Bắt cóc trẻ em gây “quỹ” khủng bố

11/11/2009 01:01 GMT+7

Khi nguồn tài chính từ nước ngoài bị cắt đứt, bắt cóc trẻ em trở thành lựa chọn của các tay súng nổi dậy Iraq để gây “quỹ” khủng bố.

Thời gian gần đây, bắt cóc đã trở thành hoạt động tội phạm thường xảy ra nhất ở thủ đô Baghdad. Theo cảnh sát, thủ phạm chính là các phần tử khủng bố nhằm vào những trẻ em thuộc thành phần khá giả hoặc trung lưu. Gia đình các nạn nhân chỉ có hai lựa chọn, hoặc bán sạch tài sản để trả tiền chuộc, hoặc chấp nhận mất con vĩnh viễn.

Trả tiền, hay bị thủ tiêu

Bước sang ngày đàm phán thứ ba với những kẻ bắt cóc con trai mình, Rasul Amoore đã bán xe, rút sạch tiền tiết kiệm và đi vay một khoản tiền lớn. Nhưng ông cũng chỉ gom được 8.000 USD, chưa được 1/5 số tiền chuộc lên tới 50.000 USD mà bọn bắt cóc ra giá cho mạng sống đứa con trai 6 tuổi. Tiền chuộc sau đó giảm xuống còn 20.000 USD. Tuy nhiên, theo báo The Times, tất cả những gì mà Amoore, chủ một cửa hàng bánh kẹo, có trong tay cũng chỉ mới bằng phân nửa số tiền mà bọn bắt cóc yêu cầu.

Những kẻ bắt cóc nghĩ rằng Amoore tiền bạc rủng rỉnh nên liên tục gây sức ép. Bị tra tấn tinh thần kéo dài, người cha không còn tự chủ được nữa. Ông hét qua điện thoại với kẻ cầm đầu: “Cứ giết nó đi. Cứ giết nó và tôi sẽ coi như mình đã dâng linh hồn nó cho Thượng đế”. Bốn giờ sau, cậu bé Ahmed - con trai ông được thả khi bọn bắt cóc đã nhận được 10.000 USD. Amoore nói ông không còn gì để nuôi thân và 4 đứa con còn nhỏ dại. Sự việc mới vừa xảy ra hồi tháng 9.

Tuy nhiên không phải nạn nhân nào cũng “may mắn” như Ahmed. Bọn bắt cóc đã sát hại nhiều đứa trẻ để thỏa cơn giận không moi được tiền từ cha mẹ chúng. Theo hãng tin AP, hồi tháng 8 qua, cậu bé 11 tuổi Muhsin Mohammed Muhsin mất tích trên đường về nhà ở Sadr City, phía đông Baghdad. Cha của cậu đã đến đồn cảnh sát, bệnh viện và phân phát hình ảnh con trai khắp nơi nhưng không tìm thấy manh mối gì. Hai ngày sau, bọn bắt cóc liên lạc với ông.

Ông Mohammed Muhsin, cha của 6 đứa con, kể lại với AP: “Cứ cách 8 tiếng, bọn chúng lại gọi cho tôi một lần, trong hai ngày liền để yêu cầu 100.000 USD. Nhưng tôi trả lời là chỉ có thể xoay xở 10.000 USD”. Hôm sau, cảnh sát phát hiện xác cậu bé xấu số trong đống rác với đầu và tay bị cắt rời, phần thân bị bỏng nhiều chỗ và có dấu vết tra tấn.

Nhà Muhsin thuộc loại giàu có theo tiêu chuẩn Iraq. Ngoài nghề thợ máy, ông Muhsin và anh trai sở hữu một chiếc xe tải và hai máy phát điện cung cấp cho khu phố mỗi khi cúp điện. Có thể nguồn thu nhập đáng kể này đã biến gia đình ông thành mục tiêu của bọn bắt cóc. Cũng theo lời ông Muhsin, tại nơi phát hiện xác con trai ông, 3 ngày sau người ta đã tìm thấy thi thể bị móc mắt của hai đứa trẻ khác.

Nguồn thu béo bở

Theo tướng Faisal Malik Mohsin, chỉ huy lực lượng cảnh sát tại quận Al-Rasheed, tây bắc Baghdad, tiền chuộc là động cơ chính của các vụ bắt cóc gần đây, không giống thời kỳ bất ổn vào các năm 2006-2007, khi nạn nhân bị bắt cóc và giết hại vì động cơ tôn giáo. Cũng theo vị tướng này, phụ nữ đang đóng vai trò ngày càng lớn trong các vụ bắt cóc do ít bị nghi ngờ. Phụ nữ được thuê để trực tiếp ra tay còn thủ lĩnh nhóm khủng bố thực hiện các cuộc thương thuyết. Trẻ em ở các khu vực giàu có của Baghdad như đường Palestine và Zayouna ở phía đông và Mansoor ở phía tây là những mục tiêu chính. Cảnh thân nhân và cảnh sát phát tờ rơi tìm trẻ mất tích không còn lạ lẫm ở những khu vực này. Điều đáng nói là do tình trạng “mật ít ruồi nhiều”, bọn bắt cóc đang nhằm cả vào trẻ em ở các khu vực nghèo hơn.

Ông Mohsin cho biết lực lượng nổi dậy chuyển qua việc bắt cóc để kiếm thêm thu nhập vì dòng tiền từ ngoài chảy về cho các hoạt động khủng bố đã bị ngăn chặn. Nhiều kẻ tham gia bắt cóc là cựu thành viên các nhóm khủng bố vốn không thể tìm được việc làm hợp pháp. Bắt cóc được ưa thích hơn trộm cướp vì “dễ thực hiện và sinh lợi cao”.

Những kẻ bắt cóc tại Iraq đang hưởng lợi do người dân mất lòng tin vào lực lượng bảo vệ pháp luật. Cảnh sát bị cáo buộc ứng phó quá chậm hoặc nhắm mắt làm ngơ trước những vụ phạm tội. Nắm được tâm lý của gia đình nạn nhân sẽ không vội vã báo chính quyền, bọn tội phạm chủ động liên hệ và mặc cả tiền chuộc. Theo Bộ Nội vụ Iraq, đã có rất nhiều vụ bắt cóc không được khai báo, và chỉ dưới 10% nạn nhân trong số 265 vụ bắt cóc trong năm nay được cảnh sát giải cứu. Nhằm giảm bớt tình trạng này, tại tỉnh Diyala (phía bắc Baghdad), cảnh sát đã lập chương trình nâng cao nhận thức, kêu gọi các gia đình có con mất tích tìm đến cơ quan công quyền để được giúp đỡ. The Times dẫn lời phát ngôn viên cảnh sát Diyala cho hay năm nay họ đã cứu được 19 nạn nhân bị bắt cóc trong tỉnh.

Tình trạng bắt cóc trẻ em lấy tiền chi cho hoạt động khủng bố được dự báo sẽ còn tiếp diễn, và có khi còn trầm trọng hơn do mạng lưới al-Qaeda đang gặp khó khăn tài chính. Nhưng sự nan giải của tình trạng tội phạm nói chung và bắt cóc trẻ em nói riêng ở Iraq là do có dính líu tới một bộ phận lực lượng an ninh nước này, theo nhìn nhận của nhà chức trách. Giải quyết vấn nạn trên sẽ không phải là điều dễ dàng ở một đất nước còn nhiều bất ổn.

Khang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.