TS Lương Ngọc Khuê - Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, năm 2005, tỷ lệ phủ muối iốt toàn quốc đạt hơn 93 phần trăm, thì đến năm 2008-2009, tỷ lệ này còn 69,5 phần trăm.
Tại Hà Nội, tỷ lệ sử dụng muối iốt giảm từ 99,8 phần trăm xuống còn 25 phần trăm; TPHCM giảm từ 66,7 phần trăm xuống còn 54,2 phần trăm. Đáng nói là chỉ có 19,4 phần trăm người dân biết đến hai tác hại của thiếu iốt.
Trước đây, giai đoạn từ năm 1993 đến 1998, tỷ lệ người dân mắc bướu cổ ở Việt Nam lên tới 22,4 phần trăm do đa phần dân số nằm trong vùng thiếu hụt iốt. Nhờ chương trình phòng chống bướu cổ trở thành chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ người dân sử dụng muối iốt đạt trên 92,8 phần trăm nên số bệnh nhân mắc bướu cổ ngày càng giảm.
Đến năm 2005, Việt Nam chính thức công bố thanh toán bệnh bướu cổ (tỷ lệ bướu cổ ở trẻ 8-12 tuổi giảm dưới năm phần trăm).
Ngày 2/11, Bộ Y tế phối hợp với cơ quan Đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân mua và sử dụng muối iốt. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đề nghị, Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương, cùng các cơ quan truyền thông đại chúng quan tâm hơn nữa công tác chỉ đạo, tuyên truyền về phòng chống các rối loạn do thiếu iốt. Đồng thời Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn, các tổ chức quốc tế tiếp tục tăng cường hỗ trợ Việt Nam duy trì bền vững mục tiêu thanh toán các rối loạn do thiếu iốt gây ra để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe. |
Hệ lụy
TS Tiến cho biết, trong vòng hai năm trở lại đây, số bệnh nhân bướu cổ vào khám và điều trị tại viện đang có xu hướng tăng, chiếm gần 50 phần trăm tổng số bệnh nhân.
Bệnh viện có 180 giường bệnh nhưng phải dành riêng hai khoa là Khoa Nội 1, Khoa Nội 2 để điều trị cho bệnh nhân bướu cổ. Ngoài ra còn nhiều bệnh nhân bị bướu cổ nằm điều trị tại phòng yêu cầu hoặc ở Khoa Ngoại để chờ mổ.
Các chuyên gia nội tiết lo ngại tình trạng thiếu hụt iốt có xu hướng quay trở lại, số người bị bướu cổ và những ảnh hưởng của căn bệnh này có biểu hiện gia tăng, mà nguyên chính là Chương trình quốc gia phòng chống bướu cổ đã kết thúc từ ba năm qua và việc sử dụng muối iốt đang bị sao nhãng ở nhiều địa phương.
Hậu quả dễ thấy nhất đối với thai phụ bị thiếu iốt là gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi, khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ, thậm chí đần độn hoặc khuyết tật khi sinh ra.
Hiện, Bệnh viện Nội tiết T.Ư đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu việc đưa iốt vào nhiều loại sản phẩm đa dạng như bột canh, nước mắm, nước tương, để giúp cho người dân có thêm nhiều chọn lựa nguồn cung cấp iốt hằng ngày.
Ông Jesper Morch - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu kiểm soát bền vững phòng chống các rối loạn do thiếu iốt ở Việt Nam là một thách thức to lớn, đòi hỏi phải duy trì nỗ lực và có sự cam kết chính trị mạnh mẽ. Liên Hợp Quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, để đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em không bị các rối loạn do thiếu iốt gây ra.
Theo Thái Hà / Tiền Phong
Bình luận (0)