Chất lượng trường quốc tế chưa xứng với học phí

05/11/2009 19:21 GMT+7

Các trường quốc tế tại Hà Nội có chất lượng xứng tầm quốc tế hay không thì chưa có đơn vị nào kiểm chứng rõ ràng.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, hiện nay số lượng các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực GD-ĐT trên địa bàn thành phố gồm có 36 cơ sở. Tuy nhiên, tính đến tháng 9.2009, Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ cấp phép hoạt động và quản lý 20 cơ sở. Toàn thành phố hiện có 16 cơ sở có 100% vốn đầu tư nước ngoài, 3 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức liên doanh, 1 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Theo ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, phần lớn các cơ sở đều sử dụng chương trình, giáo trình của nước ngoài như Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản... tùy theo bậc học. Chương trình đào tạo của các cơ sở tương đối phù hợp với đối tượng, trình độ và điều kiện địa phương.

Cũng theo ông Đại, do việc thuê giáo viên người nước ngoài gặp khó khăn như tìm đúng người có đủ các điều kiện về chuyên môn và hồ sơ pháp lý, phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động, chi phí trả lương cao... nên số giáo viên nước ngoài có đầy đủ bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn hiện còn ít. Tỉ lệ giáo viên người nước ngoài trên tổng số giáo viên ở một số cơ sở có tên gọi “quốc tế” còn thấp nên cơ hội cho người học được trực tiếp học tập, giao tiếp với giáo viên nước ngoài có trình độ đạt chuẩn còn ít.

Theo thống kê, hiện nay chỉ có 2 trường có 100% giáo viên nước ngoài giảng dạy là Trường Quốc tế Hà Nội (41 giáo viên) và trường mầm non Sakura (7 giáo viên). Những giáo viên tại đây đều có giấy phép lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối với các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, do phần lớn giáo viên nước ngoài làm việc theo chế độ bán thời gian nên tỷ lệ giáo viên nước ngoài có giấy phép lao động chỉ chiếm khoảng dưới 30% tổng số giáo viên. Ví dụ, Trung tâm Cleverlearn có 18 giáo viên ngước ngoài nhưng 17 người dạy bán thời gian, Ila chỉ có 2/10 giáo viên có giấy phép lao động, Language Link Việt Nam có 25/101 giáo viên có giấy phép lao động...

Về cơ sở vật chất của các trường có yếu tố nước ngoài, theo nhận định của Sở GD-ĐT Hà Nội nhìn chung chưa tương xứng với mức học phí,  nhiều trường còn thiếu trang thiết bị máy móc hiện đại cho việc giảng dạy và học tập. Phần lớn các cơ sở giáo dục, kể cả các cơ sở giáo dục phổ thông đều không có cơ sở vật chất riêng mà phải đi thuê. Hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ có Trường Quốc tế Hà Nội là có cơ sở vật chất riêng.

Bà Nguyễn Thị Tuất- Hiệu trưởng trường mầm non Sakura Hoa Anh Đào nói: việc phải đi thuê cơ sở vật chất khiến các trường gặp rủi ro rất lớn trong quá trình hoạt động vì không ký được hợp đồng thuê dài hạn nên nhiều khi đang hoạt động tốt lại bị đòi lại cơ sở.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, do chưa có quy định về hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT có yếu tố nước ngoài cùng các văn bản, chế tài làm cơ sở cho việc quản lý các cơ sở này, cũng như chưa có quy định về mức học phí tối đa trong mỗi bậc đào tạo nên việc quản lý hoạt động và chất lượng của các trường quốc tế rất khó khăn.

Ông Phạm Hồng Quân- Tổng giám đốc Trường Quốc tế Hà Nội cho biết: do các văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật không đủ rõ ràng nên  vừa gây mất thời gian đồng thời không đảm bảo tính khách quan, minh bạch do kết quả xử lý phụ thuộc vào ý chủ quan của người được giao xử lý.

Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: thời gian tới sẽ tiến hành thanh, kiểm tra định kỳ hoạt động của các cơ sở đã được cấp phép trên địa bàn thành phố đồng thời kiên quyết xử lý các vi phạm. Ngoài ra, Sở sẽ công khai danh sách và lĩnh vực hoạt động của các trường quốc tế trên trang web của ngành.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.