Sinh ra ở thành phố cảng Hải Phòng, nhưng dường như số phận đã gắn cuộc đời ông với loài tôm sú ở vùng đất phương Nam này. Ông kể, hồi nhỏ ông đã mê cua cá, lớn lên học Đại học thủy sản Nha Trang rồi vào Cà Mau làm nghề chế biến tôm xuất khẩu cho một doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ông lao vào công việc bằng tất cả nhiệt huyết “muốn cống hiến và muốn khẳng định mình” của tuổi trẻ. Người ta giao việc gì ông cũng làm và làm hết lòng.
Năm 1987, Quang Sú được tin tưởng trao quyền tự quyết định giá mua, giá bán ở phân xưởng chế biến tôm khô xuất khẩu. Ông làm quên ăn, quên ngủ khiến người ta... sinh nghi, đồn thổi chắc ông “kiếm ăn được” nên mới làm nhiệt tình như thế. Thế rồi lãnh đạo gọi ông lên, biểu chuyển xuống huyện... mua tôm. Lúc đó ông mới hiểu rằng việc mình bị chuyển đi đột ngột như thế là do sự đố kỵ. Mà một khi có sự đố kỵ thì mình càng hết lòng, người ta càng... ngờ vực.
Ông về thức trắng mấy đêm rồi quyết định nộp đơn xin chuyển công tác. Đơn ông được... ký cái rẹt! Trong lúc chưa biết xin việc ở đâu thì vợ ông dúi vào tay hai chỉ vàng tích cóp được suốt nhiều năm qua, bảo mua quà cáp lên Sài Gòn tìm việc. Ông đến gõ cửa tất cả bạn bè, người quen; hết công ty này đến xí nghiệp nọ nhưng ở đâu người ta cũng lắc đầu vì đang trong thời kỳ... tinh giản biên chế. Rất may, có một ông giám đốc thương tình kêu ông quay về Cà Mau làm đại lý mua tôm cho công ty ông ta, theo nguyên tắc: công ty xuất vốn cho ông mua tôm nguyên liệu, sơ chế rồi đi thuê các nhà máy của Nhà nước gia công chế biến ra tôm đông lạnh thành phẩm rồi bán lại cho các DNNN, lời ăn lỗ chịu.
“Mỗi ngày tôi làm việc từ 17-19 tiếng đồng hồ. Làm không phải vì tiền mà vì niềm đam mê. Không làm tôi bị bệnh, làm thì khỏe, vui, nên cứ làm tới tới vậy”. |
Ông kể: lúc đó các DNNN phải mua tôm theo giá quy định của Bộ Thủy sản. Chẳng hạn, tôm thẻ loại 4 (từ 41-90 con/kg) mua cùng giá 8.000 đồng/kg. Ông nhận ra rằng từ loại tôm nguyên liệu này có thể chế biến ra thành tôm thành phẩm (còn vỏ, bỏ đầu) với 5 cỡ khác nhau, mỗi cỡ giá bán chênh nhau 1 USD. Vậy là ông quyết định mua tôm cỡ 41- 60 con/kg với giá 10.000 đồng/kg. Người dân vui vẻ lựa tôm cỡ này bán cho ông, phần còn lại (từ 61- 90 con/kg) họ mang bán cho Nhà nước. Đương nhiên khi ra thành phẩm, cỡ tôm của ông bán cao hơn mấy USD/kg. Ông “phất” lên từ những kinh nghiệm thương trường nho nhỏ như vậy.
Tinh gọn, tiết kiệm, uy tín
Theo Quang Sú, sở dĩ ông có được thành công như hôm nay là nhờ vào 3 chữ: tinh gọn, tiết kiệm và uy tín; trong đó “chữ tín” là hàng đầu. Từ lúc làm đại lý mua tôm (năm 1988), đến lúc xây dựng nhà máy đầu tiên (tháng 4.1999) rồi nhà máy thứ hai, thứ ba... lúc nào ông cũng xây dựng quanh mình một bộ máy tinh gọn, hiệu quả nhất. Kế tiếp, ông tập trung vào việc thay đổi công nghệ. Ông nói: trong ngành chế biến tôm xuất khẩu, công nghệ cũ chẳng những cho ra sản phẩm kém chất lượng mà còn tiêu hao nguyên, nhiên liệu nhiều hơn, do đó giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Những dây chuyền sản xuất của ông, nhà sản xuất cam kết hoạt động trên 20 năm nhưng chỉ sau 5 năm là ông đem đi thanh lý. Mua mười đồng, ông sẵn sàng bán lại hai, ba đồng.
