Lâu nay, chưa có ca sĩ nào dám tuyên bố: tôi không bao giờ hát nhép cả! Bởi một điều mà bây giờ ai cũng biết và hiểu, là trong một số trường hợp cần đảm bảo chất lượng âm thanh ở những chương trình truyền hình trực tiếp, thì ca sĩ có thể được khuyên (hoặc yêu cầu) lip-sync.
Không chỉ vậy, nhiều nhà sản xuất, nhạc sĩ cũng như ca sĩ cho rằng, trong trường hợp cần tập trung cho phần vũ đạo (ở một live show riêng của ca sĩ), thì để vừa “mãn nhãn” và đáp ứng cả phần thưởng thức âm thanh - giọng hát của ca sĩ, việc họ lip-sync cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, với số đông khán giả và cả những người làm nghề, hay báo giới, cứ nghe - thấy ca sĩ hát nhép là phản ứng ngay! Đúng thôi, bởi người ta bỏ tiền ra mua vé để nghe nhạc, thì không thể không bức xúc nếu trên sân khấu, ca sĩ chỉ nhép môi theo tiếng hát đã thu sẵn. Song cũng cần nhìn nhận lại, họ hát nhép trong hoàn cảnh nào, và đâu là trường hợp cần phê phán hay cảm thông.
Trong lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama, dù các nghệ sĩ vẫn biểu diễn thật nhưng âm thanh truyền đi chính là bản nhạc thu sẵn, và phát ngôn viên của ban tổ chức cũng phát biểu thẳng thắn rằng, họ không che giấu điều này, họ làm như vậy vì bản nhạc được biểu diễn là một tác phẩm khí nhạc, và thời tiết dưới âm độ có thể làm hỏng nhạc cụ, ảnh hưởng đến âm thanh truyền đi. |
Có thể ví dụ vài trường hợp để minh chứng cho điều trên. Năm 1991, ở lễ khai mạc mùa bóng chày Super Bowl, diva Whitney Houston đã hát quốc ca Mỹ với một giọng hát thật khỏe, thật hay. Nhưng sau này, mọi người đã biết cô đã hát chồng lên bản thu âm trước trong phòng thu. Cô chẳng bị lên án, mọi người cũng không phàn nàn gì vì xem đó như là một nghệ thuật biểu diễn, hơn nữa ban tổ chức càng không muốn trong buổi lễ long trọng như vậy lại xảy ra sự cố âm thanh nào. Hay, trong show thời trang Victoria’s Secret ở Los Angeles (2007), nhóm Spice Girls (xuất hiện trở lại sau 10 năm vắng bóng) đã hát lip-sync (để chuẩn bị tốt nhất cho chương trình, Spice Girls thu âm trước đó tại Nhà hát Kodak), nhưng khán giả chẳng mảy may thất vọng hay lên án, mà còn choáng ngợp và ấn tượng với lối trình diễn của họ.
Như vậy, không hẳn trường hợp nào hát nhép, đàn theo cũng bị cho là phi nghệ thuật, là không có tư cách nghề nghiệp.
Mấy năm trước, khán giả trong nước từng bức xúc khi một ca sĩ khá nổi tiếng, được tôn trọng, lại hát nhép trong một chương trình ca nhạc. Cho dù chị đã cho biết trước đó, do bị bệnh bất ngờ, và xin rút lui nhưng vì chương trình đã quảng cáo tên mình nên cuối cùng chị buộc phải xuất hiện. Như vậy, nếu một ca sĩ hoạt động nghiêm túc cả đời, chỉ một lần hát nhép - vì lý do sức khỏe hoặc nguyên nhân khách quan nào đó buộc phải làm như vậy, thì có đáng để bị kết tội là thiếu tôn trọng khán giả, thiếu tư cách nghề nghiệp hay không? Câu trả lời có lẽ sẽ rất khó để có thể thuyết phục mọi người. Tuy nhiên, người làm nghề nếu ngay từ đầu đã xác định con đường nghệ thuật là sự nghiệp nghiêm túc, và nếu không muốn bị mang tiếng cả đời chỉ vì một lần “lỡ”, thì tốt nhất là đừng vi phạm; còn nếu buộc phải hát nhép, thì đó phải là chương trình được những người thực hiện công khai và đảm bảo uy tín cho nghệ sĩ, như những ví dụ trên.
Nguyên Vân
Bình luận (0)