Người giàu Việt Nam - Bước lên vũ đài thế giới

15/11/2009 23:18 GMT+7

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày doanh nhân VN hồi tháng 10 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng nhấn mạnh: “Không chỉ là người lính chiến đấu trong thời bình, mà tôi mong các bạn hãy bước lên vũ đài thế giới, bước ra biển cả, chúng ta hãy thi gan với biển cả, chúng ta thi thố tài năng mình trên vũ đài thế giới.

Và một lần nữa, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng: bản lĩnh, trí tuệ, ý chí của VN chúng ta có thể làm rạng danh dân tộc của mình. Đội ngũ doanh nhân tiêu biểu tôi tin cũng làm rạng danh cho doanh nhân VN, cho dân tộc VN”.

“Tại sao lại không nhận sứ mệnh lớn hơn?”

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Masan, ví câu chuyện kinh doanh của ông cùng những người đồng nghiệp tại Masan là câu chuyện của những người “đi tìm thị trường giày tại châu Phi”.

Ông kể: “Chúng tôi thường nói với nhau về câu chuyện 2 người cùng được giao nhiệm vụ đi tìm thị trường cho giày da tại một nước rất lạc hậu ở châu Phi. Một người đi về rất thất vọng và báo cáo: ở đó chẳng có cơ hội nào cả bởi người dân không quen đi giày. Người còn lại thì hồ hởi thông báo: đó là một thị trường khổng lồ, tất cả mọi người đều có 2 chân và chưa ai bán được một đôi giày nào cho họ cả. Những người ở Masan thuộc mẫu thứ 2". Cũng chính vì thế khi thâm nhập thị trường Nga, Masan tấn công vào người Nga (những người chưa quen ăn mì, tương ớt, gạo...) chứ không chỉ nhắm vào thị trường người Việt đang sinh sống tại Nga. Kết quả là Masan đã trở thành công ty VN thành công nhất về xuất khẩu sang thị trường Nga, với doanh số lúc cao điểm đạt trên 100 triệu USD/năm.

 

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Ảnh: T.X

Ông Quang tâm sự, ông khá tự ái và có phần hơi buồn khi nhiều người vẫn nghĩ Masan là một công ty được điều hành và sở hữu bởi người nước ngoài hoặc Việt kiều. "Tại sao người ta lại cứ nghĩ rằng chỉ người nước ngoài hoặc Việt kiều thì mới có thể sở hữu và vận hành một công ty lớn và thành công nhỉ?”, ông Quang trăn trở. Có lần khi được hỏi về chuyện có phải là Việt kiều Nga về nước kinh doanh không, ông Quang nói: "Không chỉ có tôi mà ở Masan các vị trí quan trọng toàn người VN, ai cũng có CMND cả" và ông cũng không ngần ngại cho xem luôn CMND của mình.

Nhà doanh nghiệp luôn cháy bỏng niềm tự hào dân tộc này nói tiếp: “Công ty Masan Food chỉ mới phục vụ nhu cầu trong vòng 1 m xung quanh bà nội trợ ở nhà bếp. Tại sao lại không nhận về mình một sứ mệnh lớn hơn? Và chúng tôi cùng một ước mơ xây dựng công ty trị giá 1 tỉ USD với những thương hiệu sẽ trở thành thương hiệu quốc tế chứ không chỉ là những thương hiệu nổi tiếng tại VN”.

“Cảm nhận được trách nhiệm xã hội”

Là một phụ nữ giàu có, thành đạt, bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cùng chồng là ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) và con gái đầu Trần Phương Ngọc Thảo (Thanh niên tiêu biểu của TP.HCM) lâu nay cũng không xa lạ gì với báo chí ở TP.HCM.

 

Ông Đỗ Duy Thái - Ảnh: M.P

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Dung chia sẻ: “Để có được công ty như ngày nay phải có sức lao động, có nước mắt, mồ hôi, có sự thành công, thất bại... Phần lớn các doanh nhân thành đạt không phải vì tiền mà vì công việc. Trách nhiệm đối với công việc, đối với người lao động... Dòng chảy này sẽ đẩy người ta lên, khi không làm vì tiền thì lại có nhiều tiền. Kiếm tiền cho cá nhân không phải là mục đích của tôi”.

Nhận khá nhiều bằng khen nhưng bà Dung cảm thấy đó không phải là hào quang mà cảm nhận được trách nhiệm xã hội nhiều hơn. Đối với bà, sự thành đạt chỉ mang tính tương đối và không nhận mình là người thành đạt vì nghĩ rằng “đường đời còn dài”.

Trong đợt suy thoái vừa qua, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung xuất khẩu mà chưa chú trọng đến thị trường trong nước. Thế nhưng trong ngành nữ trang, các sản phẩm của PNJ gần như được phân bổ trên cả nước thông qua hệ thống các cửa hàng PNJ. Hơn 10 năm nay, PNJ đã tự mình mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. “Nhiều năm trước, tôi nghĩ mình phải tự lượng sức mình. Thị trường nội địa với hơn 80 triệu dân đầy tiềm năng nên tôi củng cố thị trường trong nước trước”, bà Dung nói. Và đến thời điểm này, PNJ không chỉ đã khẳng định được vị thế của mình ở thị trường trong nước mà cả khu vực và quốc tế.

Giấc mơ 30 năm nữa...

Một nhà máy luyện thép có công suất 1 triệu tấn/năm vừa được khởi công xây dựng và đây được xem là nhà máy luyện thép lớn nhất tại VN đến thời điểm hiện tại. Đây là một phần trong dự án bao gồm nhiều hạng mục lớn như nhà máy luyện thép công suất 1 triệu tấn/năm, nhà máy cán thép công suất 500 ngàn tấn/năm và một cảng biển có năng lực bốc dỡ đạt 3 triệu tấn/năm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD và khi đi vào hoạt động sẽ mang lại doanh thu khoảng 8.000 tỉ đồng/năm cũng như tạo việc làm cho hơn 1.000 nhân công. Bộ mặt của một “thành phố” thép đang từng ngày hiện ra và hoàn toàn do Công ty Thép Việt đầu tư.

Con đường để xây dựng dự án ấy không hề ngắn mà là cả một quá trình dài hơi của ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Việt, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thép Pomina. Bởi hiện nay,  khi ông đang đau đáu với chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thì ông cũng nhấn mạnh muốn đạt được kết quả cần phải có thời gian. “Chúng ta phải đi từng bước để xây dựng văn hóa tiêu dùng cho người VN như những quốc gia khác đã thực hiện”, ông nói.

Không thích sử dụng từ “là nhà máy luyện cán thép lớn nhất VN” nhưng lại mong mỏi Thép Việt có khả năng cạnh tranh quốc tế và phấn đấu là niềm tự hào của VN trong ngành công nghiệp nặng. Vì vậy người đứng đầu Thép Việt kiên quyết đầu tư vào nhà máy mới bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Ông cũng mang trong mình một giấc mơ trong vòng 30 năm nữa, ngành thép VN sẽ có chỗ đứng trên thị trường toàn cầu.

Hoàng Ly - Thanh Xuân - Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.