Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội bản Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước.
Nợ gấp nhiều lần vốn
Cụ thể, năm 2006 có 38 TĐ, TCT hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng 3 lần (chiếm 40% số TĐ, TCT); năm 2007 có 31 TĐ, TCT (32%); năm 2008 có 31 TĐ, TCT (32%).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng phải triệt để tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu, tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp tại các TĐ, TCT; tổ chức rà soát đánh giá hoạt động của TĐ, TCT để chấn chỉnh, củng cố, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp… |
Tính đến 31.12.2008, một số đơn vị có tỷ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao (trên 10 lần) là: TCT xây dựng công trình giao thông (CTGT) 1 (21,6 lần); TCT lắp máy VN (17,4 lần); TCT xây dựng CTGT 4 (14 lần), TCT Thành An (13,9 lần); TCT xây dựng công nghiệp VN (12,9 lần); TCT cổ phần XNK và xây dựng VN (12,2 lần); TCT xây dựng CTGT 8 (12 lần); TCT thủy tinh và gốm xây dựng (11,3 lần), TĐ công nghiệp tàu thủy VN-Vinashin (10,9 lần)...
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước VN, tính đến 31.12.2008, tổng nợ tín dụng của 7 TĐ (Dầu khí, Than khoáng sản, Cao su, Dệt may, Công nghiệp tàu thủy, Điện lực, Bưu chính viễn thông) là 128.786 tỉ đồng, tăng 20,54% so với cuối 2007, chiếm gần 10% so với tổng nợ tín dụng đối với nền kinh tế ở cùng thời điểm. Một số đơn vị có nợ lớn là TĐ Điện lực nợ 66.764 tỉ đồng (chiếm 51,84% tổng nợ tín dụng của 7 TĐ); TĐ Dầu khí nợ 21.477 tỉ đồng (16,67%); Vinashin nợ 19.885 tỉ đồng (15,44%). Báo cáo cho biết, đây chủ yếu là nợ trung và dài hạn, phục vụ cho các dự án đầu tư mang tính chiều sâu và các kế hoạch phát triển. Cụ thể, nợ ngắn hạn chiếm 15%, nợ trung và dài hạn chiếm 85% tổng nợ của các TĐ.
Về chất lượng nợ, tổng nợ quá hạn của 7 TĐ tính đến 31.12.2008 là 4.168 tỉ đồng (chiếm 3,24% tổng dư nợ tín dụng của các TĐ). TĐ Vinashin có số nợ quá hạn là 3.812 tỉ đồng (91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 TĐ).
Mất hàng trăm tỉ đồng vốn nhà nước
Báo cáo cũng cho biết, một số TCT như TCT mía đường II, TCT rau quả nông sản, TCT dâu tằm tơ VN, TCT thủy sản VN đã thực hiện bảo lãnh vay vốn đối với các dự án của các DN thành viên không đúng quy định, không thẩm định kỹ lưỡng về hiệu quả đầu tư và phương án trả nợ, dẫn đến khi DN thành viên phá sản, kinh doanh thua lỗ thì các TCT phải dùng vốn nhà nước trả nợ thay, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh chung. Đa số các TĐ, TCT có số nợ phải thu lớn, tính đến 31.12.2008, số nợ phải thu đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2007, tổng số nợ phải thu của các TĐ, TCT là 185.826 tỉ đồng, chiếm 38,26% vốn chủ sở hữu và 14,96% tổng tài sản của các TĐ, TCT.
Một số TCT làm ăn thua lỗ, tính đến cuối năm 2008 vẫn còn 23 đơn vị có lỗ lũy kế với tổng số tiền là 2.797 tỉ đồng. Một số TCT lỗ phát sinh ở đơn vị thành viên gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh chung. Ví dụ, năm 2008, TCT lắp máy lỗ phát sinh 68,75 tỉ đồng, TCT xây dựng CTGT 4 lỗ phát sinh 52,52 tỉ đồng, TĐ dệt may lỗ phát sinh 27,98 tỉ đồng... Đáng chú ý, TCT xây dựng đường thủy có tới 7/8 đơn vị thành viên hạch toán độc lập chưa cổ phần hóa bị lỗ, làm mất toàn bộ vốn chủ sở hữu của TCT. Một số TCT hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt khó khăn, không khắc phục triệt để và dứt điểm được tình trạng lỗ lũy kế từ các năm trước, tiếp tục để phát sinh lỗ, khả năng thanh toán hạn chế, vốn nhà nước mất hết, nếu không có giải pháp sắp xếp, đổi mới triệt để thì phải làm thủ tục cho phá sản. TCT dâu tằm tơ lỗ lũy kế tính đến ngày cuối năm 2008 là 61,28 tỉ đồng. TCT muối lỗ lũy kế 15,13 tỉ đồng; TCT cà phê VN lỗ lũy kế 482,53 tỉ đồng.
Káp Thành Long
Bình luận (0)