Quy hoạch đô thị phải bảo đảm phát triển bền vững

06/11/2009 18:49 GMT+7

Quy hoạch đô thị phải tính đến sự cân đối, hợp lý giữa quy mô dân số với điều kiện hạ tầng sao cho các đô thị trong hệ thống quy hoạch phải đảm bảo sự phát triển bền vững.

Hội nghị Đô thị toàn quốc 2009 được tổ chức hôm nay (6/11) tại Hà Nội là cơ hội để các Bộ, ngành cùng chính quyền các đô thị trong toàn quốc, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư cùng nhìn nhận, đánh giá và phát huy những thành tựu đã đạt được; đồng thời rút kinh nghiệm thực tế, kiến nghị và đề xuất giải pháp nhằm phát triển đô thị bền vững theo xu hướng hội nhập.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong 10 năm qua, hệ thống đô thị có nhiều thay đổi, phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng.

Diện mạo cảnh quan đô thị đã được quan tâm đầu tư phát triển với nhiều công trình tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị có chất lượng cao. Đi đôi với việc đầu tư xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ thì công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị và bảo tồn các giá trị di sản kiến trúc đô thị cũng đã được coi trọng.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị luôn được bổ sung, điều chỉnh giúp cho hệ thống đô thị ngày càng vững chắc. Cuộc sống của người dân ở các khu đô thị từ đó cũng được nâng cao.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng sự phân bố cũng như tốc độ tăng trưởng giữa các loại đô thị còn chưa cân đối; hạ tầng kỹ thuật tại các khu đô thị như giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, xử lý chất thải chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, công tác quản lý đô thị chưa chặt chẽ, đồng bộ.


Hội nghị Đô thị toàn quốc 2009 - Ảnh Chinhphu.vn


Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, bài toán được đặt ra là chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng những đô thị có chất lượng. Khi quy hoạch phải tính đến sự cân đối, hợp lý giữa quy mô dân số với điều kiện hạ tầng sao cho các đô thị trong hệ thống quy hoạch phải đảm bảo sự phát triển bền vững.

“Trong điều kiện phát triển của Việt Nam hiện nay, phát triển đô thị phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1998 về định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2020, công tác phát triển đô thị Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Hiện nay, cả nước có 754 đô thị, tăng thêm 125 đô thị sau chỉ sau 10 năm xây dựng và phát triển. Trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt ( Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), 7 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 40 đô thị loại IV và 646 đô thị loại V. Ngoài ra còn có khoảng 10.000 điểm dân cư nông thôn và gần 200 khu công nghiệp tập trung sẽ là quỹ phát triển đô thị trong tương lai.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.