Kết quả bỏ phiếu của Quốc hội Đức dự báo nhiều sóng gió sẽ nổi lên với bà. Chỉ có 323/612 phiếu ủng hộ bà vào ghế thủ tướng, còn có đến 285 phiếu chống và bốn phiếu trắng. Tất nhiên, 323 vẫn nhiều hơn so với yêu cầu cần có là 312 phiếu.
Chuyện bỏ phiếu ở quốc hội còn chưa lắng thì kế hoạch cắt giảm thuế, một kế hoạch mà bà Merkel cho là tâm điểm để phục hồi nền kinh tế nhằm bắt đầu thời kỳ tăng trưởng mới, đã nhanh chóng vấp phải sự phản đối.
Theo kế hoạch, nước Đức sẽ cắt giảm thuế ồ ạt lên đến 24 tỉ euro (35,5 tỉ USD), và cùng với chính sách cắt giảm thuế, chính phủ mới của bà sẽ tăng chi tiêu cho y tế cộng đồng cùng nhiều chương trình xã hội khác.
Nước Đức lần này đang muốn đặt sự phục hồi lên hàng đầu trong những ưu tiên kinh tế của mình và hoãn lại việc cân bằng ngân sách đến năm 2013 để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước bằng việc giảm thuế. Bà Merkel tỏ ra rất quyết tâm: “Tôi không thấy cơ hội thành công nào nếu chúng ta chỉ biết tiết kiệm và tiết kiệm, tiết kiệm”.
Tuy nhiên, khẳng định này chưa đủ làm yên lòng những chính trị gia khác. Tổng thống Horst Koehler đã nhanh chóng lên tiếng phản đối, cho rằng kế hoạch này sẽ khiến chính phủ của bà Merkel phải đối mặt với “những hi vọng tăng trưởng phi thực tế”.
Bộ trưởng tài chính vừa mãn nhiệm Peer Steinbrueck dự báo để thúc đẩy chi tiêu, chính phủ của bà Merkel sẽ phải vay nợ đến mức kỷ lục 329 tỉ euro (487 tỉ USD) vào năm 2010. Sự lo lắng này là có cơ sở, khi thâm hụt ngân sách của Đức năm nay có thể đến 3,9% GDP và con số này vào năm 2010 có thể đến 5,9% GDP.
Chuyên gia Jan Techau của Ủy ban Quan hệ đối ngoại Đức nhận định khả năng thành công của kế hoạch cắt giảm thuế là “rất khó, nếu không muốn nói là bất khả thi”.
Kỳ vọng vực dậy nền kinh tế bằng cách tăng chi tiêu và cắt giảm thuế của bà Merkel cũng đang khiến dư luận châu u “chia rẽ”. Thể hiện sự đồng tình của Pháp về chính sách giảm thuế để tăng tiêu dùng, báo Figaro viết: “Merkel I” là đáng phê phán, còn “Merkel II” là không thể chê trách.
Trong khi đó, Thủ tướng Luxembourg Jean - Claude Juncker, người đang là chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng euro, lại cho rằng mức nợ của nước Đức đã quá mức chịu đựng. Ông e ngại kế hoạch của bà Merkel sẽ phá vỡ tính ổn định trong liên minh sử dụng đồng euro và kích động các quốc gia khác trong khối gia tăng những hành động đơn phương tương tự.
Trả lời phỏng vấn tờ báo thương mại hàng đầu của Đức Handelsblatt hôm 28-10, ông Juncker tỏ ra khá gay gắt: “Chính phủ mới của bà Merkel phải nhận ra việc này là không thể tiếp diễn... Làm thế nào lãnh đạo các nước Luxembourg, Bỉ hoặc Áo có thể thuyết phục dân chúng nước mình tuân thủ chế độ tiết kiệm nghiêm ngặt khi mà Đức và Pháp lại không thực hiện điều đó?”.
Trong nhiệm kỳ trước, bà Merkel cũng bị chỉ trích ngay từ những ngày đầu là “phò Mỹ” khi lên tiếng ủng hộ cuộc chiến Iraq của tổng thống Bush (con). Nhưng xem ra những chỉ trích lần này đáng lo ngại hơn nhiều, vì bà phải lèo lái một nước Đức đang trong cơn suy thoái và vừa để vuột mất vị thế nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới vào tay Trung Quốc.
Ngô Minh Trí/ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)