Hàng loạt vấn đề nóng trước phiên chất vấn

16/11/2009 01:00 GMT+7

Theo nghị trình, từ ngày 17 đến ngày 19.11, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao chất vấn và nghe các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Văn phòng Quốc hội cho biết, ngoài Thủ tướng Chính phủ sẽ có 4 bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn, gồm: Thống đốc NHNN, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo thống kê của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay đã có 246 chất vấn của 108 đại biểu từ 42 đoàn ĐBQH gửi lên thủ tướng, các phó thủ tướng và thành viên Chính phủ. Trong đó có 36 chất vấn dành cho thủ tướng, bộ trưởng các Bộ Công thương, LĐ-TB-XH, GTVT là những bộ nhận được nhiều câu hỏi.

Trong các câu hỏi dành cho thủ tướng, ĐB Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) chất vấn: Tại sao có tình trạng các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước phát triển không lành mạnh, không bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu mà không có sự kiểm soát của Nhà nước? Cũng liên quan đến phát triển kinh tế, ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) muốn biết: Chính phủ đã có quy hoạch hoặc chỉ đạo các địa phương quy hoạch sân golf hay chưa, đã có bao nhiêu dự án sân golf được thu hồi với tổng diện tích bao nhiêu?

Các câu hỏi gửi đến Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tập trung vào việc quản lý quy hoạch nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Theo ĐB Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam), việc xả lũ của thủy điện A Vương trong cơn bão số 9 vừa qua đã gây thiệt hại 800 tỉ đồng cho nhân dân tỉnh Quảng Nam. ĐB Nhơn đòi hỏi bộ trưởng phải làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng Quản trị thủy điện A Vương và sự chỉ đạo của Bộ Công thương về việc xả lũ của Nhà máy thủy điện A Vương. ĐB Võ Tiến Trung (Phú Yên) đề nghị bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về nhận xét: “Thủy điện Hòa Bình là do Nhà nước chỉ đạo điều hành trực tiếp nên kết hợp được hai nhiệm vụ sản xuất điện và chống lũ lụt, còn các nhà máy khác do Bộ Công thương điều hành nên bộ chỉ nghĩ đến một lợi ích đó là sản xuất điện...”.

Ngoài nội dung liên quan đến thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng còn phải trả lời các câu hỏi liên quan tới việc quản lý và phát triển thị trường nội địa, xuất nhập khẩu, tình trạng hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Tình trạng DN nhập khẩu phải mua USD với tỷ giá chênh lệch khoảng 400 - 500 đồng/USD so với tỷ giá công bố của NHNN khiến ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) hết sức bức xúc. Theo ĐB Loan, điều này dẫn đến DN nhập khẩu, đặc biệt là DN nhập khẩu để cung cấp cho các dự án đã đấu thầu có quy định tỷ giá thanh toán theo tỷ giá công bố của NHNN sẽ bị thiệt hại khoảng 2-3% giá trị hợp đồng. “Thống đốc có chủ trương và biện pháp gì trước nguy cơ một “chợ đen” về mua bán ngoại tệ ngay trong lòng hệ thống ngân hàng?”, ĐB Loan chất vấn.

ĐB Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) cho rằng căng thẳng ngoại tệ và vấn đề tỷ giá hối đoái đang gây nhiều khó khăn cho một số DN xuất khẩu là yếu tố khiến VN mất điểm trong các xếp hạng quốc tế gần đây. “Thế giới nhìn thấy ở VN rất nhiều tiến bộ, nhưng thị trường hối đoái ít được cải thiện và gây cản trở cho các nhà đầu tư. Trong thời gian tới, Thống đốc có giải pháp hữu hiệu nào để tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và cho DN?”, ĐB Hảo đặt câu hỏi.

Cùng với nội dung trên, trong tổng số 13 chất vấn được gửi đến Thống đốc Nguyễn Văn Giàu có khá nhiều câu liên quan đến hỗ trợ lãi suất 4% trong gói kích cầu. “Cử tri bức xúc vì người nông dân không với tay tới gói kích cầu của Chính phủ, thủ tục phức tạp, không phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay của nông dân, người dân hoài nghi tính minh bạch của gói kích cầu...”, ĐB Nguyễn Thị Tuyến (Hà Nội) đặt vấn đề. ĐB này đề nghị thống đốc cho biết “sự chỉ đạo, kiểm tra của NHNN với hệ thống ngân hàng trong việc thực hiện gói kích cầu”.

Nhiều ĐB đề nghị thống đốc làm rõ vì sao chỉ có 20% DN tiếp cận được vốn kích cầu, đã có bao nhiêu cán bộ ngân hàng làm sai chính sách hỗ trợ lãi suất để trục lợi, kết quả xử lý thế nào?

Quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, thi đua, khen thưởng, cải cách thủ tục hành chính nằm trong nhóm vấn đề Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn sẽ trả lời trước QH.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cũng sẽ trả lời những câu hