Một ngày sau vụ cuồng sát, nghi phạm Nidal Malik Hasan vẫn bất tỉnh trong bệnh viện. Cả nước Mỹ chưa hết bàng hoàng và buồn đau. Thi thể 13 người xấu số đã được chuyển đi. Người ta cũng khám nghiệm tử thi để xác định liệu có nạn nhân nào chết vì đạn lạc khi các quân nhân tìm cách triệt hạ hung thủ hay không.
Lời các nhân chứng đang được báo chí và cơ quan điều tra thu thập để tìm hiểu động cơ thủ ác. Hôm trước ngày xả súng, viên thiếu tá quân y đã gọi điện cho bạn thân để cảm ơn và từ biệt. Hasan còn tặng hàng xóm mớ bông cải trong tủ lạnh. Hãng AP dẫn nguồn tin nặc danh cho hay Hasan đã mua một khẩu FN 5.7 tại cửa hàng ở thành phố Killeen nằm cạnh căn cứ quân sự Fort Hood. Nói chung, Hasan đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc bắn giết.
Một số binh sĩ chứng kiến vụ việc cho biết trước khi xả súng, Hasan đã hét lên: “Allahu Akbar”, có nghĩa là “Thượng đế vĩ đại” trong tiếng Ả Rập. Chi tiết này cùng với những thông tin liên quan đến tôn giáo của Hasan đã làm dấy lên câu hỏi lớn về vấn đề Hồi giáo trong lòng nước Mỹ.
Thêm một vụ xả súng Vào trưa 6.11 (giờ địa phương), một người đàn ông đã nã súng vào một tòa nhà văn phòng ở thành phố Orlando thuộc tiểu bang Florida, làm chết 1 người và 5 người khác bị thương. Hung thủ tên Jason Rodriguez, 40 tuổi, trước đây làm việc tại một công ty ở tòa nhà trên nhưng đã bị sa thải năm 2007. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, hắn đã quay lại để “hỏi tội” công ty cũ. Rodriguez đã bị bắt. |
Theo AP, Hasan là một tín đồ Hồi giáo ngoan đạo và từng bị phiền toái liên quan đến tôn giáo của mình. Theo biên bản cảnh sát hồi tháng 8, một người đã bị truy tố khi cố ý phá hỏng xe của Hasan. Nhân chứng cho hay bị truy tố là một quân nhân trở về từ Iraq, người luôn phản đối tín ngưỡng của Hasan. Chiếc xe bị phá hỏng, nhưng lúc đó Hasan tỏ ra độ lượng. “Hasan bảo rằng nên tha thứ mọi người trong tháng Ramadan”, một nhân chứng tên John Thompson kể lại với AP.
Hãng tin BBC dẫn lời ông Kamran Memon thuộc Tổ chức Hồi giáo vì một nước Mỹ an toàn nói rằng đa phần công dân Hồi giáo tại Mỹ “có thể sống yên bình”, cho dù họ chịu sự kỳ thị nào đó, dù chỉ là một ánh mắt hằn học, kể từ sau vụ 11.9.2001. Ông Memon cũng tin rằng tín đồ Hồi giáo đang phục vụ quân đội Mỹ cũng như thế.
BBC dẫn ra một vài sự kiện cho thấy đây là một vấn đề hệ trọng. Tại một doanh trại ở Kuwait, trong khi đơn vị đang chuẩn bị cho cuộc tấn công Iraq vào tháng 3.2003, trung sĩ Hasan Akbar đã ném lựu đạn và xả súng vào căn lều nơi đồng đội ngủ. Vụ việc làm chết 2 người và bị thương 14 người. Gia đình hung thủ sau đó nói rằng người thân của mình từng bị đồng đội kỳ thị tôn giáo và sắc tộc. Cũng năm 2003, một cha tuyên úy Hồi giáo tại căn cứ Guantanamo đã bị cáo buộc làm gián điệp và bị giam giữ 76 ngày trước khi được phục hồi danh dự. Vụ này khiến cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ giận dữ.
Thời gian gần đây, quân đội Mỹ đã không che giấu mong muốn tuyển nhiều người thuộc cộng đồng Hồi giáo và Ả Rập, một phần do quân nhân Hồi giáo có đóng góp rất quan trọng trong nhiệm vụ chinh phục lòng dân tại Afghanistan và Iraq. “Họ là tài sản quý báu của quân đội”, trung tá Nathan Banks, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, nói với BBC.
Tuy nhiên, sau vụ thảm sát ở Fort Hood, Tư lệnh Lục quân - Đại tướng George Casey nói rằng ông lo ngại về một sự giận dữ nhằm vào các quân nhân Hồi giáo đang phục vụ đầy trách nhiệm trong quân đội.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)