Đến rừng sinh thái Cần Giờ hơn chục lần, thế nhưng chúng tôi vẫn chưa khám phá hết những thú vị của khu dự trữ sinh quyển thế giới này.
Hứng bình minh ở rừng
Mùa này, ánh bình minh ở Cần Giờ kéo dài gần ba tiếng đồng hồ. Khoảng năm giờ sáng, đám vạc chao mình đậu xuống những nhánh cây dá còn ướt đẫm sương đêm, sau một đêm lầm lũi bay đi kiếm ăn. Tiếp nối, đám cò vỗ cánh rào rào, kêu “ác ác” rồi cất cánh bay theo đàn, tạo thành những vệt sáng chấp chới trên nền rừng xanh mờ. Cạnh đó, mấy con vượn cũng dụi mắt tỉnh giấc cất tiếng hú cao vút, ngân nga: “hụ... chóc... chóc...” Dưới rạch, mấy con thòi lòi giật mình phóng như múa trên mặt nước nghe “chập chủm” thật vui tai.
Câu cua không lưỡi
Cua biển Cần Giờ sống trong môi trường nước lợ, mùa này độ mặn không quá mười phần ngàn, nên hương vị thịt cua thơm ngon hơn hẳn cua biển Bến Tre, Cà Mau. Theo anh Út Luận, lái cua giàu kinh nghiệm ở khu Đầm Dơi, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, từ tháng tám đến tháng mười một âm lịch, biển Cần Giờ rộ cua gạch son (mang trứng).
Đặc điểm để nhận dạng cua chứa đầy gạch son như sau: nhìn màu gai trên mai, tính từ que chèo đếm ra, gai thứ 2 -3 có màu bạc (màu sương) là cua đầy gạch, mai vun lên. Hé yếm cua lên, bạn sẽ thấy lớp gạch hồng bên trong, chọn cỡ cua khoảng 3 con/kg sẽ ngon hơn.
Và hương vị thịt cua gạch sẽ ấn tượng hơn nếu bạn tham gia câu cua trước khi ăn. Trong Khu du lịch sinh thái Vàm Sát, xã Lý Nhơn, có trò câu cua tự nhiên rất thú vị. Anh Hà Thanh Linh, nguyên giám đốc khu du lịch này, chia sẻ bí quyết câu cua như sau: Bạn phải dùng phép cân bằng lực mới bắt được cua. Bởi vì cua sẽ mạnh khi bám được vào đất, do đó bạn phải dụ từ từ. Ví dụ sức kéo của cua là 5 thì ta kìm lại 5. Nếu cua kéo mạnh lên 7 thì ta nương còn 3. Sau những lần giằng co cua sẽ yếu, bạn lấn tới 6 - 7 - 8... Đến khi cua “hỏng giò” bạn kéo lên mặt nước rồi dùng vợt vớt nhanh.
Được biết, dân địa phương thường câu cua vào lúc thủy triều lớn, nhằm hai con nước rằm và ba mươi, cộng và trừ thêm 3 ngày.
Nhưng nếu bạn tập câu cua chưa thành công mà đã nghe đói bụng, có thể nhờ nhân viên ở đây lựa cua gạch ngon, giá nguyên liệu khoảng 170.000đồng/kg, chế biến các món đơn giản, ăn vẫn ghiền.
Đặc sản cá dứa
Cá dứa thuộc họ cá da trơn, thịt ngon hơn hẳn cá basa, tra bần, cá hú... Lúc dưới hai ký, cá dứa thường sống ở những cửa sông nước lợ và lớn rất nhanh. Trên bốn ký, cá dứa sẽ bơi đến sống ở những dòng nước ngọt của hệ thống sông Cửu Long, biển Hồ bên Campuchia... Lúc này, cá dứa mang tên khác: cá bông lau. Bụng cá bông lau “phệ”, to hơn bụng cá dứa và mỡ nhiều hơn. Mỡ cá bông lau và cá dứa đều béo và thơm thanh. Đuôi cá bông lau màu vàng cam hoặc đỏ.
|
Cá dứa thường đi theo đàn, riêng tại Cần Giờ hiện nay mỗi đàn khoảng 20 - 30 con, trọng lượng trung bình từ 0,8 - 1,2kg/con. Người ta bắt cá dứa bằng lưới đăng hoặc câu. Mười năm trước, một giàn lưới đăng trúng cá dứa có thể thu được cả tấn. Nay trữ lượng cá dứa ở đây đã giảm, giàn đăng nào trúng thu được không quá 400kg cá dứa. Mồi câu cá dứa thường là con hà đỏ, trùn biển, thịt bò phi tỏi với mỡ heo và mỡ bò, gián... và cả chả lụa.
Thịt cá dứa săn chắc, nhiều nạc, ngọt đậm và ức cá dứa béo thanh nên được liệt vào hàng đặc sản Cần Giờ khoảng 6 năm nay. Cá dứa tươi làm được nhiều món ngon mê say như nấu canh chua với trái bần chín hoặc lá me non hay kho tộ với trái giác hườm. Dường như những gia vị cùng “xóm” cá dứa mới thấu hiểu, nâng đỡ hương vị cá dứa đến tầng cực khoái cho người thưởng thức. Sành điệu hơn, bạn thuê một ghe tắt máy thả trôi trên đoạn sông Cần Giờ, gặp ghe câu cá dứa hoặc ghe đăng hỏi mua ngay. Rồi tấp ghe vào mấy lùm bần, bạn với tay hoặc trèo lên hái năm bảy trái chín, nấu lẩu cá sông với trái rừng. Gió sông đưa đẩy mùi thơm dịu dàng thanh khiết của nồi lẩu bay là đà trên sóng nước mát rượi.
Cá dứa tươi ở đây còn được dân địa phương làm khô một nắng rưỡi, chiên lên, ăn với cơm vắt, khách căng bụng vẫn còn thèm.
Bài, ảnh: Tấn Tới
Bình luận (0)