Từ ngày 3-11, sân khấu kịch TPHCM đã có thêm hai sân khấu đi vào hoạt động. Đó là Kịch Gia Định và Kịch Đồng Dao, nâng số sàn diễn của các sân khấu kịch theo mô hình xã hội hóa lên hàng chục. Số lượng sàn diễn tăng nhưng chất lượng thì còn nhiều điều bất cập.
Khán giả không dễ tính
Trong cuộc họp báo ra mắt sân khấu Kịch Gia Định của Công ty Sài Gòn phẳng, nghệ sĩ Minh Béo đã đại diện ban quản lý hai sàn diễn của công ty này (một tại Nhà hát Kịch Thế giới trẻ Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, một tại hội trường Trung tâm Văn hóa Bình Thạnh) trình bày chiến lược khai thác các đề tài thời sự về gia đình, tuổi trẻ.
Ba vở diễn mới của kịch Gia Định gồm: Trai yêu, Nước mắt đàn ông, Tỉ phú ổ rác được giới thiệu là hấp dẫn, thu hút khán giả với nhiều chiêu mới, nhưng thực tế các chuyện kịch này vẫn lặp lại khía cạnh ghen tuông, hận thù, vấn đề đồng tính nam đã từng được dựng trên các sàn diễn khác thời gian qua.
Vở Nước mắt đàn ông chưa thật sự thu hút người xem khi phong cách na ná dạng kịch sinh hoạt của sân khấu Kịch Sài Gòn. Chiêu thức bày ra cho khán giả bốc thăm trúng thưởng, phần thưởng gồm 2 vé mời xem vở kịch suất sau và được đi ăn tối với danh hài Bảo Quốc, Minh Béo khiến nhiều khán giả không đồng tình vì mất thời gian.
Thiếu nghệ sĩ đích thực
Dàn diễn viên của sân khấu Kịch Gia Định vẫn là những tên tuổi quen thuộc, như: Bảo Quốc, Phương Dung, Minh Hạnh..., còn lực lượng được xem là “nét riêng” lại là những diễn viên điện ảnh, ca sĩ, người mẫu chưa một lần đóng kịch. Hầu hết họ thiếu khả năng đài từ, khó có thể thoại kịch một cách diễn cảm.
Có thêm nhiều điểm diễn, nghệ sĩ có thêm thu nhập nhưng để nâng cao vị trí nghề nghiệp, khẳng định đẳng cấp nghệ thuật thì không dễ vì bị chi phối ở nhiều điểm diễn. Đây cũng là điều khiến nhiều nghệ sĩ có tên tuổi phải suy nghĩ để chọn lựa.
Những sân khấu mới này hiện chỉ có vài diễn viên, còn vở diễn thì được tập gấp rút, diễn viên đầu tư cho vai diễn chưa sâu, tác phẩm ra đời chắp vá, vụn vặt và hậu quả là tuổi thọ của vở diễn không cao.
Khán giả sẽ quay lưng một khi các tên tuổi họ yêu thích lại xuất hiện khắp các sàn diễn trong những vở diễn nhàn nhạt. Sân khấu “nở nồi” không mang lại tín hiệu vui mà là nỗi lo cho người làm nghề trước thực trạng thiếu người, thiếu kịch bản và thiếu sự hưởng ứng của khán giả. |
Sàn diễn chơi vơi
Sân khấu Kịch Đồng Dao của nhóm nghệ sĩ Trung Dân ra đời trong giai đoạn chưa tìm được điểm diễn, mong muốn được dàn dựng dòng kịch văn học với đề tài sông nước Nam Bộ. Bước đầu, Kịch Đồng Dao đã nhận được sự giúp đỡ của Công ty TNHH Thái Dương, nhường một vài suất diễn trống trong tuần để tái diễn vở Dòng nhớ (đạo diễn Hạnh Thúy, dựa theo truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư), sau khi ê kíp tham gia vở diễn này tách ra khỏi Công ty Sài Gòn phẳng. Còn kế hoạch dựng vở mới vẫn còn mù mịt vì... không có khán phòng cố định.
Tương tự, mơ ước gầy dựng sân khấu mang thương hiệu Minh Nguyệt đến nay vẫn chưa tìm được điểm diễn cụ thể. Vở Cánh đồng bất tận (cũng dựa theo truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư) sau khi tham gia hội diễn vẫn “tạm trú” tại sàn diễn 5B Võ Văn Tần.
Vấn đề đặt ra là bất cứ một cá nhân, đơn vị, nhóm nghệ sĩ nào cũng có thể thành lập sân khấu kịch theo mô hình xã hội hóa nhưng thực tế không dễ tồn tại khi diễn viên, tác giả kịch bản, đạo diễn đều mang tính vay mượn. Vì không ký kết hợp đồng biểu diễn thường xuyên nên những sân khấu kịch mới này không giữ chân được nghệ sĩ.
Đổ mồ hôi, sôi nước mắt Hầu hết các sân khấu kịch xã hội hóa thời gian qua đã phải vật lộn với việc tìm kiếm kịch bản để làm nên thương hiệu riêng. Để có được một phong cách riêng, các sân khấu kịch nói tại TPHCM (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, (IDECAF, Kịch Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn...) đã nỗ lực rất lớn trong hơn 10 năm qua. Trong đó có xây dựng nền tảng là thương hiệu của ngôi sao, như: Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy (IDECAF); Hồng Vân, Bảo Quốc, Minh Nhí, Anh Vũ, Thúy Nga (Kịch Phú Nhuận); Việt Anh, Thanh Hoàng, Ái Như, Thành Hội (5B), Ngọc Giàu, Hồng Nga, Phương Dung, Hoàng Sơn (Kịch Sài Gòn); Hoài Linh, Chí Tài, Kim Ngọc, Hữu Lộc (Kịch Nụ cười mới)... Các sân khấu này cũng đã góp phần đào tạo nhiều diễn viên trẻ, bổ sung cho làng kịch TPHCM nhiều gương mặt triển vọng. Các ngôi sao kịch nói thuộc thế hệ vàng đi ra từ cái nôi sàn diễn 5B Võ Văn Tần đã góp phần không nhỏ để tạo nên đẳng cấp của mỗi sàn diễn hoặc trong vai trò đạo diễn kiêm diễn viên hoặc trong vai trò vừa đạo diễn vừa là diễn viên và nhà tổ chức. Vị thế của họ càng tăng khi vở diễn mang lại hiệu quả: suất diễn tăng kéo theo lợi nhuận tăng. Chính vì thế, nhiều nghệ sĩ kịch muốn khẳng định mình bằng việc tạo dựng sàn diễn riêng qua việc thành lập công ty, gầy dựng thương hiệu sân khấu kịch mới. Khát vọng đó góp phần mang lại cho hoạt động sân khấu TPHCM có thêm nhiều điểm diễn mới. Nhưng vận may không dễ mỉm cười với bất kỳ ai. Minh Nhí cho biết: “Việc thành lập công ty kinh doanh sân khấu theo mô hình xã hội hóa là không dễ. Nhớ lại thời gian cùng Quốc Thảo lập sân khấu số 7 Trần Cao Vân tôi còn phát sợ. Lần đó coi như mất toi 100 triệu đồng đầu tư. Lo nhất là khâu ổn định diễn viên, tìm nguồn kịch bản thích hợp và xây dựng phong cách riêng theo tâm huyết của mình”. |
Bài và ảnh: Thanh Hiệp / Người Lao Động
Bình luận (0)