Sáng nay, 6/11 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản đã đến thủ đô Tokyo.
Đón Đoàn tại sân bay quốc tế Tokyo có Đại sứ Seiji Kojima, Trưởng Lễ tân Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba và đông đảo cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Ngay khi tới Tokyo, Nhật Bản dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành chương trình làm việc dày đặc các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các chính khách, các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tiếp Đại sứ đặc biệt Nhật-Việt, Sugi Ryotaro, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp của của Đại sứ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua đồng thời bày tỏ sự đồng tình đối với một số đề nghị của Đại sứ Sugi Ryotaro về việc 2 nước cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân 2 nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện nay Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong phát triển KT- XH, song vẫn còn một bộ phận dân cư đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những người nghèo, trong đó có nhiều trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh cần được chữa trị kịp thời. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đại sứ Sugi Ryotaro tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân, các tập đoàn kinh tế và các bác sĩ Nhật Bản sang Việt Nam hỗ trợ việc điều trị nhằm giúp đỡ các trẻ em khó khăn nói trên.
Là người đã có nhiều đóng góp trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo tại Việt Nam, Đại sứ Sugi Ryotaro khẳng định sẽ tích cực triển khai các công việc theo đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bởi đây là một việc làm mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc.
|
Tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt Takebe Tsutomu đồng thời cũng là Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản-Mekong, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Chủ tịch Takebe Tsutomu sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc phát triển mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Nhật Bản và các nước Tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác trong việc đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Việt Nam tạo được niềm tin với các nhà đầu tư Nhật Bản
Tại các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo một số công ty, tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản như: Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Tập đoàn Mitsubishi, Công ty Daiwasoken, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, quan hệ kinh tế Việt Nam-Nhật Bản đang có những bước phát triển hết sức tốt đẹp; các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao 2 nước đã thống nhất đang được 2 bên tích cực triển khai, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế Việt-Nhật có hiệu lực từ ngày 1/10/2009. Hiện Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
|
Lãnh đạo các công ty, tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với đà tăng trưởng, phục hồi cũng như sự phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Muto Toshiro, nguyên Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Giám đốc Công ty Daiwasoken nhận xét, sự phục hồi nhanh và mạnh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu trước hết do công tác chỉ đạo, điều hành hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, nhất là sự điều hành linh hoạt và hiệu quả chính sách tài chính, tiền tệ. Chính sự phục hồi nhanh, mạnh cũng như sự phát triển năng động của Việt Nam đã tạo niềm tin về môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.
|
Lãnh đạo các công ty, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản bày tỏ mong muốn tiếp tục được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện sang đầu tư vào một số lĩnh vực trọng điểm trong thời gian tới như xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, công nghiệp nặng, tài chính ngân hàng, điện lực…
Trước sự quan tâm về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam của lãnh đạo các công ty, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, kinh tế Việt Nam không rơi vào suy thoái và đã có những chuyển biến rất tích cực trong mấy tháng gần đây.
|
Nền kinh tế Việt Nam đã từng bước phục hồi được đà tăng trưởng; dự báo năm 2009, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 5,2% và Ngân hàng Thế giới còn lạc quan hơn khi đánh giá Việt Nam trong năm 2009 có thể đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5,5%.
Trong năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo có thể đạt được từ 6,5-7% và trong năm 2011, sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh như trong vòng 20 năm qua (khoảng 7-8%).
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam vẫn đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo thuận lợi nhất trong khả năng của mình cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, vì lợi ích chung của cả 2 phía.
|
* Chiều 6/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có các gặp gỡ song phương với Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản; tham dự Phiên họp thứ nhất Hội nghị Thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Bình luận (0)