Ưu đãi để xây nhà xã hội: Không được để xảy ra tiêu cực !

26/10/2009 23:14 GMT+7

Tại buổi thảo luận ở tổ về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hôm qua 26.10, nhiều ĐBQH lo lắng tiêu cực có thể xảy ra khi thực hiện chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp tham gia xây nhà cho đối tượng chính sách.

Giảm 50% thuế GTGT khi xây nhà xã hội

Theo quy định hiện hành, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê đối với sinh viên, công nhân làm việc tại các KCN và người có thu nhập thấp thuộc diện chịu thuế GTGT 10%. Chính phủ đề nghị QH cho phép áp dụng mức thuế suất GTGT thấp nhất là 5% đối với các trường hợp trên. Về thuế TNDN, Chính phủ trình QH cho áp dụng mức ưu đãi thuế TNDN ở mức cao nhất trong khung pháp luật thuế TNDN hiện hành như đang áp dụng đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa, cụ thể là áp dụng mức thuế suất 10%, miễn thuế 4 năm và giảm thuế tối đa 9 năm tiếp theo.

Báo cáo thẩm tra dự luật trên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho biết đa số các ý kiến của ủy ban này tán đồng với đề nghị của Chính phủ về việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN.

Băn khoăn về cách làm 

Ý kiến

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (HN): “Phải thống kê tổng cung, tổng cầu về nhà ở với 3 nhóm đối tượng trên để có chính sách phù hợp, chứ không phải hỗ trợ chung chung”.


ĐB Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư phát triển Hà Nội: "Hãy chỉ cho chúng tôi địa điểm cần đầu tư, cơ chế chính sách rõ ràng, tự chúng tôi sẽ huy động được tiềm lực để thực hiện chứ không cần phải sửa luật".

Nhiều ĐBQH đồng tình với chủ trương hỗ trợ, tạo điều kiện để sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp có cơ hội mua nhà, nhưng lại băn khoăn về cách làm. ĐB Nguyễn Ngọc Hòa và Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) có chung lo lắng: làm gì để phân biệt được phần thu nhập từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà cho sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp với phần thu nhập của hoạt động đầu tư bất động sản khác của một doanh nghiệp. Theo ĐB Tùng, nếu không có sự giám sát thì việc tách bạch hai phần này của một doanh nghiệp là rất khó, dễ dẫn tới tiêu cực.

Không chỉ đề cập đến việc khó quản lý giá bán, ĐB Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) còn nhấn mạnh cần phải kiểm soát cả giá điện, giá nước, “nếu không nhà xây xong rồi lại không có ai vào ở vì giá điện, giá nước quá cao”.

ĐB Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) nêu lên thực tế, đã có trường hợp lúc đầu xây nhà cho đối tượng chính sách xã hội, sau đó lại chuyển đổi cải tạo lại thành các căn hộ cao cấp để bán. Ngăn chặn hiện tượng này, ĐB Nguyễn Văn Phát kiến nghị: “Các trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp không được phép chuyển nhượng”.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (ĐB Thái Nguyên) cho rằng, giảm thuế GTGT và thuế TNDN để hỗ trợ xây nhà ở cho sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp là cần thiết nhưng nếu chỉ có hai chính sách này thì chưa đủ. Tổng bí thư lưu ý việc cho ra một chính sách có thể không đúng cả 100%, vì vậy trong quá trình thực hiện phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung.

Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội đã có một buổi chiều tranh luận sôi nổi, 10/11 ý kiến đề nghị không thông qua dự luật này trong kỳ họp này bởi còn quá nhiều điểm bất hợp lý trong dự luật. ĐB Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, nêu ý kiến: “Có rất nhiều cách để phát huy nguồn lực xã hội vào việc xây dựng ký túc xá cho sinh viên, ví dụ cho chủ trương các trường được hợp tác với các doanh nghiệp, trường có quỹ đất, doanh nghiệp có vốn, hai bên hợp tác theo hình thức xây dựng, khai thác chuyển giao. Như vậy vừa chủ động cho các trường, vừa thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhưng đến nay chưa có cơ chế cho chúng tôi làm như thế”.         

Cả nước hiện có khoảng 2/3 số cán bộ, công chức đã có chỗ ở ổn định; 1/3 còn lại (chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn) chưa có chỗ ở ổn định (phải ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm). Kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy có khoảng trên 30% các hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 36m2, trong đó khoảng 19% số gia đình sống trong những căn nhà không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu. (Trích Tờ trình của Chính phủ)

Tính đến tháng 6.2009, trên cả nước đã có 228 KCN được thành lập. Các KCN đã thu hút được khoảng trên 1 triệu lao động trực tiếp và khoảng 1,2-1,5 triệu lao động gián tiếp; nhưng mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, 80% số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm.
(Báo cáo của Chính phủ)

Xuân Toàn - Káp Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.