Bản đồ đất Việt từ 1.000 con rồng

06/11/2009 23:52 GMT+7

Một nghệ nhân kim hoàn xứ Quảng miệt mài suốt 3 năm để hoàn thiện tấm bản đồ Việt Nam với 1.000 con rồng chạm khắc.

“Chạm khắc” giấc mơ tiền nhân

Trên tầng lầu của Doanh nghiệp kinh doanh vàng Ngọc Minh ở thị trấn Nam Phước (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), tiếng đục đẽo ngày một khẩn trương. Ba năm trước, nghệ nhân Ngọc Minh (tên thật là Trần Văn Anh, sinh năm 1968) đã theo đuổi ý tưởng hoàn thành bức bản đồ Việt Nam khá độc đáo: chạm khắc 1.000 con rồng với đủ hình dáng, tư thế khác nhau để “gắn” thành bức bản đồ đất nước Việt Nam cao 6m, rộng 3m. Tấm bản đồ đặc biệt ấy được đặt tên Thiên long Việt đồ, có dáng tổng thể con rồng hướng ra biển Đông, đỉnh đầu con rồng là tỉnh Hà Giang - điểm cực bắc Tổ quốc, đuôi rồng là mũi Cà Mau. Mỗi tỉnh, thành phố, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những đảo nhỏ cũng được “bố trí” bằng những con rồng nhỏ.

Ý tưởng về một lãnh thổ Việt Nam mang dáng hình con rồng đang bay lên được nghệ nhân Ngọc Minh ấp ủ từ 3 năm trước, khi cả nước mở cuộc vận động hướng đến 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Câu chuyện bắt đầu từ giấc mơ xưa hiển hiện trong lịch sử Việt Nam khoảng 1.000 năm trước, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về nơi mà người thấy hình rồng bay lên và đặt tên Thăng Long. “Giấc mơ về một Việt Nam hóa rồng đã thúc giục tôi thực hiện tác phẩm này” - anh nhớ lại.

Ngày 25.3.2009, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận bộ tác phẩm Bách tâm đồ (100 chữ tâm), Bách nhẫn đồ (100 chữ nhẫn) của nghệ nhân Ngọc Minh là Bộ tranh thủ công mỹ nghệ lớn nhất Việt Nam. Tác phẩm này gồm 2 bức, mỗi bức có kích thước 2,6x3,5 mét, được khởi đầu chạm khắc cùng lúc với Thiên long Việt đồ nhưng hoàn thành sớm hơn, sau khoảng 1 năm. Tác phẩm bao gồm 100 chữ Nhẫn, 100 chữ Tâm với cách viết khác nhau trên gỗ mít. Anh Ngọc Minh có nguyện vọng sẽ bán đấu giá bộ tranh này để lấy tiền giúp đỡ trẻ em nghèo bất hạnh.

Tấm bản đồ đặc biệt

1.000 con rồng cũng tương ứng với 1.000 kiểu rồng phi, thăng, giáng khác nhau, được thếp vàng 24K. Tác phẩm của nghệ nhân Ngọc Minh được bố cục thành 2 mặt: mặt trước khoảng 500 con rồng nhỏ ghép thành tấm bản đồ Việt Nam với đầy đủ chi tiết về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Mặt sau với phân nửa số rồng còn lại được anh ghép riêng thành dáng một con rồng nữa mang ý tưởng “rồng bay lên” (thăng long).

Đến ngày 5.11, nghệ nhân Ngọc Minh khoe đã chạm khắc đủ 1.000 con rồng và đang mạ vàng, kịp hoàn thiện để trình làng nhân Tuần văn hóa du lịch Quảng Nam tại thủ đô Hà Nội vào nửa cuối tháng 11 này. “Thực ra ban đầu tôi chỉ nghĩ đến đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam có lời đề nghị tham gia nên đã nhận lời và gấp rút hoàn thiện”, anh nói. Tấm bản đồ này càng đặc biệt khi không chỉ được thếp vàng và khoản kinh phí thực hiện đã ngót nghét 1 tỉ đồng, mà là dụng tâm và dụng công của người thực hiện. “Kết cấu bản đồ Việt Nam bằng các con rồng rất khó, phải làm sao đảm bảo đúng y tỷ lệ” - anh tâm sự.

Ít ai biết rằng, nghệ nhân này còn có một dụng tâm khác: cố ý đúc một con rồng mang tư thế bay lên bằng 100% vàng “9999” (khoảng 1,8 lạng), và đặt nó ngay vị trí thủ đô Hà Nội trên tấm Thiên long Việt đồ; 999 con còn lại chỉ thếp vàng nên tạm gọi là “mộc long”. Tác phẩm thủ công mỹ nghệ cũng nương theo một ý tưởng khác về ngũ hành: mộc long (hành Mộc), gỗ màu vàng (hành Thổ), trên khung gương đen (hành Thủy), phủ gấm đỏ (hành Hỏa), thủ đô Hà Nội gắn “kim long” (hành Kim). Anh tiết lộ: “Bây giờ tôi chưa đúc con “kim long” ấy. Nhưng chắc chắn trong ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi sẽ gắn con rồng đặc biệt ấy vào bức Thiên long Việt đồ đấy!”.

Mối băn khoăn hiện nay của anh Ngọc Minh là an toàn cho tác phẩm trên chặng đường vận chuyển từ Quảng Nam ra Hà Nội.

Hứa Xuyên Huỳnh – Diễm Lệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.