Gần hai năm vác máy ảnh rong ruổi từ Nam ra Bắc, thực hiện 90 bộ ảnh về 90 số phận. Nhưng số con người hiện diện trong tác phẩm của Nguyễn Á không chỉ chừng ấy, bởi quanh 90 số phận ấy còn có bao người thân đang đồng hành cùng họ. Cùng với những số phận ấy chúng ta cũng thấy hiện lên những nét sinh hoạt đời thường, những mảng thiên nhiên ở khắp nơi trên đất nước.
2 năm và 90 số phận
Một mình dắt hai con trâu vượt qua con suối gập ghềnh, đó là hình ảnh chị Vàng Thị Sử, người dân tộc Mông ở Lào Cai, bị câm điếc bẩm sinh. Chăn trâu, cấy lúa, dệt vải... cũng là công việc hằng ngày của Vàng Thị Sử. Giản dị như đời thường mà hạnh phúc cũng như đời thường, chỉ khác chăng là nụ cười của chị được ống kính Nguyễn Á ghi lại.
Anh Nguyễn Cửu Long quê Lâm Đồng, bị bại não từ khi sáu tháng tuổi, nhưng nhờ sự nuôi nấng, đùm bọc của gia đình, anh vẫn lớn lên trở thành người có ích. Xem ảnh anh Nguyễn Cửu Long vung nhát cuốc giữa rẫy đất đỏ để trồng hoa phong lan, chợt thấy cái ý nghĩ về những người “cãi mệnh trời” là xác đáng.
Nguyễn Á đã khóc khi phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm - Ảnh: V.Q. |
Trong số 90 nhân vật mà Nguyễn Á chọn vào triển lãm lần này, có nhiều người từng là nhân vật trong các bài phóng sự trên báo Tuổi Trẻ như: Nguyễn Bích Lan, Nguyễn Công Hùng, Vũ Thị Minh Nguyệt, Trần Trà My, đóa hướng dương Lê Thanh Thúy...
Phút nhìn lại mình
Trong 90 nhân vật của Họ đã sống như thế có tới 10 nhân vật bị khiếm thị. Đó cũng chính là những người mà Nguyễn Á có ấn tượng và thương nhất. Anh bảo: “Chúng ta hãy cứ thử nhắm mắt 10 phút thì sẽ biết vì sao mình lại thương những người đó”.
Triển lãm Họ đã sống như thế diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên (4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM) từ ngày 12 đến 20-11-2009. Không có nhà tài trợ, Nguyễn Á thú thật anh đã dùng hết tiền dành dụm để lo cho triển lãm. Có khoảng 60 nhân vật trong ảnh - với sự tài trợ vé máy bay, vé tàu của Nguyễn Á - đã đến dự lễ khai mạc trong một không khí hội ngộ đầy cảm động. V.Quê |
Để tiết kiệm và tranh thủ thời gian, anh thường lên đường vào ban đêm. Để có những bộ ảnh chân thực và sinh động về những con người kém may mắn ấy, Nguyễn Á phải lặn lội đến từng nhà, từ Nam ra Bắc, cùng ăn cùng ở với họ để quan sát gia cảnh, sinh hoạt, tính cách của họ, từ đó làm bật lên nét riêng của con người đó. Có lẽ chính vì thế mà những nhân vật trong Họ đã sống như thế không có nhân vật nào giống nhân vật nào, dù cùng chung số phận khuyết tật nhưng mỗi người lại có cuộc sống, cách cống hiến riêng.
Xem ảnh của Nguyễn Á, chị Hoài Phương (CLB Hướng nghiệp khuyết tật trẻ TP.HCM) bộc bạch: “Đây là những bộ ảnh tuyệt vời, còn nhân vật trong ảnh thật phi thường”. Ông Nguyễn Chỉnh Huấn (TP.HCM) - một cộng tác viên báo chí mảng dịch thuật, người bị bệnh cứng khớp xương, cũng là nhân vật trong ảnh của Nguyễn Á - tâm sự: “Nếu gọi những người lành lặn bình thường thuộc thế giới thứ nhất thì những người khuyết tật là thế giới thứ hai. Theo tôi, ảnh của Nguyễn Á là một cống hiến lớn về mặt nhân văn cho con người của cả hai thế giới. Đó cũng là những phút chúng ta nhìn lại mình”.
Theo Việt Quê - Huy Sơn / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)