Loài sâm này (tên khoa học là Panax vietnamensis, trên thế giới được biết đến dưới cái tên sâm Việt Nam) được chứng minh là có nhiều ưu điểm hơn cả sâm Hàn Quốc.
Trong căn phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại tại Học viện Quân y, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm bình nhỏ chứa những hạt li ti màu xanh. Đó là những bình thí nghiệm - môi trường sống của hàng triệu triệu tế bào sâm Ngọc Linh.
Chỉ với một vài tế bào tách chiết từ rễ của sâm Ngọc Linh, bằng kỹ thuật sinh khối tế bào, các nhà khoa học của Học viện Quân y có thể sản xuất sâm Ngọc Linh với số lượng lớn trong vòng 15 ngày.
Ban đầu các tế bào sâm Ngọc Linh được tạo ra và duy trì trong môi trường thạch, sau đó nuôi cấy trong môi trường lỏng.
Thoạt đầu nhóm nghiên cứu nuôi sâm Ngọc Linh trong bình nhỏ 500ml. Với dung lượng này, cứ 15 ngày thu được 100gr tế bào. Tiếp đó, người ta nâng dần quy mô nuôi cấy với mục đích tăng số lượng tế bào, đủ để phục vụ cho sản xuất quy mô công nghiệp.
Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã thành công ở môi trường nuôi cấy 30 lít và đang tiến tới quy mô 100 lít.
Đề tài này thuộc chương trình hợp tác nghiên cứu theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, khởi động từ năm 2006. Đến nay, thành công đã được ghi nhận ở quy mô pilot (phòng thí nghiệm).
Ngoài ra, bước đầu nhóm nghiên cứu cũng đã bào chế thành công viên nang sâm Ngọc Linh và nước tăng lực từ tế bào sâm Ngọc Linh, hiện đang được rất nhiều công ty săn đón làm sản phẩm độc quyền.
Trước đây, giới khoa học đã tìm nhiều phương pháp nhân giống sâm Ngọc Linh trong tự nhiên, song kết quả thu được còn nhiều hạn chế. Loài cây khó tính này có phạm vi phân bố hẹp ở vùng có khí hậu ẩm và thời gian sinh trưởng tương đối dài.
Người ta mới chỉ tìm thấy sâm Ngọc Linh tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, huyện Trà My tỉnh Quảng Nam, núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và còn có thể có ở đỉnh Ngọc Am, tỉnh Quảng Nam.
Với phương pháp sinh khối tế bào, các nhà khoa học có thể chủ động được nguồn nguyên liệu dồi dào, trong thời gian ngắn, phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất ra các sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc, v.v..., phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Hơn sâm Hàn Quốc
Cầm ra hai bình thuỷ tinh, Th.S Vũ Bình Dương, thành viên nhóm nghiên cứu, chỉ vào bình đựng những củ sâm nhỏ bằng đốt tay cái, nói, loại này phải sau 6 năm mới thu hoạch được. Mỗi năm sâm chỉ sinh thêm một đốt.
|
Bình còn lại đựng một củ sâm to bằng hai ngón tay chập lại, đó là sâm 40 năm. Hiếm hoi lắm mới kiếm được một củ sâm Ngọc Linh cao tuổi như vậy do tình trạng trộm sâm đang diễn ra phổ biến tại núi Ngọc Linh. Trong khi đó, nhu cầu sâm Ngọc Linh ngày càng lớn.
Một kg sâm tươi có giá khoảng 25 triệu đồng, khô 75 triệu đồng (trong khi chỉ khoảng 2 triệu đồng/kg sâm Hàn Quốc) nhưng cũng không có để mua.
Sâm Ngọc Linh trở thành vị thuốc quý được săn lùng, ngoài lý do quý hiếm, chỉ có với số lượng cực ít, loài này còn có nhiều ưu điểm hơn sâm Hàn Quốc. Đó là hàm lượng hoạt chất saponin (hoạt chất chính trong sâm, bao gồm nhiều chất có tác dụng tốt đối với sức khỏe) cao hơn so với sâm Hàn Quốc.
Ngoài ra sâm Ngọc Linh còn có những chất mà sâm Hàn Quốc không có, đặc biệt là chất Majonoside R2 (chiếm 50% hoạt chất saponin), có tác dụng làm giảm stress.
Được thế giới ghi nhận là một loài sâm quý hiếm bậc nhất, nhưng đến nay sâm Ngọc Linh vẫn chưa được biết đến nhiều chứ chưa nói đến việc trở thành một thương hiệu mang tầm quốc tế như sâm Hàn Quốc.
Một phần nguyên nhân là do ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, việc nghiên cứu gặp nhiều trở ngại do thiếu máy móc, trang thiết bị.
Trong khi Việt Nam thành công bước đầu trong quy trình sinh khối tế bào sâm Ngọc Linh thì một số nước châu Á cũng đang ráo riết nghiên cứu sâm Ngọc Linh.
Giới khoa học nhận định, nếu không nhanh chóng, chúng ta có nguy cơ thua ngay trên sân nhà dù đang là đất nước sở hữu loài sâm quý hiếm nhất thế giới.
Đây là kết quả nghiên cứu theo Nghị định thư với Hàn Quốc về “Hợp tác nghiên cứu xây dựng quy trình tạo sinh khối tế bào sâm Ngọc Linh làm nguyên liệu bào chế thuốc, thực phẩm chức năng phục vụ sức khỏe cộng đồng”, được thực hiện từ 2006 - 2008. Sâm Ngọc Linh đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam. |
Theo Mỹ Hằng / Tiền Phong
Bình luận (0)