Đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) được UBND tỉnh có quyết định phê duyệt vào cuối năm 2003, nhằm đưa quỹ biệt thự cổ vào sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích kinh doanh, nghỉ dưỡng và làm văn phòng, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, góp phần chỉnh trang đô thị. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện cho người dân ở trong các biệt thự đến chỗ ở mới khang trang, rộng rãi, an toàn hơn.
Việc triển khai thực hiện đề án được tiến hành sau đó. Đến nay, theo UBND TP Đà Lạt, về mặt pháp lý đã tiến hành lập hồ sơ thu hồi nhà đất của 83 ngôi biệt thự do Trung tâm quản lý nhà Đà Lạt quản lý. Tổng diện tích nhà: 18.239m2; diện tích đất khuôn viên: 120.330m2; số hộ đang sử dụng nhà: 554 hộ. Thực tế hiện nay mới chỉ thu hồi được 10 ngôi biệt thự với tổng kinh phí đền bù, hỗ trợ di dời trên 3,1 tỉ đồng, giải quyết tái định cư cho 62 hộ (27 lô đất và 35 căn hộ chung cư). Điều này khiến cho những người yêu Đà Lạt, yêu vẻ đẹp của những ngôi biệt thự cổ - một phần hồn của thành phố ngàn hoa - lại tiếp tục lo lắng, bởi ai cũng hiểu càng để lâu thì biệt thự càng xuống cấp.
Vì sao lại chậm thu hồi biệt thự? Ông Trương Hữu Hiệp - Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho hay, nguyên nhân là do chưa có quỹ nhà, quỹ đất để bố trí tái định cư cho trên 500 hộ đang ở trong các biệt thự và hàng trăm hộ thuộc các công trình dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố. Từ năm 2005 đến nay, thành phố xây dựng được 122 căn hộ chung cư nhưng chỉ bố trí tái định cư cho 35 hộ để thu hồi biệt thự (khoảng 28%), số còn lại sử dụng bố trí tái định cư cho các công trình dự án khác trên địa bàn.
Không chỉ vậy, theo Trung tâm quản lý nhà Đà Lạt, các đơn vị thuê biệt thự chưa tích cực cùng với các cơ quan của thành phố trong việc giải quyết đền bù, hỗ trợ di dời, ứng tiền để chi trả đền bù, xây dựng các khu tái định cư như đã thỏa thuận với đơn vị quản lý nhà.
Một số đơn vị từ khi được UBND tỉnh có chủ trương đồng ý cho thuê nhưng không thấy liên hệ với cơ quan quản lý nhà để làm các thủ tục đầu tư như: Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh thuê đến 11 ngôi biệt thự, Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam thuê 2 ngôi, Công ty cổ phần doanh nghiệp trẻ Lâm Đồng thuê 1 ngôi... Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ có thái độ bất hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc đền bù, bố trí tái định cư dẫn đến việc giải tỏa thu hồi nhà đất kéo dài.
Để đẩy nhanh tiến độ đền bù, tạo quỹ nhà, quỹ đất tái định cư để thực hiện đề án trong thời gian tới, UBND TP Đà Lạt cho biết sẽ huy động các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, từ các nhà đầu tư khai thác quỹ biệt thự. Đồng thời có kế hoạch cụ thể cho việc triển khai thực hiện đề án trên cơ sở nguồn lực của địa phương và nguồn vốn ứng trước của các nhà đầu tư...
Ông Trương Hữu Hiệp cho biết thêm, sẽ kiến nghị UBND tỉnh rút lại việc cho thuê biệt thự đối với một số đơn vị không đầu tư hoặc chậm trễ trong việc đầu tư mà không có lý do chính đáng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và quản lý khai thác có hiệu quả quỹ biệt thự có trong đề án.
Đa phần các biệt thự xây ở Đà Lạt từ năm 1940 trở về trước đều do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Sau năm 1940, kiến trúc sư Việt Nam được đào tạo ở trường Mỹ thuật Đông Dương cũng tham gia thiết kế xây dựng nhiều công trình. Mỗi biệt thự được xây dựng đều bám theo dạng địa hình, có vườn hoa, cây xanh, nằm cách xa nhau và có tầm nhìn cảnh quan đẹp. Biệt thự được quy định cao không quá 3 tầng (kể cả tầng trệt) để không phá vỡ cảnh quan. Biệt thự cao cấp có diện tích phân lô trên 1.500m2, là nơi nghỉ mát của các tầng lớp thượng lưu tập trung ở các trục đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Lê Lai, Nguyễn Du..., nằm xa trục đường chính và được bố trí cách xa nhau từ vài chục đến vài trăm mét. Chủ yếu biệt thự Đà Lạt được thiết kế theo hình mẫu của kiểu kiến trúc miền bắc nước Pháp, ở các vùng như: Normandie, Bretagne, Provence, Basque, Savoice... (Theo Địa chí Đà Lạt, NXB Tổng hợp TP.HCM 2008) |
Gia Bình
Bình luận (0)