"Trường học hè phố"
Thời gian biểu của Phạm Thị Chi - SV trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) luôn kín, bởi cô không chỉ học ở giảng đường mà còn tranh thủ học trên đường phố. Chi kể: "Một buổi mình đi học, một buổi đi làm thêm, những ngày nghỉ mình bắt xe buýt lên bờ hồ làm hướng dẫn viên tình nguyện cho các vị khách du lịch nước ngoài. Với thời gian biểu này, mình chạy bở hơi tai. Nhưng giờ thì quen rồi, vì có mệt mình cũng phải cố, đây là cách nhanh nhất để SV ngoại ngữ tụi mình có thể vừa nâng cao khả năng giao tiếp, vừa có cơ hội "săn" việc làm trong tương lai gần".
Theo Chi, du khách nước ngoài thường là những người "thầy" rất nhiệt tình mà không đòi học phí. Chỉ cần vào một quán cóc gần bờ hồ Gươm hoặc ngồi uống nước mía trên phố cổ rồi nói vài câu giao tiếp đơn giản là các bạn SV có thể làm quen và trò chuyện với họ. "Mình thì giúp họ hiểu hơn về văn hóa Việt còn họ sẽ giúp mình biết cách phát âm chuẩn, biết thêm vốn từ vựng ngoài sách vở. Nhờ vậy vốn ngoại ngữ phong phú hơn và cách giao tiếp, cách thuyết trình trên lớp học của mình cũng tự tin hơn rất nhiều", Chi kể.
Ngay cả với những SV ngoại ngữ đã ra trường thì việc giao tiếp với người bản xứ cũng luôn được coi trọng. Bạn Trịnh Thị Việt, cựu SV khoa Tiếng Pháp trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội đã ra trường được 3 năm nhưng thỉnh thoảng vẫn ra khu bờ hồ trò chuyện cùng du khách nước ngoài. Việt chia sẻ: "Ngay khi còn là SV, mình và nhiều bạn cùng lớp đã lập nhóm, mỗi tuần 3 buổi lang thang trong phố cổ để bắt chuyện với khách du lịch. Chính nhờ "trường học hè phố" này mà chúng mình đã tích lũy thêm vốn từ vựng và phản xạ nhanh hơn trong giao tiếp".
"Mình giúp họ hiểu hơn về văn hóa Việt còn họ sẽ giúp mình biết cách phát âm chuẩn, biết thêm vốn từ vựng ngoài sách vở...". |
Mô hình "cặp đôi"
SV theo ngành ngoại ngữ ngày càng nhiều trong khi nhu cầu nhân lực ngành này dường như đã đến lúc bão hòa. Nhiều công ty du lịch, các công ty làm việc với người nước ngoài từ chối nhận SV ngoại ngữ với lý do: Họ không cần những cái máy nói, không cần người phiên dịch, họ cần những người biết ngoại ngữ nhưng phải có... cái đầu, tức là có kiến thức chuyên ngành thật tốt.
Chính vì lý do này mà SV học ngoại ngữ đang phải chuyển mình để thích nghi hoàn cảnh mới. Họ phải vừa tận dụng khả năng ngoại ngữ của mình, vừa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của nhà tuyển dụng. Mô hình "cặp đôi" - một ngoại ngữ cộng một chuyên ngành - là lời giải cho bài toán việc làm của SV ngành ngoại ngữ.
Phạm Thu Thủy - Giám đốc nhân sự của FPTS trước đây học khoa Tiếng Pháp trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cũng từng trải qua kinh nghiệm như vậy. Thời gian đầu mới ra trường, Thủy làm hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài nhưng vì lý do gia đình và sức khỏe nên cô không thể theo các tour dài ngày liên tục được. Thủy quyết tâm học một chuyên ngành khác để có một công việc ổn định. Cô tâm sự: "Bản tính hướng ngoại, thích giao tiếp nên tôi đã học thêm các kỹ năng về quản lý nhân sự, một công việc mới nhưng phù hợp với khả năng của bản thân. Vốn ngoại ngữ, kinh nghiệm sống từ những lần đi tour giúp tôi rất nhiều trong công việc. Và đến giờ tôi vẫn tự thấy sự lựa chọn của mình không hề sai".
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều bạn trẻ chọn cách vào học ở trường ngoại ngữ để tìm "chìa khóa" mở cánh cửa du học trong tương lai gần. Ngay từ thời trung học phổ thông, Tuấn Anh đã mơ ước trở thành một nhà quản trị khách sạn giỏi. Vì muốn chuẩn bị kỹ cho tương lai nên cậu đã chọn vào học ở trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội để tìm cơ hội thi lấy học bổng du học quản lý khách sạn ở Úc hoặc Thụy Sĩ. Tuấn Anh lý giải: "Học ngoại ngữ là bước đệm ban đầu để mình kiếm học bổng đi học chuyên ngành ở nước ngoài. Nếu đầu tư căn bản ngay từ bây giờ thì sau này sẽ có cơ hội phát triển nghề nghiệp, kiếm tiền bằng chất xám trong suốt thời gian còn lại. Nếu chỉ chăm chăm học ngoại ngữ, ra trường cầm bằng ngoại ngữ đi xin việc thì mình sẽ không thể cạnh tranh được với những người giỏi chuyên môn và có ngoại ngữ".
Cũng luyện ngoại ngữ từ các "thầy" Tây ba lô, nhưng với Trần Thị Việt Anh (lớp 06C5, trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) thì cơ duyên lại khác. Mới 21 tuổi nhưng cô bạn này đã "lận lưng" kha khá những kinh nghiệm sống và làm việc liên quan đến chuyên ngành mà mình đang theo học. Ngay từ khi còn là SV năm 2, Việt Anh đã tự mình tìm đến các công ty du lịch để dự tuyển làm cộng tác viên. Thông thạo hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Trung, lại có vốn hiểu biết khá sâu về các di tích lịch sử, các địa điểm du lịch nên Việt Anh nhanh chóng được giao nhiệm vụ đi theo tour các đoàn du khách nước ngoài. Mỗi tour, nếu "dẫn phụ" thì cô nàng được 15 USD/ngày, còn nếu "dẫn chính" thì sẽ được 30 USD/ngày. Sau những lần như thế, Việt Anh thường để lại số điện thoại, địa chỉ e-mail cho các du khách và nhờ họ giới thiệu với bạn bè khi muốn đến VN du lịch. |
Thân Hoàng
Bình luận (0)