Chậm 2 năm, vẫn báo cáo thành tích
Điều trần trước HĐND TP, ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT), lạc quan thông báo: Với sự chỉ đạo tập trung của lãnh đạo TP cũng như sự cố gắng của Sở QH-KT và 24 quận, huyện, từ 2005 đến nay công tác QHCT đã tăng đáng kể, với khối lượng lớn diện tích quy hoạch xây dựng đạt khoảng 44.500 /73.544 ha, chiếm 60,42% đất đô thị toàn TP; gấp 1,3 lần so với 30 năm trước đó...
Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cắt ngang: “Tại các kỳ họp HĐND TP trước đây, lãnh đạo Sở QH-KT từng hứa cuối 2007 sẽ hoàn thành QHCT toàn TP, nay đã lố 2 năm vẫn chưa xong. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Xin hỏi giám đốc, khi nào TP mới phủ kín QHCT 1/2.000 như đã hứa?". Bị “chiếu bí”, ông Dũng không trả lời thẳng câu hỏi trên mà lòng vòng nêu những hạn chế của việc phân cấp cho các quận, huyện tổ chức thực hiện và phê duyệt QHCT, như: Sự thống nhất về nội dung, hình thức phê duyệt đồ án QHCT đôi khi còn bất cập, thiếu thực tế; tiến độ lập, thẩm định QHCT xây dựng đô thị còn chậm so với tiến độ đề ra...
Đại biểu HĐND TP Đặng Văn Khoa “tố”: “Tôi đi nhiều nơi, thấy nhiều quy hoạch mang tính cục bộ, thiếu đồng bộ, thậm chí còn vênh nhau”. Ông Khoa dẫn chứng: “Đường Đỗ Xuân Hợp phía Q.2 quy hoạch 40m, nhưng khi sang phía Q.9 thì chỉ còn... 30m”. Ông Trương Trọng Nghĩa, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP bức xúc: “QHCT là cần thiết, nhưng việc đặt mục tiêu phủ kín, trong khi TP không đủ lực nên làm chậm, dẫn đến việc “treo” luôn quyền lợi của dân”. Đồng tình với ý kiến trên, cử tri Huỳnh Tấn Phẩm (Q.12) đề nghị: “Khi quy hoạch làm đường “trúng” khu dân cư, chính quyền cần quy hoạch sẵn đất để bố trí tái định cư cho dân; tránh tình trạng đường xong mà dân vẫn còn ở tạm cư, còn ngân sách thì cứ chi dài dài”.
Lấy ý kiến dân chỉ là hình thức! Tại phiên điều trần, lãnh đạo một số quận, huyện thừa nhận việc lấy ý kiến người dân khi thực hiện lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 thời gian qua chỉ mang tính hình thức. “Vì thực tế phần lớn người dân chưa đủ trình độ chuyên môn để nắm bắt các bản vẽ quy hoạch để có ý kiến đóng góp. Vấn đề được người dân quan tâm nhất vẫn là nhà tui có nằm trong quy hoạch nhà ở, cây xanh, công viên, giao thông; bồi thường, tái định cư ra sao?...”, ông Đặng Văn Đức, Chủ tịch UBND Q.12 nói. |
Cần đảm bảo quyền lợi của dân
Đại biểu HĐND Phạm Minh Trí cho rằng điều cử tri quan tâm nhất là chất lượng, tính khả thi và khả năng tài chính thực hiện quy hoạch. “Như một kiến trúc sư vẽ cho tôi căn biệt thự ngon lành, nhưng tôi không có tiền xây nó thì bản vẽ đó cũng bị bỏ xó!”, ông Trí ví von. Nhiều đại biểu đề nghị: để đảm bảo tính thực thi cho quy hoạch sau khi phê duyệt, cần có cơ chế cho nhà đầu tư tham gia nhiều hơn trong việc lập QHCT 1/2.000; nhưng cũng cần có định hướng về cơ cấu để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong khu vực lập quy hoạch. Một cử tri ở Q.Tân Phú nói thẳng: “Dân chấp nhận quy hoạch “treo”, nhưng mong Nhà nước đừng “đóng băng” quyền lợi, như vẫn cho làm giấy tờ nhà, mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp nhà để vay tiền làm ăn, kinh doanh bình thường là được”.
Phát biểu tại phiên điều trần, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài thừa nhận: “Quy hoạch là để phục vụ cho phát triển. Nhưng chất lượng đồ án quy hoạch trên địa bàn TP hiện nay chưa cao, đội ngũ làm công tác quy hoạch vừa thiếu, vừa yếu và không đồng bộ cả từ TP lẫn quận, huyện”. Từ thực trạng trên, ông Tài cho biết chủ trương sắp tới của TP là không phủ kín QHCT toàn TP mà chỉ tập trung làm QHCT 1/2.000 ở những khu vực đang trong quá trình đô thị hóa. Đối với những khu dân cư hiện hữu, ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, đề xuất TP cho phép chỉnh trang.
Kết luận phiên điều trần, bà Phạm Phương Thảo đề nghị UBND TP báo cáo đầy đủ cho HĐND TP về công tác quy hoạch, tiến độ, giải pháp về quy hoạch, đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TP.
Minh Nam
Bình luận (0)