Đổi "trắng" thay "đen"

08/11/2009 11:15 GMT+7

(TNTT>) Sau Đức và Nga, đến lượt nước Anh đã thay đổi người dự cuộc thi Miss World 2009. Lance Hodge, một cô gái đang phục vụ trong quân đội sẽ đại diện cho nước Anh tại Nam Phi tháng tới.

Trước cuộc thi hoa hậu Miss World năm 2009 tổ chức tại Nam Phi vào tháng tới, báo chí Anh tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ truyền thông để lăng-xê cho người đẹp của họ. Đó là hoa hậu Rachel Christie, người được báo chí Anh mô tả là “lần đầu tiên trong 59 năm dự thi Miss World, nước Anh cử một người đẹp da màu đến tranh tài”. Lời giới thiệu này rất kêu. Miss World 2009 tổ chức tại Nam Phi, nơi được coi là biểu tượng của cuộc chiến chống lại sự phân biệt chủng tộc. Một người đẹp da màu đến từ một nước châu u có tiếng là bảo thủ như Anh đáng chú ý lắm chứ. Từ năm 1975 đến giờ, chưa hoa hậu Anh nào đăng quang ngôi cao nhất Miss World dù trong lịch sử Miss World, Anh có số hoa hậu chỉ kém Venezuela và Ấn Độ. Chưa hết, từ năm 2001 đến giờ, sau khi hoa hậu Agbani Darego của Nigeria đăng quang, các người đẹp gốc Phi chưa lên ngôi. Với những điều như vậy, dư luận Anh ngầm tạo áp lực cho ban giám khảo rằng đã đến lúc trao ngôi hoa hậu cho Rachel, một phụ nữ da màu Anh. Không ngạc nhiên khi các nhà cái Anh đã có lúc đánh giá Rachel là 1 trong 10 ứng cử viên hàng đầu cho vương miện Miss World năm nay.

Hoa hậu đánh hoa hậu

Nhưng hơn một tháng trước khi cuộc thi hoa hậu diễn ra, Rachel đã tự vứt ngôi hoa hậu nước Anh đồng thời mất quyền dự thi Miss World 2009. Bởi lúc này, Rachel đã bị vào sổ đen cảnh sát và từ chỗ là niềm tự hào của cộng đồng người gốc Phi tại Anh, Rachel trở thành nỗi thất vọng lớn nhất.

Rachel là cô gái da màu đầu tiên được chọn là hoa hậu Anh nhưng lại để mất vương miện

Lance Hodge thể hiện cô là một bông hồng thép trong trang phục nhà binh

Rachel mới 21 tuổi nhưng cuộc đời đã qua của cô có nhiều biến cố đủ để viết thành một cuốn tiểu thuyết. Rachel là con gái út trong gia đình có 4 anh em. Cha cô, Russell không phải là một người lương thiện, Russell dính líu nhiều đến ma túy và bọn xã hội đen. Nhưng mỗi khi không ở tù, ông cũng chăm sóc Rachel như một người cha rất mẫu mực. Lên 8 tuổi, Rachel đã cảm nhận được nỗi đau lớn nhất cuộc đời, đó là lúc cảnh sát gọi điện báo cho gia đình rằng Russell bị đâm và đang nguy kịch. Khi đến bệnh viện, Rachel thấy cha băng bó đầy mình và ông Russell cố nói với con gái rằng: “Cha không sao, con cứ yên tâm”. Nhưng đó là câu nói cuối cùng của Russell dành cho con gái.

Sau khi Russell qua đời, Rachel được ông chú Linford nuôi dạy. Linford là người đã đoạt HCV thế vận hội 1992 tại cự ly 100 mét. Linford đã hướng Rachel theo sự nghiệp điền kinh và đó là một quyết định đúng. Rachel nổi lên như một vận động viên xuất sắc của Anh. Nhưng điều Rachel làm Linford bất ngờ hơn cả những bước chạy thần tốc là cô đã đoạt ngôi vương miện hoa hậu Anh năm 2009. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh, một người da màu được trao vương miện này.

Nhưng chiếc vương miện này chỉ được Rachel giữ hơn 3 tháng. Đầu tháng 11, cô đã phạm sai lầm lớn nhất trong cuộc đời. Tại một hộp đêm Manchester thứ hai vừa qua, cảnh sát đã tạm giữ Rachel vì cô đã tấn công hoa hậu Manchester, Sara Beverly Jones bằng những cú đấm khiến Sara nhập viện. Báo chí cho biết Sara và Rachel là tình địch vì cùng yêu David McIntosh, một ngôi sao truyền hình Anh. Rachel nói rằng cô bị khiêu khích nhưng chẳng ai chấp nhận một hoa hậu lại đấm vào mặt một hoa hậu khác. Trước sức ép dư luận, 5-11, Rachel trả lại vương miện hoa hậu và không tham dự Miss World 2009. Tháng 1 tới, cô sẽ ra hầu tòa. Rachel không còn lưu luyến gì cuộc thi người đẹp tại Nam Phi mà chỉ muốn tập trung cho việc được chọn vào đội điền kinh Anh dự Olympic 2012. Như vậy, Rachel trở thành hoa hậu thứ 4 bỏ cuộc Miss World 2009 vì scandal cá nhân (sau hoa hậu của Nga, Đức và Singapore).

Lính đi thi hoa hậu

Không có Rachel, người Anh dễ dàng chọn được người tiếp nhận vương miện hoa hậu xứ sở sương mùa và dự Miss World 2009. Lance Corporal Hodge, người là á hậu 1 của Anh trong cuộc thi hoa hậu hồi tháng 7 được trao vương miện của Rachel. Lance là một người lính phục vụ trong quân đội Anh nhưng cô yêu màu hồng chẳng kém màu xanh và thích dự các cuộc thi sắc đẹp. Khi Lance quyết định dự thi hoa hậu Anh, báo chí nước này đã chú ý đến cô vì Lance là quân nhân Anh đầu tiên đi thi hoa hậu. Lance giải thích cho hành động của mình là: “Tôi dự thi để khuyến khích các cô gái trẻ khác tại nước Anh tòng quân”.

Việc chọn Lance thay Rachel được báo Anh ca ngợi như một thay đổi hoàn hảo. Và giờ là lúc họ bắt đầu ca ngợi, lăng-xê người đẹp 21 tuổi này bằng những câu chữ có cánh nhất như: “khi nước Anh khó khăn, người lính sẽ xuất hiện”. Rachel bị lên án vì đấm người còn Lance cũng đấm người nhưng được ca ngợi. Lance khoe: “Năm 2005 tại Iraq, tôi đi tuần và gặp một kẻ khả nghi cầm súng. Tôi đã đấm vào mặt hắn, quật ngã hắn và tước súng. Nếu hôm đó, tôi không ra tay nhanh thì giờ đã không còn ở trên đời”.

Hồ Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.