Phần chìm của báo cáo tài chính

03/11/2009 10:12 GMT+7

(TNTT>) Nếu như khởi động công bố báo cáo tài chính quý 3 với nhiều doanh nghiệp cán đích trước kế hoạch, doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận theo hướng tăng lên hay đạt siêu lợi nhuận thì chặng cuối của bức tranh này lại khá ảm đạm.

Không thiếu các doanh nghiệp thua lỗ, lợi nhuận sụt giảm và khả năng không thể hoàn thành kế hoạch. Các thông tin này đang gây bất lợi cho thị trường khi được công bố đúng giai đoạn chứng khoán điều chỉnh hiện nay.

Kế hoạch lợi nhuận cả năm là 32,5 tỉ đồng nhưng đi hết ¾ quãng đường của năm 2009, con số lợi nhuận mà Công ty cổ phần (CTCP) công nghiệp gốm sứ Taicera (TCR) vừa thông báo đã khiến các nhà đầu tư thất vọng với kết quả lỗ 14,491 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2008 TRC lãi 36,794 tỉ đồng, mới thấy khủng hoảng kinh tế đã tác động mạnh đến TRC như thế nào.

Cũng khiến các nhà đầu tư thất vọng trầm trọng khi công bố lỗ trong 9 tháng năm 2009, CTCP văn hóa Phương Nam (PNC) cho biết, lợi nhuận sau thuế quý 3/2009 lỗ 641 triệu đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm PNC đã lỗ tổng cộng 1,523 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2008 PNC đã đạt 9,541 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Nhưng con số lỗ của CTCP Nam Việt (NAV) mới khủng khiếp khi lên tới 75,491 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm. So với mức lợi nhuận đạt được trong  cùng kỳ năm 2008 là 237,264 tỉ đồng, độ vênh này cho thấy sức đề kháng của NAV trước biến động kinh tế là khá thấp, và nội lực của công ty khá yếu để có thể chống chọi với các cơn phong ba từ bên ngoài.

Kế hoạch một đằng, thực hiện một nẻo cũng là tình trạng của CTCP dầu thực vật Tường An (TAC). Chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà TAC đề ra là 50 tỉ đồng, ít hơn con số đạt được của năm 2008, nhưng kết quả là sau 9 tháng đã lỗ trên 35 tỉ đồng.

Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình cho nửa sau của bức tranh báo cáo tài chính quý 3. Còn rất nhiều doanh nghiệp có mức lợi nhuận cực kỳ khiêm tốn so với những năm trước, hàng loạt doanh nghiệp bỏ ngỏ khả năng không về đích thậm chí tiếp tục lỗ trong quý tới… Nhận xét về vấn đề này, một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, các doanh  nghiệp làm ăn tốt bao giờ cũng muốn công bố sớm “đẹp đẽ phô ra”. Ngược lại, các doanh nghiệp thua lỗ thường chần chừ, chậm trễ trong việc công bố. 

Chứng khoán đã có những phiên điều chỉnh mạnh nhưng sự phân hóa đến thời điểm này chưa thực sự rõ rệt. Tuy nhiên, nhà đầu tư trước nhiều sự lựa chọn chắc chắn sẽ khiến các cổ phiếu trên sàn thiết lập lại trật tự theo mức độ lợi nhuận, chứ không đồng loạt tăng hay giảm như hiện nay.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.