“Bữa nay chắc nó mệt nên không chịu ra ngoài” - ông Trần Minh Tâm, nhân viên tổ thú dữ của Thảo cầm viên TP.HCM, vừa tiến đến chỗ chú hổ được đặt tên là... Tuấn vừa giải thích. Tuấn béo múp, nằm im thin thít dưới khúc gỗ to trong chuồng. “Tuấn!”, ông Tâm nghiêm giọng gọi. Con hổ ngoảnh đầu lại, ngoan ngoãn đứng dậy, lững thững tiến về phía chuồng ép rồi chui vào.
Dạy... thú từ thuở còn thơ
Ra hiệu lệnh để thú vào chuồng ép là thao tác bắt buộc đầu tiên mỗi khi nhân viên tổ thú dữ cho thú ăn hay dọn dẹp vệ sinh chuồng phải thực hiện. Sau khi cẩn thận kéo dây ròng rọc để đóng chốt an toàn ở cổng chuồng ép, ông Tâm mở khóa chuồng dạo chơi, luồn người chui vào. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên khi ông Tâm khóa luôn chuồng dạo chơi bằng sợi dây xích to đùng, ông cười bảo: “Bây giờ trong chuồng chỉ còn thú và... người thôi. Chúng tôi phải khóa cửa chuồng dạo chơi để lỡ có sự cố xảy ra, thú không thể sổng ra ngoài gây nguy hiểm cho du khách. Còn nhân viên chỉ có cách duy nhất là nhanh chân trèo lên các song sắt để đảm bảo tính mạng!”.
Buồn, vui với “nước mắt cá sấu” Gần đây ở VN bắt đầu có các tiết mục diễn xiếc cá sấu. Người khởi xướng là nghệ sĩ Cao Long (cựu diễn viên của Đoàn Xiếc TP.HCM). Với tập tính hung dữ, sát mồi và trí thông minh kém hẳn các loài thú khác, xiếc cá sấu là một trong những tiết mục thu hút khách nhưng cũng rất mạo hiểm khi tập luyện. Nghệ sĩ Cao Long chia sẻ: “Tập tính hoang dã của cá sấu rất cao. Do não bộ của cá sấu bé hơn hẳn các loài thú khác nên không thể dùng tình cảm tác động mà phải có thủ thuật khi biểu diễn với chúng”. Những động tác như cho tay hoặc đầu người vào miệng cá sấu rất hút khách nhưng nếu không có nghề sẽ rất nguy hiểm với người luyện thú. “Thù lao nếu so với công chăm sóc, đặc biệt là khoảng “thời gian chết”, thú không đi biểu diễn được vì trở chứng hay phải tập luyện thì chỉ lấy công làm lời. Nếu không thật sự yêu thú và chấp nhận rủi ro thì không thể bám nghề được”, ông Cao Long nói. |
Mỗi ngày ông Tâm quét dọn chuồng hổ từ 7g30-9g phục vụ khách tham quan. Ông là người duy nhất trong tổ thú dữ có thâm niên chăm sóc, nuôi dưỡng hổ suốt 20 năm nay. Ngoài việc chăm sóc chính ba con hổ (nặng 110-130kg, dài 1,4-1,8m), ông Tâm còn chăm sóc phụ một con báo và một bầy nhím.
Ông kể: “Có những con thú dữ nuôi từ nhỏ nên chỉ cần gọi tên hoặc thấy tôi từ xa là nó đã lò dò đi tới. Thân thiện nhưng phải có khoảng cách. Hồi mới làm, lúc dọn vệ sinh tôi sơ ý đứng khá gần cổng chuồng. Thế là con hổ quơ chân, níu áo tôi và gầm gừ làm tôi sợ đến điếng hồn! Hồi trước, mỗi khi nghe tiếng hổ gầm tôi sợ gần chết. Phải chăm sóc chúng một thời gian dài, hiểu tính hiểu nết từng con mình mới có thể làm quen, thích nghi được với chúng...”.
“Làm nghề này có một nguyên tắc bất di bất dịch là không được quên. Chẳng hạn như con sư tử Misa tôi nuôi từ nhỏ, hiền hơn những con khác. Nó đùa giỡn và thân thiện vậy nhưng vẫn có thể gây nguy hiểm cho mình bất kỳ lúc nào” - anh Nguyễn Xuân Tiết, tổ phó tổ thú dữ, kể. Anh Tiết hiện chăm sóc bốn con sư tử, mỗi con nặng khoảng 150kg.
Nhiều người làm công việc chăm sóc mãnh thú nhìn nhận muốn gắn bó và điều khiển chúng theo ý mình thì phải biết “dạy... thú từ thuở còn thơ” như với trẻ con vậy. “Phải mất ba tháng tôi mới lân la làm quen được chú voi mới chuyển khẩu từ Buôn Đôn về Sài Gòn. Trong ba tháng đầu tiên chủ yếu tôi phải tập... né và đoán biết tâm trạng thú qua ánh mắt. Tôi không dám đi phía sau hay ngang hàng vì chỉ cần một phút ngẫu hứng là voi có thể đá hay ép ngã mình!” - nghệ sĩ Cẩm Minh, công tác ở Đoàn Xiếc TP.HCM, kể lại câu chuyện chăm sóc voi Ny, 15 tuổi, nặng gần 5 tấn trong thời gian đầu.
