"Tranh thủ" cả tiền đặt cọc
Hầu hết những phòng khám đông y Trung Quốc chúng tôi đến đều không được đầu tư gì nhiều. Chỉ cần mặt bằng vài chục mét vuông, đặt chiếc bàn nhận bệnh; 1-2 bàn khám bệnh, và mục đích chính là để bán thuốc với giá rất cao cho một ngày uống.
Tại phòng khám H.H (đường Lý Thường Kiệt, P.12, Q.5, TP.HCM), sau khi được "bác sĩ" khám, định bệnh "thận khí bất túc, chất lượng tinh trùng yếu...", chúng tôi hỏi "bác sĩ" rằng có cần đi xét nghiệm hay không, vị này trả lời (thông qua cô phiên dịch): "Bác sĩ nói thận của anh yếu rồi, nếu có đi xét nghiệm cũng sẽ thấy tinh trùng yếu. Nếu uống thuốc tốt, một tháng sau kiểm tra lại sẽ thấy tinh trùng được củng cố, lúc này mình tiếp tục uống thêm 20 ngày thuốc nữa, tổng cộng là 50 ngày uống thuốc. Giá thuốc có 3 loại: 200.000 đồng, 250.000 đồng, 300.000 đồng/ngày. Trường hợp của anh, nếu uống loại 300.000 đồng/ngày thì tốt hơn. Thuốc nhập từ Trung Quốc, phải đóng thuế nên có giá cao". Chờ dịch xong, vị "bác sĩ" bồi thêm: "Thuốc này giúp bổ thận, tăng khả năng sinh lý. Nếu vợ anh không có vấn đề gì về sinh sản thì kết quả có con rất cao. Nếu muốn sinh con gái, con trai thì sau khi vợ anh mang thai 2-3 tháng đầu, đến đây bác sĩ cho chị uống thêm một loại thuốc khác để điều chỉnh con gái, con trai (?!)".
Theo bác sĩ Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý y dược học cổ truyền Sở Y tế TP.HCM: "Lương y được phép bán thuốc thang tại phòng chẩn trị y học cổ truyền (YHCT), nhưng nếu bán thuốc gia truyền, cao đơn hoàn tán (thuốc đã bào chế sẵn) thì phải đăng ký có sản xuất loại thuốc đó với Sở Y tế và thuốc này chỉ để bán ngay tại phòng chẩn trị, không được lưu hành rộng rãi ra bên ngoài; lương y không được phép kê đơn thuốc tân dược. Còn những loại thuốc YHCT khác, nếu có số đăng ký, thì thuốc phải có giấy phép lưu hành của Bộ Y tế…". Bác sĩ Vinh nói thêm, các phòng khám YHCT trong nước, nếu quảng cáo khám chữa bệnh, thì phải được Sở Y tế địa phương duyệt nội dung; nếu phòng chẩn trị có yếu tố người nước ngoài thì do Bộ Y tế duyệt nội dung quảng cáo". |
Nghe đến việc "bác sĩ" điều chỉnh được giới tính sau khi có thai 2-3 tháng, chúng tôi viện lý do không mang theo đủ tiền, nói về nhà lấy thêm rồi đến bốc đủ một tháng thuốc đem về quê uống luôn. Vị "bác sĩ" bảo đặt cọc trước một ít tiền mua thuốc. Chúng tôi trấn an: "Không sao đâu, chạy về lấy tiền, quay ra mua thuốc ngay", nhưng cô phiên dịch nói: "Bác sĩ hỏi bây giờ anh có đặt cọc trước vài trăm ngàn đồng không?". Chúng tôi móc bóp xòe ra mấy tờ 100.000 đồng cố tình chứng minh không mang đủ tiền, ấy vậy mà cả "bác sĩ" và cô phiên dịch vẫn kỳ kèo bảo: "Đặt cọc trước 200-300.000 đồng tiền thuốc cũng được!".
Tại phòng khám A.S (đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng vậy. Sau khi "bác sĩ" nói tiếng Trung Quốc sờ mạch chiếu lệ, xem lưỡi thoáng qua, và "phán" hai thận không khỏe, tinh trùng không đủ số lượng, thì cũng đưa ra phương cách điều trị là uống thuốc 2-3 tháng, mỗi ngày hết 200.000 đồng, vị chi 6.000.000 đồng/tháng. Cô phiên dịch nhắc khách: "Nếu có tiền thì anh lấy đủ một tháng luôn". Mặc dù chúng tôi đã nói không mang theo đủ tiền mua thuốc, nhưng cả "bác sĩ" và cô phiên dịch luôn thúc giục đặt cọc trước một ít tiền để làm thuốc trước.