Việc thay đổi công nghệ còn giúp ông đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sản xuất ngày càng nhiều những mặt hàng cao cấp. Đến nay, trong số 20.000 tấn tôm thành phẩm công ty ông xuất khẩu mỗi năm, chỉ còn khoảng 20 - 30% mặt hàng tôm sơ chế, còn lại là những mặt hàng cao cấp, được khách hàng ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu u... khen ngợi. Hiện Công ty CP thủy hải sản Minh Phú của ông phải mua tôm nguyên liệu từ các tỉnh miền Trung, mua cả tôm sơ chế của các nước về chế biến thành hàng cao cấp. “Nhu cầu của thị trường luôn thay đổi, mình phải luôn tự làm mới mới đáp ứng và tồn tại được” - Quang Sú nói.
Mơ ước có viện nghiên cứu tôm
Ông bảo mình thật may mắn vì “ra làm” đúng lúc. Ông còn bảo mình may mắn vì được gắn mình với mảnh đất Cà Mau giàu tiềm năng, với con người Cà Mau hào hiệp và sống hết lòng.
Do vậy, khi đã thành công rồi, ông luôn muốn góp phần xây dựng mảnh đất này. Tháng tới, ông sẽ đầu tư 14 tỉ đồng xây dựng trường THCS phường 7, TP Cà Mau với quy mô 16 phòng học, 18 phòng chức năng theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Ngoài ra, ông sẽ ủng hộ 3 tỉ đồng xây dựng 20 cây cầu cho vùng nông thôn Cà Mau. Trước đó, ông đã giúp huyện U Minh 200 triệu đồng xây trường mẫu giáo và tỉnh Hậu Giang 700 triệu đồng xây nhà tình nghĩa, góp 2 tỉ đồng đúc chuông ở Nghĩa trang liệt sĩ Côn Đảo... Còn việc góp tiền xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa thì... không thể nhớ.
Nhưng có một mơ ước mà ông chưa thực hiện được là thànnh lập viện nghiên cứu tôm. Ông hy vọng viện này sẽ giúp người dân ĐBSCL và cả nước nuôi tôm một cách căn cơ, hiệu quả và công ty ông sẽ có điều kiện khép kín quy trình từ sản xuất đến chế biến xuất khẩu tôm, để mang về hiệu quả cao nhất.
Không hút thuốc, không uống rượu, niềm đam mê duy nhất của ông là công việc, là con tôm. “Mỗi ngày tôi làm việc từ 17-19 tiếng đồng hồ. Làm không phải vì tiền mà vì niềm đam mê. Không làm tôi bị bệnh, làm thì khỏe, vui, nên cứ làm tới tới vậy”, ông nói.
Và còn một điều nữa thôi thúc ông làm việc - đó là để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện nay là 7.000 người và khi nhà máy ở Hậu Giang đi vào hoạt động, sẽ có thêm 10.000 người nữa có được việc làm. Ông bảo: “Năm 2010 hoặc cùng lắm là năm 2011, viện nghiên cứu tôm sẽ thành lập. Tới lúc đó sẽ có thêm nhiều người, kể cả các cán bộ nghiên cứu khoa học, sẽ có việc làm”.
Năm nay, Quang Sú sắp sửa 52 tuổi, số cổ phần ở công ty mà gia đình ông sở hữu hiện trị giá khoảng hơn 1.000 tỉ đồng. Nhưng xem ra ông vẫn còn nặng nợ với con tôm lắm.
Trường Phong
Bình luận (0)