Dáng nhỏ con, chỉ cao khoảng 1,6m và nặng 52kg nhưng nghệ sĩ Cẩm Minh gắn bó thân thiết với Ny hơn mười năm nay.Anh Minh kể để tập làm xiếc, voi phải được nuôi nấng, tập luyện từ khi còn bé để quen hơi người. Dù còn bé nhưng với tập tính hoang dã, chú voi vẫn hung dữ như bất kỳ con thú nào từ rừng về phố. Thứ ngôn ngữ kỳ diệu, bí hiểm qua ánh mắt giữa Ny và người huấn luyện dần dà khiến chú voi từ rừng sâu thân thiết với người nghệ sĩ và bắt đầu các động tác tập diễn xiếc như đi len qua các ché rượu, vượt chướng ngại vật, gảy đàn, đá banh...
Hai tai ve vẩy, thủng thẳng, chú voi Ny lặng lẽ đứng cuốn chuối bằng vòi bỏ vào miệng. Nghệ sĩ Cẩm Minh khệ nệ bê nồi cơm mang ra vốc từng nắm cho Ny ăn. Chỉ ăn được vài vốc, Ny khẽ lúc lắc đầu không chịu ăn nữa. Anh Minh vuốt nhẹ một bên má đen sần sùi của chú voi cười bảo: “Ổng lại làm bộ rồi đó! Hiểu được tính khí của chúng mới thân thiết với chúng được...”.
|
Yêu... thú dữ
Các nhân viên chăm sóc thú dữ nhìn nhận công việc của họ không chỉ nguy hiểm mà còn rất độc hại. Chất thải của các loại thú dữ ăn thịt sống nhiều có độ axit cao nên rất nồng, nặng mùi. “Có bữa tui vô chuồng làm vệ sinh, hai mắt cay xè như dính hơi cay do nước tiểu của hổ xộc lên. Nếu không có tình cảm thật sự dành cho chúng thì khó mà gắn bó lâu dài được...” - ông Tâm nói.
Ông kể hàng chục năm làm công việc này, từng làm bạn với mười con hổ và đều thương chúng như nhau. Nhưng ông nhớ nhất là con Amua (gốc Nga) và con Long (gốc VN). Đó là hai con hổ ông nuôi nấng, chăm sóc từ nhỏ. “Amua và Long rất hiền. Chỉ cần thấy tôi từ xa đi lại tụi nó đứng ngay dậy, cạ tới cạ lui vào hàng rào rồi ngó mình rất trìu mến. Những lần tôi bệnh nằm ở nhà hoặc về quê, đi công tác xa cả tháng trời, lúc gặp lại nó vẫn nhận ra, chạy lại hàng rào nhìn mình với ánh mắt như mừng rỡ... Chính những tình cảm kỳ lạ này giúp mình vượt qua những nguy hiểm phải đối mặt hằng ngày” - ông Tâm thổ lộ.
Cách đây gần ba năm, sư tử con Mina thuộc tổ thú dữ ra đời. Lần đó Misa, mẹ của Mina, phải sinh mổ. Hai anh của Mina vì quá yếu nên đã chết không lâu sau đó. Hai nhân viên là anh Xuân Tiết và Minh Tâm phải ngủ ngay tại chuồng sư tử, nơi phòng riêng của Mina, để tiện bề chăm sóc. Cả đêm hai người không dám ngủ, cứ khoảng hai giờ họ lại lật đật thức dậy pha sữa nóng cho Mina uống, lau miệng cho Mina rồi... canh chừng cho chú sư tử con ngủ.
Suốt một tháng trời, hai người phải tập trung đêm ngày lo cho sư tử con như... con mọn. Đến tháng thứ ba, các nhân viên chăm sóc thú mới đỡ cực và an tâm vì thấy Mina cứng cáp, khỏe mạnh. Sau lần đó, mẹ con sư tử luôn nhìn họ với ánh mắt trìu mến như thể hiện sự biết ơn những người đã chăm sóc mình.
“Con mình sinh ra ốm đau còn có thể nhờ vợ chăm sóc chứ thú ốm đau thì dù có bận việc gì, người chăm sóc cũng phải vào lo cho chúng. Vì thú chỉ quen có mỗi mình và có như thế mới gần gũi, lắng nghe được tâm trạng của nó vui hay buồn mà còn chia sẻ, ứng phó...” - anh Cẩm Minh bộc bạch.
Thần kinh “lạnh”
Hiện tổ thú dữ của Thảo cầm viên chăm sóc 86 con gồm hổ, báo, sư tử, gấu... Anh Phạm Anh Dũng, đội trưởng đội động vật, cho biết: “Những người nhanh nhẹn, cẩn thận, chu đáo và thần kinh vững mới được nhận vào làm tại tổ thú dữ. Đặc biệt là phải có thần kinh “lạnh” để bình tĩnh xử lý mọi tình huống rất nhanh và theo đúng quy trình của sở thú. Tất cả đều phải được tập huấn về quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc động vật hoang dã, tìm hiểu về tập tính, đặc điểm cụ thể của từng loài... để đảm bảo an toàn cho bản thân họ và cho cả thú. |
Theo My Lăng - Lê Vân / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)