Hoa mắt với thuốc đặc trị
Ở phòng khám D. (nằm đối diện với bến xe Hà Đông, Q.Hà Đông, Hà Nội) giá thuốc còn cao hơn nữa. Sau khi dọa: "Bệnh này rất phức tạp, nếu không chạy chữa kịp thời sẽ gây biến chứng về sau, nhẹ thì vô sinh, còn nặng sẽ gây ra ung thư", vị "bác sĩ" ở đây nói trước hết là phải uống thuốc 15 ngày, loại hoàn tán do bác sĩ đặc chế bên Trung Quốc mang qua, sau đó mới dùng loại thuốc khác bôi lên chỗ có mụn cóc. Giá thuốc có 3 mức khác nhau, 490.000 đồng, 590.000 đồng và 690.000 đồng/ngày. Chúng tôi thắc mắc: "Tại sao trong giới thiệu của phòng khám, có nói bệnh chỉ cần bôi thuốc từ 3-5 phút sẽ rụng mụn cóc và khỏi?", "bác sĩ" trả lời phải uống thuốc để cơ thể bài tiết ra các chất độc, sau đó bôi thuốc mới có hiệu nghiệm.
Còn tại phòng khám đông y K. (trên đường Giải Phóng, Q.Hoàng Mai, Hà Nội), giá thuốc được đưa ra là 250.000 đồng/ngày, điều trị liên tục trong 10 ngày sẽ đảm bảo khỏi bệnh. Thấy "con bệnh" hỏi khá nhiều mà không quan tâm đến việc mua thuốc, vị "bác sĩ" Trung Quốc tỏ vẻ kém vui, cô phiên dịch cũng sốt ruột liên tục giục khách lấy thuốc. Khi thấy khách từ chối hẹn lúc khác đưa người bệnh đến rồi lấy luôn, vị "bác sĩ" thay đổi hẳn thái độ, không thèm nói một lời khi khách chào ra về! Ở phòng khám T.Đ (đường Hùng Vương, Q.10, TP.HCM), giá thuốc được đưa ra là 200.000 đồng/ngày, liệu trình điều trị 80 ngày. Thấy chúng tôi ngồi nhẩm tính, cô phiên dịch nói "có thể giảm cho anh 20%, còn 160.000 đồng/ngày nếu anh lấy nguyên liệu trình điều trị".
Anh Trần Hải Đức (ngụ Q.Hà Đông, Hà Nội) bị bệnh sùi mào gà, kể: "Thấy các phòng khám Trung Quốc quảng bá trị bệnh này chỉ cần bôi thuốc trong vòng 3-5 phút sẽ rụng và khỏi hẳn, nên đến khám. Nhưng khám xong thấy "bác sĩ" kê cho hàng loạt thuốc và điều trị gần một tháng. Tính ra tiền thuốc hết khoảng 15 triệu đồng, nhưng bệnh chẳng thấy thuyên giảm. Đến hỏi thì "bác sĩ" Trung Quốc nói còn tùy vào cơ địa từng người!".
Coi chừng bác sĩ... dỏm
Người nước ngoài hành nghề khám bệnh tại VN thì đơn thuốc, sổ khám bệnh bên cạnh tiếng nước ngoài phải có ghi tiếng Việt rõ ràng để người bệnh đọc được. Nếu không ghi tiếng Việt là sai quy định
|
|
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM |
Khoảng 5, 6 năm trước, khi rầm rộ các phòng chẩn trị Đông y được quảng bá có "bác sĩ" người Trung Quốc khám bệnh, các cơ quan chức năng kiểm tra một số phòng khám này thì phát hiện không ít "danh y" thực chất chỉ là dạng "sơn đông mãi võ" bên xứ người.
Điển hình, năm 2008 Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra phòng khám Bác Ái trên đường Hồng Bàng (Q.11, TP.HCM), nơi quảng bá có "bác sĩ" Trung Quốc khám chữa đủ thứ bệnh. Khi đoàn đến kiểm tra, vị "bác sĩ" Trung Quốc xưng tên là Lương Hồng Quang nói đi vệ sinh rồi... chuồn mất dạng. Sau này, qua điều tra, cơ quan chức năng mới hay ông này chỉ là một thường dân bên Trung Quốc, không bằng cấp chuyên môn gì cả, không đăng ký giấy phép hành nghề tại VN... Tại đây, đoàn kiểm tra còn phát hiện 200 kg thuốc không rõ nguồn gốc.
"Sau một thời gian lắng dịu, nay các phòng khám có "bác sĩ" Trung Quốc lại rầm rộ trở lại, cho thấy công tác quản lý lĩnh vực này có chiều hướng quá tải hoặc bị buông lỏng. Cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra, rà soát lại tất cả các phòng khám đông y được quảng bá có người nước ngoài, xem lại đội ngũ thực tế khám chữa bệnh tại những nơi này, bằng cấp chuyên môn của họ; cả giá bán thuốc cho người bệnh, chứ không thể nói tùy theo thang thuốc mà giá cả khác nhau, rồi muốn bán giá trên trời cũng được, khiến người bệnh tiền mất tật mang", một bác sĩ tại TP.HCM kiến nghị.
Thanh Tùng - Nam Sơn - Thái Sơn
Bình luận (0)