Người Trung Quốc vào Afghanistan

14/11/2009 00:05 GMT+7

Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện tại Afghanistan trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách rút quân khỏi nước này.

Tại một cứ điểm cũ của al-Qaeda ở phía đông nam thủ đô Kabul, các công ty Trung Quốc đang thực hiện một dự án trị giá 3 tỉ USD nhằm khai thác một trong những mỏ đồng có trữ lượng lớn nhất thế giới. Trong khi Mỹ và đồng minh đang loay hoay tìm cách chấm dứt cuộc chiến Afghanistan và rút quân khỏi quốc gia này một cách êm đẹp, Trung Quốc lại tìm cách tăng cường sự hiện diện thông qua các dự án kinh tế, thương mại và đầu tư tại đây.

Nguồn lợi khổng lồ

Aynak, mỏ đồng lớn nhất quốc gia Nam Á, được một nhóm khảo sát của Afghanistan và Liên Xô phát hiện vào năm 1974. Tuy nhiên, do tình trạng xung đột trong giai đoạn 1979-1989, chưa ai khai thác khu mỏ này.

Theo trang web china.org.cn, vào tháng 11.2007, 3 công ty Trung Quốc là Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC), Công ty đồng Giang Tây và Công ty khai khoáng Tử Kim đã thắng thầu khai thác mỏ Aynak và MCC đóng vai trò nhà thầu chính. Số liệu của Trung Quốc cho thấy mỏ này có trữ lượng 690 triệu tấn quặng đồng. Với hàm lượng đồng 1,65%, mỏ này có thể sản xuất 11,33 triệu tấn, tức hơn 1/3 tổng trữ lượng đồng của Trung Quốc. Do nhu cầu nội địa lớn, Trung Quốc đang là quốc gia tiêu thụ đồng nhiều nhất thế giới. Năm 2006, nước này tiêu thụ 4 triệu tấn đồng, chiếm 22% nguồn cung của thế giới và hiện 2/3 lượng đồng tiêu thụ ở quốc gia này được nhập từ nước ngoài, theo china.org.cn.

Tuy nhiên, để có thể khai thác đồng tại Aynak, Trung Quốc phải đầu tư xây dựng một trạm điện trị giá 500 triệu USD để phục vụ cho dự án và bổ sung nguồn điện cho thủ đô Kabul, khai thác một mỏ than để làm nhiên liệu cho trạm điện. Ngoài ra các công ty còn cam kết xây dựng hệ thống nước ngầm, đường sá, nhà cửa, bệnh viện, trường học, và một tuyến đường sắt từ biên giới phía bắc giáp Uzbekistan tới biên giới đông nam giáp Pakistan. Giới chức Afghanistan cho biết dự án được thiết kế nhằm đảm bảo đến năm thứ bảy, toàn bộ lực lượng lao động sẽ là người bản địa. Ước tính khoảng 10.000 công nhân có thể được tuyển dụng làm việc ở mỏ Aynak và mỏ than ở miền trung Afghanistan. Một khi hoàn thành, dự án sẽ mang về khoảng 400 triệu USD mỗi năm cho Chính phủ Afghanistan, chiếm gần 40% nguồn thu ngân sách, theo indianexpress.com.

Rắc rối

Triển vọng sáng sủa của dự án Aynak phần nào bị che mờ bởi nhiều cáo buộc từ các chuyên gia địa chất Mỹ và doanh nhân phương Tây theo dõi tiến trình đấu thầu. Theo hãng tin AP, giới chức Afghanistan khẳng định cuộc đấu thầu cho dự án này được tiến hành công khai và trung thực. Tuy nhiên James Yeager, chuyên gia địa chất Mỹ làm cố vấn cho Bộ trưởng Khai khoáng Afghanistan M.Ibrahim Adel, cho biết ông này và các phụ tá chi phối tiến trình chọn thầu và ngay từ đầu đã trao quyền triển khai dự án cho các công ty Trung Quốc. Chuyên gia này không buộc tội ông Adel hoặc bất kỳ ai khác hưởng lợi cá nhân từ vụ việc, nhưng nói các quan chức đưa ra quyết định trên dựa vào khoản lợi kếch xù trước mắt và sự thiên vị cá nhân.

Một trong những đối thủ bị thất bại trong cuộc đấu thầu dự án Aynak là Hunter Dickinson, một công ty khai khoáng đóng tại Vancouver (Canada). AP dẫn lời Robert Schafer, Giám đốc phụ trách kinh doanh của Hunter Dickinson, cho hay một quan chức Afghanistan đã tiết lộ với ông rằng hồ sơ của công ty đã được đưa cho người Trung Quốc xem trong lúc diễn ra quá trình thẩm định. Schafer thậm chí nói rằng ông “không hề ngạc nhiên” khi công ty Trung Quốc thắng thầu.

Phía Trung Quốc không phản ứng với các cáo buộc trên. Theo AP, Vương Bảo Đông, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc, nói rằng nước này cam kết theo đuổi các dự án kinh tế, thương mại và đầu tư ở Afghanistan vì lợi ích của đôi bên.

Và lo ngại

Afghanistan, quốc gia đang làm tiêu tốn không ít tiền của và công sức của Mỹ và đồng minh, là một ví dụ nữa cho thấy Trung Quốc chấp nhận dấn thân ở những nơi đầy rủi ro nhằm tìm cách đáp ứng nhu cầu tài nguyên cho tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Chẳng hạn, theo hãng tin McClatchy, Trung Quốc đang di dời một thành phố tại núi Toromocho trong dãy Andes thuộc lãnh thổ Peru, để có thể khai thác trữ lượng quặng đồng được cho là lớn hơn cả Aynak. Tại Iraq, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đã “giữ chỗ” bằng một hợp đồng lớn với Tập đoàn BP. Các công ty Trung Quốc hiện diện tại đây không lâu sau cuộc chiến năm 2003.

Trở lại dự án Afghanistan, MCC - một trong 3 công ty Trung Quốc thắng thầu dự án Aynak - đã từng chịu điều tiếng liên quan đến các dự án khai khoáng tại nhiều nước. Một báo cáo do Integrity Watch Afghanistan (IWA), một tổ chức nghiên cứu của châu u, đưa ra hồi tháng 1.2008 cho thấy MCC khai thác nhiều đồng hơn dự kiến tại Sandaik (Pakistan), nhưng dự án “gần như không đem lại hiệu quả gián tiếp nào cho nền kinh tế địa phương tính đến nay”. Chuyên gia Yeager cho rằng thông tin này đã không được giới chức Afghanistan tham khảo khi xét duyệt hồ sơ của công ty Trung Quốc.

Báo cáo của IWA cũng cảnh báo về khả năng xảy ra “thảm họa môi trường và xã hội” nếu dự án Aynak không được giám sát tốt. Khu vực dự định khai thác là nơi sinh sống của 90.000 người và là một nguồn cung cấp nước cho Kabul.

Theo nhận định của giới quan sát, Trung Quốc rất có thể đang nuôi hy vọng dự án Aynak sẽ tạo điều kiện cho nước này giành thêm nhiều công trình khác ở Afghanistan. Nơi đây được cho là ẩn chứa nhiều mỏ quặng sắt, đồng, vàng, uranium, đá quý và nhiều nguyên liệu thô khác.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.