Đoàn đại biểu VN do Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh (ảnh) dẫn đầu. Phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh về các vấn đề chính xung quanh hội nghị.
* Xin Bộ trưởng cho biết những nội dung được bàn thảo tại ADMM vừa qua?
- Sang năm VN sẽ trở thành chủ tịch luân phiên của ASEAN. Bộ Quốc phòng VN sẽ giữ vai trò chủ tịch của ADMM lần thứ 4. Trong hội nghị vừa qua các bộ trưởng có đưa ra một thể thức về thủ tục cũng như cấu trúc về việc mở rộng ADMM với các nước đối tác đối thoại ngoài ASEAN. Hiện nay khu vực ASEAN có cả thách thức truyền thống và phi truyền thống. Đặc biệt là thách thức phi truyền thống như vấn đề chống khủng bố, chống cướp biển, chống buôn người, vấn đề cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai, những vấn đề cần có phối hợp với nhau để cảnh báo, chia sẻ, trao đổi thông tin.
Cho nên hội nghị vừa qua bàn xem làm sao mời các nước ở ngoài ASEAN tham gia để giữ gìn môi trường hợp tác, hòa hợp, hòa bình, ổn định để phát triển trong khu vực. VN chúng ta đưa ra cấu trúc tạm là ASEAN (gồm 10 nước) và mở rộng ra là 8 nước đối tác đối thoại, hay còn gọi là ASEAN+8, dự kiến bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand. Đây là những nước có quan hệ khá mật thiết trong khu vực cũng như có vai trò đóng góp tích cực vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định.
* Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về hình thức hợp tác quốc phòng với các nước ngoài khu vực ASEAN?
- Trong hội nghị, nhìn chung các bộ trưởng đều tán thành xu hướng là phải hợp tác với các đối tác đối thoại. Thế nhưng còn một vài bộ trưởng có chút phân vân là nếu hợp tác thì hợp tác với bao nhiêu nước. Có bộ trưởng thì nêu ý kiến về hình thức ASEAN+3, +5 hay +6, hoặc có thể là từ từ. Thế nhưng theo tôi thì nên thuyết phục các nước đối tác và các nước trong ASEAN là nên chọn hình thức ASEAN+8, gồm các nước như tôi vừa nêu. Như thế cũng đảm bảo tính minh bạch. Ví dụ như ASEAN cộng với 1, 2 hay 3 nước nào đó chẳng hạn, thì những nước khác sẽ thắc mắc. Đó có thể là vấn đề. Cho nên phải minh bạch.
* Thế còn vấn đề về phối hợp bảo vệ ngư dân trên biển thì sao, thưa Bộ trưởng? Nhất là vừa qua Indonesia đã thông qua luật cho phép đánh chìm tàu nước khác vi phạm vùng biển của họ.
- Ngoài hội nghị thì tôi có tổ chức gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Teo Chee Hean và Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi. Quan hệ của ta với Thái Lan thì có thể nói là rất tốt. Còn với Malaysia thì khi tôi gặp Bộ trưởng Quốc phòng nước này tại Hội nghị Shangri La ở Singapore năm ngoái, tôi cũng có đặt vấn đề hợp tác hải quân và đối xử nhân đạo với những ngư dân của Việt Nam vô tình vi phạm vùng biển của bạn. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi hưởng ứng tích cực và thiện chí.
Riêng đối với Indonesia, tôi cũng đặt vấn đề một số ngư dân của chúng ta vô tình vi phạm vùng biển do tránh bão, do theo đuổi các đàn cá, do trình độ... Chúng tôi đề nghị đối xử một cách nhân đạo với các ngư dân theo đúng thông lệ quốc tế cũng như theo mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa VN và Indonesia. Bộ trưởng Indonesia đã ghi nhận ý kiến này và sẽ tích cực chỉ đạo lực lượng hải quân Indonesia. Nhưng ông ấy cũng có đề xuất rằng hiện nay không chỉ có hải quân mà còn một số lực lượng khác làm nhiệm vụ quản lý trên biển. Do đó ông đề nghị giữa Indonesia và VN sẽ thành lập ra một tổ làm việc để phối hợp với các bộ ngành, lực lượng quản lý biển của Indonesia và VN để khắc phục được tình hình đó.
Cũng phải thấy một mặt nữa là về phía chúng ta thì cũng phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ngư dân để không vi phạm vào vùng biển của nước khác.
* Xin cám ơn Bộ trưởng.
Việt Phương (VP Bangkok)
Bình luận (0)