Khi Thủ tướng Campuchia không nói đùa

05/11/2009 22:21 GMT+7

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra lại gây chú ý cho dư luận khi được bổ nhiệm làm cố vấn của Thủ tướng Campuchia Hun Sen và chính phủ nước này.

Ông Hun Sen nói là làm

Mọi chuyện bắt đầu từ việc Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố sẽ cấp cho ông Thaksin một ngôi nhà an toàn để trú ẩn tại nước này. Tuyên bố được đưa ra sau chuyến thăm Campuchia của ông Chavalit Yongchaiyudh, một nhân vật cấp cao trong đảng đối lập Puea Thai thân ông Thaksin. Câu chuyện gây xôn xao dư luận Thái Lan và khi ấy, người ta vẫn bán tín bán nghi về tuyên bố này. Cho đến hôm 23.10, khi vừa đặt chân xuống sân bay Hua Hin (Thái Lan) để tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 15, Thủ tướng Hun Sen nói với báo giới rằng ông có kế hoạch mời ông Thaksin về làm cố vấn kinh tế cho Campuchia. Theo Thủ tướng Campuchia, ông có ý định này vì sự nhân đạo và tình thân hữu lâu năm với cựu thủ tướng bị lật đổ của Thái Lan.

Ngay trong một cuộc họp báo bên lề hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva thẳng thừng đáp lại rằng Thủ tướng Hun Sen đã nhận thông tin sai lệch về ông Thaksin và nếu phía Campuchia có thông tin chính xác, ông Hun Sen có lẽ sẽ thay đổi quyết định. Ông Abhisit cũng nói rằng ông Hun Sen không nên biến mình thành con tốt để người khác lợi dụng. Tuyên bố của ông Hun Sen tại Hua Hin cũng khiến phe áo vàng vốn có mối “thâm thù” với cựu Thủ tướng Thaksin vô cùng tức giận. Một nhóm nhỏ của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) đã kéo đến Cha-am để biểu tình phản đối. Trong cuộc biểu tình nhỏ này, diễn ra ngoài khu vực áp đặt Luật An ninh nội địa, ngoài mang theo thông điệp yêu cầu Campuchia rút quân khỏi khu vực tranh chấp quanh đền Preah Vihear, còn dùng nhiều lời lẽ nặng nề trên các biểu ngữ để chỉ trích Thủ tướng Hun Sen và ông Thaksin.

Nhưng ông Hun Sen không nói đùa. Nói là làm. Hôm 4.11, một thông báo được phát đi trên truyền hình Campuchia nói rằng ông Thaksin đã được bổ nhiệm làm cố vấn cá nhân của Thủ tướng Hun Sen và cố vấn kinh tế cho chính phủ nước này. Quyết định bổ nhiệm do Hoàng gia Campuchia ký.

Thaksin, ông ở đâu?

Thái Lan triệu hồi đại sứ tại Campuchia

Trong một quyết định bất ngờ, hôm qua Thái Lan đã triệu hồi đại sứ của mình tại Campuchia về nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Vimon Kidchob xác nhận với phóng viên Báo Thanh Niên tin này. Việc triệu hồi này diễn ra 1 ngày sau khi phía Campuchia tuyên bố bổ nhiệm cựu thủ tướng bị lật đổ của Thái Lan Thaksin Shinawatra làm cố vấn kinh tế. Bộ Ngoại giao Thái Lan nói việc bổ nhiệm ông Thaksin của Campuchia được coi là can thiệp vào nội bộ chính trị của Thái Lan vì ông này vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình chính trị trong nước. Đại sứ Thái Lan tại Campuchia hiện tại là ông Prasas Prasavinitchai. Bangkok cũng nói sẽ yêu cầu xem lại tất cả các thỏa thuận song phương mà Thái Lan có với Campuchia.

Kể từ khi chạy khỏi Thái Lan hồi giữa năm ngoái để tránh án tù vì tội lạm quyền, ông Thaksin đã chu du nhiều nước, làm cố vấn kinh tế cho một số nước nghèo và nhỏ từ châu u, châu Phi đến châu Mỹ. Các nguồn tin cũng cho hay ông dành phần lớn thời gian tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Việc ông được thêm một nước mời làm cố vấn kinh tế không có gì quá đặc biệt, ngoại trừ nước đó là Campuchia, nằm ngay cạnh Thái Lan. Quan hệ Thái Lan - Campuchia gặp nhiều trục trặc kể từ khi vấn đề đền Preah Vihear nổ ra hồi giữa năm ngoái.

Ông Thaksin đã cám ơn Thủ tướng Hun Sen về việc bổ nhiệm và gọi đó là một vinh dự. Hơn hết, ông nói sẽ chấp nhận vị trí cố vấn này trong lúc chưa thể về nước giúp được nhân dân Thái. “Tôi muốn làm việc cho nhân dân Thái nhưng không thể. Tôi còn không được mang hộ chiếu Thái”, ông Thaksin nói trên trang mạng xã hội Twitter của mình. Cựu Thủ tướng Thái cũng nói không chỉ Campuchia, hiện ông cũng làm cố vấn cho nhiều chính phủ khác.

Về phía Thái Lan, Phó thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban thì cho rằng chuyện Campuchia bổ nhiệm ông Thaksin làm cố vấn là vấn đề nội bộ của nước này. Ông Suthep cũng nói việc Campuchia bổ nhiệm cố vấn là một người nước ngoài không có gì đặc biệt. “Nhưng để tôi hỏi điều này: Thủ tướng Hun Sen sẽ nói gì nếu chúng tôi bổ nhiệm lãnh đạo đối lập Sam Rainsy làm cố vấn kinh tế”, ông Suthep thêm vào.

Phó thủ tướng Suthep, phụ trách vấn đề an ninh quốc gia, cũng nói sẽ tìm cách yêu cầu dẫn độ ông Thaksin nếu nhân vật này xuất hiện ở Campuchia. Và nếu Campuchia từ chối dẫn độ, Chính phủ Thái sẽ xem đến việc liệu Phnom Penh có vi phạm các thỏa thuận song phương hay không, ông Suthep nói. Phnom Penh trước đó đã tuyên bố rằng ông Thaksin không nằm trong diện bị dẫn độ bởi việc ông bị kết án có động cơ chính trị. Tuyên bố trên truyền hình Campuchia hôm 4.11 cũng nói sẽ không dẫn độ ông Thaksin về Thái Lan nếu ông này muốn ở lại Campuchia hay xuất nhập cảnh khỏi nước này để phục vụ cho công việc.

Dù biết được ông Thaksin thường xuyên ở Dubai nhưng Chính phủ Thái gặp nhiều khó khăn trong việc xác định hành tung một cách tức thời của nhân vật này. Ông có máy bay riêng và bay qua nhiều nước khác nhau trên khắp thế giới. Kể cả khi ông gọi điện trực tiếp về nói chuyện với người ủng hộ, Chính phủ Thái cũng khó lòng xác định được cuộc gọi đó là từ đâu.

Vấn đề về ông Thaksin sẽ vẫn còn nhiều tranh luận trong khi sức ảnh hưởng của ông tại Thái Lan vẫn còn đó. Báo Bangkok Post dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nói rằng ông Hun Sen phải chọn giữa quan hệ với Thái Lan và quan hệ cá nhân với ông Thaksin.

Việt Phương
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.