ dân số Liên Hợp Quốc UNFPA hỗ trợ cho các Tỉnh Đoàn Phú Thọ, Tiền Giang, Bến Tre và Hòa Bình. Ở đó có sự trao đổi giữa diễn viên với khán giả, mời các bạn khán giả lên diễn cùng, giúp thanh niên trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng yêu

Bạch Thanh Chương, đội trưởng đội kịch nói: “Hình thức này vừa giúp các bạn làm quen nhanh chóng xóa đi cảm giác ngại ngùng. Vừa chơi vừa hỏi: Theo bạn sử dụng nó khó không? Nếu khó thì thôi, nếu không khó tại sao bạn không thử, cách dẫn dắt của MC cũng là sự gợi mở cho thanh niên”.

Mỗi lần đi cơ sở tới các xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình), Đông Lai, Thanh Hối (huyện Tân Lạc)... đội kịch mang đến với thanh niên một câu chuyện chăm sóc SKSS với các chủ đề khác nhau.

Từ chủ đề Tình yêu - tình bạn, Thắc mắc tuổi vị thành niên, Điều thầm kín khó nói, đến những chủ đề nóng bỏng hơn như có thai ngoài ý muốn bạn nên làm gì, Biện pháp phòng tránh thai, cách sử dụng các biện pháp tình dục an toàn... đội kịch đã giúp thanh niên gỡ rối cho chính mình bằng những tình huống mà giới trẻ hay mắc.   

Nguyễn Quang Sáng (MC, diễn viên của Đội kịch) kể, trong một lần diễn chủ đề tình dục an toàn tại xã Thanh Hối (huyện Tân Lạc), mình có hỏi một bạn nữ: “Nếu bạn là cô gái trong câu chuyện đang bị người yêu đòi hỏi quan hệ, bạn sẽ làm gì để thoát ra?”. Cô gái ấy đã có cách thoát rất khéo léo rằng: “Anh ở đây nhé, em ra ngoài mua BCS”.

Sự tham gia của khán giả cùng đội kịch là điểm mạnh của kịch tương tác, vừa thu hút thanh thiếu niên chú ý vào câu chuyện, vừa tạo nên sự gần gũi thân thiết và tin tưởng. Nhiều bạn tìm đến đội kịch tâm sự những điều thầm kín của riêng mình và đều được tư vấn kỹ càng.

Diễn viên nghiệp dư

Để trở thành diễn viên của đội kịch, các bạn phải đạt các yêu cầu về ngoại hình, có kiến thức về SKSS, có sự nhiệt tình và khả năng diễn.

Mới đầu khi nghe con gái nói sẽ tham gia đội kịch tuyên truyền về chăm sóc SKSS, mẹ của Lê Như Ngọc (sinh viên năm 2 trường Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình) ra sức ngăn cản. Nhưng khi nghe Ngọc giải thích lại, mẹ đồng ý cho Ngọc tham gia.

Trả lời câu hỏi về quá trình xây dựng kịch bản, Nguyễn Quang Sáng cười nói: “Đây là khâu quan trọng nhưng không quá khó. Chủ đề do cơ sở đặt, sau đó cả đội họp để xây dựng kịch bản từ tình huống thực tế cho phù hợp với chủ đề...”.

Các thành viên Đội kịch là học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn. Khi có kịch bản mới, các thành viên chỉ cần gọi điện hay nhắn tin thông báo cho nhau. Khi đó, kể cả các thành viên đang học tại các trường ĐH trên HN, lại tranh thủ ngày nghỉ về tập và đi diễn.

Trước mỗi chương trình, cả đội chỉ ngồi lại hội ý, nhanh chóng tìm tiếng nói chung, tập trong hai ngày, mỗi ngày hai tiếng (từ 17giờ - 19giờ) là có thể lưu diễn.

Khi hỏi, thù lao tính thế nào? Các bạn chỉ cười, được 50.000 đồng/buổi diễn nhưng điều đó không quan trọng, mọi người làm việc vì muốn có ích cho cộng đồng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn Hoà Bình, Triệu Thu Hà cho biết: Đội kịch tương tác đã có thương hiệu sau một năm hoạt động, mỗi lần đội kịch đi các xã, thanh niên háo hức chờ đợi, họ học được nhiều kỹ năng trong chăm sóc SKSS.

Không chỉ tham gia diễn xuất, các bạn còn tham gia tọa đàm chia sẻ kỹ năng. Hiện đội kịch đã đi diễn hơn 20 lần. Mô hình này thực sự hiệu quả và thu hút thanh niên, nhất là với thanh niên miền núi, vùng sâu.

Từ những hoạt động của Đội kịch, nhiều thanh niên đã tự thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi trong chăm sóc SKSS.

Theo Hải Yến / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.