Kỹ sư trẻ của bản làng Cadong

25/10/2009 17:42 GMT+7

Đến trường muộn, lập gia đình sớm ngay từ khi còn học THPT rồi bỏ học để mưu sinh là đặc điểm chung của thanh niên người Cadong ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi).

Đối với chàng trai Đinh Văn Tre ở thôn Xà Ruông, xã Sơn Tinh cũng vậy. Năm 2003, khi vừa tốt nghiệp THPT anh chàng đã lo xây dựng ngay tổ ấm. Lúc ấy, mọi người ai cũng nghĩ Tre sẽ đi theo lối mòn của trai làng, không ngờ anh lại “đột phá”, chia tay người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng chưa đầy 3 tháng để khăn gói ra Huế vào học chuyên ngành Nông học của trường Đại học Nông lâm!

“Chàng mà bỏ học, thiếp sẽ bỏ chàng”!

Nhắc đến chuyện ngày ấy, Tre bẽn lẽn: “Trở thành kỹ sư như bây giờ là nhờ vợ đó. Cô ấy không chỉ chịu cực, chịu khổ, lam lũ nuôi chồng ăn học mà còn động viên, nhắc nhở chồng không được bỏ học giữa chừng, nếu bỏ học thì vợ chồng cũng... chia tay!”.

Từ nhỏ đến lớn gắn bó với núi rừng, với bản làng nên ngày mới ra cố đô, mọi thứ với Tre đều lạ lẫm. Nhưng lo nhất là sợ học không nổi, không theo kịp bạn bè. Càng lo lắng, Tre càng miệt mài với đèn sách. Hơn nữa cứ mỗi lần nghĩ đến vợ ở nhà suốt ngày chăm sóc nương lúa, rẫy mì, thắt lưng buộc bụng chắt chiu từng đồng, lội bộ hàng chục km đường rừng xuống tận huyện lỵ gởi tiền cho chồng ăn học, Tre càng quyết tâm hơn.

Lúc nhận bằng, tay cứ run, miệng muốn hét thật to: “Dân làng ơi, Tre trở thành kỹ sư rồi”!

Cuộc sống vất vả, suốt 5 năm theo học (1 năm học dự bị - PV), mỗi buổi sáng Tre chỉ lót dạ ổ bánh mì với xì dầu, đôi khi nhịn đói lên lớp, nhưng Tre luôn tự nhủ: “Phải cố gắng học thôi!”. Ngày nào cũng vậy, học xong ở lớp, Tre dành thời gian vào thư viện tìm tài liệu tham khảo, những kiến thức chưa hiểu nhờ thầy cô, bạn bè giải thích. Kiên trì, chịu khó, năm 2008, chàng thanh niên trẻ người Cadong đã tốt nghiệp ĐH. “Lúc nhận bằng, tay cứ run run, miệng muốn hét thật to: Dân làng ơi, Tre trở thành kỹ sư rồi. Tre sẽ đem những kiến thức đã học giúp bà con mình vượt qua đói nghèo”, Tre thổ lộ.

Kỹ sư của bản

Chuyện chàng thanh niên người dân tộc Cadong đầu tiên trở thành kỹ sư rồi quay về làm cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện đã lan khắp núi rừng Sơn Tây, hết thảy mọi người đều trầm trồ, thán phục.

Đi đến đâu Tre đều được bà con dân bản gọi với cái tên trìu mến “kỹ sư của bản”. Đáp lại lòng tin yêu của bà con, chàng kỹ sư trẻ không ngại khó, lặn lội đến từng bản làng, từng nóc nhà, trò chuyện giảng giải, hướng dẫn tỉ mỉ việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho đồng bào. Anh muốn đem hết những gì đã học được và sức trẻ của mình để giúp người Cadong xóa đi những tập tục, phương thức canh tác lạc hậu thay vào đó là những cách làm mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, từng bước xóa nghèo, vươn lên làm giàu.

Chị Đinh Thị Vóa ở thôn Nước Min, xã Sơn Mùa không ngớt lời khen: “Kỹ sư Tre tốt bụng lắm, không kể khó khổ gì hết nên mỗi lần xuống bản ai cũng thích. Đầu nó có cái chữ nên mình phải nghe theo và làm theo mới no cái bụng”.

Dù đường sá xuống các xã vùng sâu, vùng xa của huyện còn khó khăn, cách trở nhưng khi đã nhận nhiệm vụ, Tre không nề hà, làm bằng được mới thôi. Ông Lê Quang Đài, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sơn Tây nhận xét: “Tre luôn nhiệt tình, hết lòng với công việc. Tre có kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt lại nói được tiếng Cadong nên hướng dẫn bà con hiểu rất nhanh. Vì thế bước đầu nhiều mô hình mới đã được bà con học tập, làm theo”.

Nhà xa, cách nơi làm việc vài chục cây số nên Tre ở tạm nhà dân để tiện bề làm việc, cuối tuần lại về với vợ con. Tre tâm sự: “Mình phải chở gạo từ nhà lên chứ lương chỉ có 1,4 triệu đồng/tháng, phải tiết kiệm để phụ vợ nuôi con nữa. Được như thế này là đổi đời rồi”.

Khát vọng lớn lao của chàng kỹ sư 27 tuổi này là mong người Cadong thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Song hành trình đến đích còn dài và đầy khó khăn trắc trở, do vậy không ai khác, chính Tre cùng lớp trẻ người Cadong hôm nay phải tiên phong trên hành trình đó.

Cách đây 15 năm khi tái lập huyện, Sơn Tây có đến 98% người mù chữ, mỗi xã chỉ có 1 điểm trường tiểu học nhưng đến năm 2008, Sơn Tây đã hoàn thành phổ cập THCS, đó là một kỳ tích. Hiện cả huyện có 2 thanh niên trẻ người Cadong tốt nghiệp Đại học đang công tác tại huyện là kỹ sư Đinh Văn Tre và thầy giáo Đinh Văn Châu dạy ngoại ngữ.

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.