Những câu hỏi về thu chi ngân sách quốc gia

26/10/2009 00:09 GMT+7

Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội (QH) là nơi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thu chi ngân sách, cũng là nơi thông qua những quyết sách quan trọng về ngân khố quốc gia. Bên hành lang QH, lãnh đạo của ủy ban này đã trao đổi với Thanh Niên...

Chọn ba yếu tố để tái cấu trúc nền kinh tế

* PV: Khi nói đến ngân khố quốc gia, nhiều người lo lắng về các khoản nợ chính phủ, trong đó có nợ nước ngoài. Theo ông, ta phải làm gì để giảm các khoản nợ này?

- Ông Phùng Quốc Hiển (Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS): Việc vay nước ngoài cũng không thể vay được nữa, trần đã sát rồi. Trần cho phép là 30-40% GDP. Điều hành chính sách trong năm 2010 đúng là khó khăn hơn rất nhiều. Muốn giảm vay chỉ còn cách tăng thu trong nước, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đi vay không dễ, tốc độ trả nợ cũng phải nhanh, năm nay ta trả nợ hết 70.000 tỉ rồi. Đây là cả câu chuyện dài. Chúng ta phải giám sát kỹ việc vay và việc sử dụng khoản tiền đi vay cũng như kế hoạch trả nợ.

* Thời gian gần đây, chúng ta nói nhiều đến đề án tái cấu trúc nền kinh tế, xin ông giải thích rõ sẽ tái cấu trúc theo hướng nào, bắt đầu từ đâu?

- Ông Phùng Quốc Hiển: Trước đây chúng ta nói ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ rồi nông nghiệp một cách hợp lý. Nhưng trong giai đoạn hiện nay phải tính kỹ nếu chọn công nghiệp nặng để đua với thế giới, chúng ta không đủ sức. Do vậy, cần phải nghiên cứu kỹ sản phẩm công nghệ phù hợp với điều kiện khí hậu, tài nguyên để phát triển tiềm năng thế mạnh và phù hợp với trình độ của chúng ta. Với công nghiệp nhẹ cũng vậy, chúng ta làm cái gì. Nhiều ý kiến cho rằng nên ưu tiên cho nông nghiệp, phát triển sản phẩm trong nước nâng cao chất lượng... Nhưng thực tế chúng ta cái gì cũng có nhưng lại không có cái gì, một hộ nông dân trồng mít, cam, bưởi, nhà nào cũng vậy, không có một sản phẩm mạnh.

Theo tôi nên chọn 3 yếu tố để tái cấu trúc là chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Nếu chúng ta không làm được điều này thì rất khó cạnh tranh với thế giới. Nếu ta đi hướng xuất khẩu thì chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô, xuất khẩu tài nguyên, đã là tài nguyên thì sẽ cạn kiệt, không thể theo mãi.

Yêu cầu giải trình nhiều khoản chi bất hợp lý

- Ông Trịnh Huy Quách (Phó chủ nhiệm Ủy ban TC-NS): Chính phủ báo cáo là nguồn thu năm tới khó khăn, nhưng theo chúng tôi, ta có thể tăng thu nhờ một số yếu tố: khi kinh tế phát triển, hoạt động xuất nhập khẩu tăng lên, ta có thêm nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu. Thứ hai, trong năm nay, chúng ta đang thực hiện kích cầu, giảm thuế, năm 2010 sẽ thôi nên có thể tăng thu từ thuế so với 2009. Thứ ba, giá dầu thô sẽ tăng lên, hiện nay trên 80 USD/thùng, nên nguồn thu từ xuất khẩu dầu sẽ tăng.

Ủy ban TC-NS đã đề nghị Chính phủ phải giải trình rõ các khoản chi mà chúng tôi cho là không hợp lý. Có thể cắt những khoản chi rất vô lý như: dùng 1.500 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương (vốn đang bị hụt thu) để thưởng cho những địa phương vượt thu ngân sách. Nghe điều này rất nghịch lý: dùng ngân sách Trung ương để thưởng vượt thu ở ngân sách địa phương. Họ thu vượt thì đáng ra phải lấy khoản vượt thu để thưởng, nhưng ở đây lại lấy ngân sách Trung ương.

* Trước tình hình bội chi ngân sách vẫn cao, việc tăng lương có được triển khai trong năm tới?

- Ông Trịnh Huy Quách: Về tiền lương, đời sống công nhân viên chức đang rất khó khăn, thảo luận ở Ủy ban TC-NS, nhiều ý kiến đề nghị tăng lương, thậm chí vào ngày 1.1.2010 chứ không phải từ 1.5.2010 như Chính phủ đề nghị, thậm chí là phụ cấp cũng phải tăng bởi nghị quyết Trung ương đã có từ lâu nhưng ta chưa thực hiện được.

Về bội chi ngân sách, tại kỳ họp thứ 5, báo cáo của Chính phủ là từ 2009 đến 2013 sẽ giảm bội chi xuống 5%, nếu không hạ dần xuống thì chắc chắn ta không thực hiện được điều đó. Mà bội chi 5% đã là con số rất lớn, ở một số nước thì bội chi chỉ ở mức 1-2%.

* Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc phân bổ ngân sách vẫn dàn trải và chưa hiệu quả, ông có đồng ý với nhận định này?

- Ông Trịnh Huy Quách: Có một vài khoản chúng tôi đề nghị Chính phủ quan tâm. Thứ nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, phải rà soát một cách kỹ càng, xem cái nào trùng lắp thì lồng ghép lại để tăng tính hiệu quả. Chúng tôi đi giám sát thấy nhiều chương trình không hiệu quả, hoặc hiệu quả rất thấp. Một dự án nhưng nhiều nguồn vốn vào. Tiếp đến là khoản chi cho một số tổ chức hội nghề nghiệp có nên không? Chi hỗ trợ đào tạo tại các tập đoàn kinh tế có cần thiết không? Tôi cho việc này không nên, tập đoàn là đơn vị sản xuất kinh doanh, họ có quỹ, họ có thể sử dụng lợi nhuận của họ thực hiện việc đó. Các tổ chức nghề nghiệp họ đã được xã hội hóa. Trong lúc ngân sách eo hẹp, ta nên sử dụng số tiền đó để chi vào việc khác.

Trong báo cáo của Chính phủ còn dự định dùng một khoản tiền ngân sách hỗ trợ cho một số trường ĐH, chủ yếu là các trường ĐH ở địa phương. Chúng tôi cho rằng trừ một số trường ĐH chủ lực của Nhà nước là cần phải đầu tư, còn phần lớn các trường đã có cơ chế tự chủ, họ tự giải quyết các vấn đề tài chính của họ. Việc thành lập các trường mới đang nở rộ, chất lượng đào tạo còn nhiều vấn đề, chúng ta không nên mang ngân sách ra để hỗ trợ làm việc đó.

Káp Thành Long
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.