Nội trợ

31/10/2009 18:21 GMT+7

“Một phụ nữ chỉ làm nội trợ sẽ không bì được với một phụ nữ kiếm ra tiền”, thỉnh thoảng mẹ vẫn rụt rè nói với con gái như vậy.

Bếp và tình yêu

Cái “không bì được” chính là vì làm nội trợ nghe ra đơn giản, mẹ nghĩ rằng nó chỉ dành cho những người không có việc làm bên ngoài, đành chỉ quanh quẩn trong nhà với những việc giản đơn. Nhưng trong thực tế, người làm nội trợ - gồm cả nấu ăn cùng hằng hà sa số việc không tên khác - là những phụ nữ hiền lành, nhẫn nại, tận tụy, biết hy sinh, và trong lòng luôn đầy ắp tình yêu với người thân để có thể quanh năm luôn nấu được những bữa cơm ngon, giặt ủi những bộ quần áo sạch...

Một ngày mưa, một nhà ở quê có khách. Khách là mấy người bạn trẻ của cô con gái từ TP.HCM về, mang theo trong người nhiều háo hức khám phá những món ăn miệt đồng, được nhìn ngắm những cánh đồng thẳng cánh cò bay, được tận tay chạm vào các loại cây trồng chỉ có trên mảnh đất vườn rộng rãi. Người nội trợ của nhà quê ấy, một phụ nữ hiền lành và nấu ăn ngon, vì khách đã tất bật suốt từ sớm tinh mơ. “Cũng chẳng có gì nhiều. Sáng ra chợ thật sớm mua mớ cá đồng với mấy xâu ếch hồi đêm người ta câu được. Lại ghé hàng đồ biển, dặn thêm ít hải sản tươi sống làm quà. Rồi mua nếp ngon về làm bột, nấu chè...”.

Trong khi đó, cô con gái ngượng ngùng kể với bạn bè rằng, từ khi cô lớn lên đến giờ “chưa từng học được món ngon nào từ mẹ”. Ngoài chuyện bếp núc hằng ngày, mẹ cô còn biết nấu đủ loại chè, gói bánh, và làm được rất nhiều món cầu kỳ khác nữa vào những dịp lễ, tết, hay ngày kỵ giỗ trong gia đình, họ hàng. Nhưng người nội trợ khéo léo đó lại không khi nào “ép” đứa con gái duy nhất học hỏi hay phụ giúp bất cứ chuyện gì khi bà vào bếp. “Làm bếp cần có tình yêu. Nếu không yêu, cố gắng nấu cũng không ngon”, người mẹ “triết lý” như vậy. Có điều, bà cũng tinh ý nhận ra rằng, dù tỏ ra lơ là, cô con gái vẫn rất có khiếu nấu ăn và mỗi khi mẹ “vô tình” nhắc qua công thức phức tạp của món này món kia, cô chăm chú nghe rất kỹ. Cô nói nhỏ với bạn: “Rồi mình cũng sẽ học làm bánh tét - món ngon nhất của mẹ mình. Chợt nghĩ khi mẹ già trăm tuổi, không tự tay làm được nữa, một hôm mẹ nói ước gì có miếng bánh tét hồi xưa, thì chính tay mình sẽ vo đậu, ngâm nếp, ướp thịt ba chỉ, và gói bánh”. Người mẹ hài lòng: “Phụ nữ nào cũng có một chút năng khiếu bẩm sinh về nấu nướng. Mai này khi con đi làm về, tự tay nấu được bữa cơm ngon trong bếp nhà mình thì còn gì vui hơn”. 

Thực phẩm ngon và người bếp giỏi

Trong một tiểu thuyết cách đây rất lâu, có bà mẹ kia lần đầu đón tiếp bạn gái của đứa con trai duy nhất, muốn nấu bao nhiêu món ngon, ngặt nỗi tiền trong túi chỉ vừa đủ mua ít rau với một con gà chưa kịp lớn. Món đã nghĩ ra hết trong đầu, nhưng nhìn mớ thực phẩm ít ỏi đó, bà thở dài cho cái bế tắc của gian bếp nhà nghèo. Nguyên liệu ít phủ nhận người bếp giỏi, bà chua chát kết luận như vậy khi đứa con trai hồ đồ trách móc mẹ mình không nhiệt tình tiếp đãi cô gái kia, nên “nấu nướng chả ra sao”...

Chợt nhớ chuyện xưa ấy vì những buổi sớm mai, dù ở chợ quê hay chợ tỉnh, đều rất dễ bắt gặp những bà nội trợ “cò kè bớt một thêm hai”, ồn ào từ sớm đến khi tan chợ. Nếu là khách lạ về quê, xin chớ nhăn mặt ngạc nhiên khi người bán cá nói hai mươi bốn ngàn đồng một ký, mà người mua nào đó trả giá: “Bớt đi. Hôm qua tui mua có hai mươi ba”. Trả bớt một ngàn thì trả làm gì? Lời giải đáp đơn giản lắm! “Đâu phải chỉ mua mỗi món cá. Lại còn rau cải, gia vị, những đồ dùng khác. Mỗi thứ bớt một ít, cộng lại thành nhiều. Mỗi ngày bớt được bấy nhiêu, năm này qua tháng nọ cũng đỡ khổ...”. Cách tính toán tằn tiện đó là của các bà nội trợ “trăm phần trăm”, chứ hiếm gặp ở người bận rộn công việc bên ngoài, chỉ thỉnh thoảng tạt nhanh vào bếp. 

Khi ngày gần kết thúc, không hiếm phụ nữ dáng người lam lũ tất tả về chợ, mua thực phẩm của chợ chiều. Lại một phép tính khắt khe không thể thiếu trong cuộc sống, khi mà thu nhập từ người đàn ông trụ cột gia đình chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Chị H.Tr, 29 tuổi, nhà ở một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngập ngừng cho biết chị đã có hai con, trong khi chồng chị là một lao động phổ thông - “lương chừng đó, tháng nào như tháng nấy”. Chợ chiều ở quê thật khiến người ta liên tưởng đến câu ví von “vắng như chiều ba mươi Tết”, nhưng với nhà nghèo, vắng đến mấy thì cũng còn thức ăn tàm tạm qua ngày.

Và rồi nhìn những cảnh ấy, chợt nhớ đến câu nói “người nội trợ không bì được với người kiếm ra tiền”. Lại ngậm ngùi với ý nghĩ trong nhiều gian bếp không thiếu tình yêu, nhưng đôi khi vì thiếu thực phẩm ngon mà người ăn không được thưởng thức tay nghề người bếp giỏi... 

Tiểu Kiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.