Thiếu thiết kế đô thị, người dân còn bị “hành”

08/11/2009 03:24 GMT+7

Làm thế nào để giải quyết những bất cập trong việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị, đang khiến chúng ta có một bộ mặt đô thị lộn xộn, thiếu khoa học là những nội dung mà Thứ trưởng Bộ Xây dựng, tiến sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Đình Toàn trao đổi với Thanh Niên, nhân ngày Đô thị Việt Nam (8.11).

Thiếu thiết kế đô thị

* Thưa ông, hằng năm chúng ta vẫn phải chi không ít tiền cho quy hoạch đô thị nhưng tại sao đô thị của chúng ta càng phát triển càng lộn xộn? Phải chăng là vì quy hoạch đô thị hiện mới chỉ dừng lại ở quy hoạch sử dụng đất, thiếu thiết kế đô thị?

- Từ trước đến nay, chúng ta quản lý đô thị chủ yếu dựa trên đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 - 1/25.000. Thực chất của đồ án quy hoạch chung mới chỉ thể hiện được quy hoạch không gian trên mặt bằng ở tỷ lệ còn rất nhỏ, chủ yếu vẫn là phân khu chức năng, sử dụng đất, hạ tầng, môi trường chiến lược. Trong khi để quản lý được không gian kiến trúc quy hoạch cần phải xem xét ở các đồ án quy hoạch chi tiết ở tỷ lệ 1/500 - 1/2.000 và đồ án thiết kế đô thị. Ngoài ra, đồ án quy hoạch chỉ có thể thực hiện tốt khi có quy chế quản lý đô thị kèm theo nó. Quy chế này phải rất cụ thể, chi tiết phải gắn liền với bản vẽ đến từng số nhà. Những quy định được nêu trong quy chế phải được tham gia của cộng đồng dân cư đặc biệt là người dân sống trong địa điểm quy hoạch đó.

Chính tôi khi đi xin phép xây dựng cũng từng bị "hành", họ không chấp nhận bản vẽ của tôi gửi, mà bắt phải qua một công ty tư vấn do họ chỉ định. Sự tùy tiện ấy khiến người dân còn khổ biết chừng nào - Ông Nguyễn Đình Toàn

* Do thiếu quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị nên xin phép xây dựng ở các thành phố lớn trở thành thủ tục rất khó khăn...?

- Nó khó khăn với cả người dân và cán bộ cấp phép. Thông thường ở các nước, đô thị phải có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị được giới thiệu cho người dân biết trên bản vẽ, trên mô hình sa bàn, thậm chí in ra tờ rơi phát đến từng gia đình: theo thiết kế đô thị, trên tuyến phố nhà ông bà, được kiến trúc mái dốc, hay bằng, chiều cao bao nhiêu, sơn tường màu gì, mật độ xây dựng bao nhiêu? Người dân khi có nhu cầu xây dựng có thể tự thiết kế rồi nộp hồ sơ lên xin cấp phép xây dựng. Nhiều đô thị ở các nước phát triển cũng không cần thủ tục xin phép xây dựng, người dân cứ xây dựng theo đúng thiết kế đô thị đã công bố mà không cần xin phép ai cả, nếu sai thì chính quyền sẽ đến yêu cầu phá dỡ. Nếu các đô thị ở ta đều có quy chế riêng cho mình, có bản vẽ, mô hình để mọi người đều được biết thì thủ tục xây dựng chắc chắn sẽ giảm đáng kể.

* Tại sao mãi đến giờ các đô thị của ta vẫn không làm được như vậy?

- Có nhiều lý do được đưa ra, nào là không có người làm, đến khi phân cấp cho quận huyện (lập và duyệt quy hoạch chi tiết) thì cũng nảy sinh nhiều bất cập. Ví dụ TP.HCM đã có 506 quy hoạch chi tiết 1/2.000 do quận, huyện lập và duyệt, chưa thể đi vào cuộc sống: vẫn chỉ là quy hoạch mặt bằng, không có quy hoạch không gian về chiều cao, không có sa bàn mô hình; Người ta không hình dung được ngôi nhà mình ra sao. Do vậy, khi người dân tự thiết kế, gửi hồ sơ nên xin phép hoặc là không được thông qua hoặc là bị "lái" về đơn vị tư vấn quen thuộc của cấp quận huyện đó thiết kế thì mới duyệt. Thậm chí các cơ quan công sở cũng bị tình trạng như vậy khi xin chứng chỉ quy hoạch kiến trúc, có sự tùy tiện trong cấp phép về không gian (tầng cao), mật độ xây dựng...

Đồ án tốt không hẳn sẽ có đô thị tốt

* Ông đánh giá thế nào về chất lượng các đồ án quy hoạch hiện nay? Tại sao có tình trạng quy hoạch treo?

- Một đồ án có chất lượng phải được làm ra bởi nhóm tác giả và người đứng đầu có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm và có tâm với nghề nghiệp. Có đồ án quy hoạch tốt mà không được quản lý tốt thì cũng không mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó “cơ chế” cũng góp phần không nhỏ cho sự thành công của việc thực hiện quy hoạch. Đồ án quy hoạch hiện nay sau khi bàn giao hồ sơ sản phẩm cho chủ đầu tư xong là chuyển giao quyền định đoạt cho các nhà quản lý đô thị. Tỷ lệ các đồ án quy hoạch không được thực hiện đến nơi đến chốn còn đang chiếm tỷ trọng cao. Còn nhiều dự án, thậm chí quy hoạch của một thành phố lúc đầu vẽ ra rất hấp dẫn nhưng kết cục không thể thực hiện do thiếu tính khả thi, thiếu vốn, hoặc không thể giải phóng hết mặt bằng... dẫn đến tình trạng quy hoạch treo không phải là hiếm.

* Nhiều người cho rằng nên thuê tư vấn nước ngoài khi lập quy hoạch đô thị. Ông đánh giá như thế nào về tư vấn quy hoạch nước ngoài đang hoạt động ở VN? Có thực sự là "cứu cánh" cho đô thị VN không?

- Việc sử dụng tư vấn nước ngoài hiện nay là một việc làm cần thiết. Tuy vậy, tư vấn quy hoạch nước ngoài chỉ phát huy tốt ở những đồ án quy hoạch chi tiết, những dự án cụ thể. Những đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch chung lớn hơn thì tư vấn nước ngoài phải có thời gian nghiên cứu dài hơn, vì thời gian lập quy hoạch chung ở Việt Nam thường rất ngắn từ 1-2 năm, trong khoảng thời gian đó người nước ngoài chưa kịp hiểu hết về điều kiện địa lý, khí hậu địa hình, môi trường, văn hóa, hạ tầng của VN. Để tránh những lãng phí tiền của khi thuê tư vấn nước ngoài thì cần xem xét kỹ nhu cầu của mỗi việc cụ thể, thuê tư vấn nghiên cứu ý tưởng hay làm cả một đồ án.

* Xin cảm ơn ông!

An Nguyên
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.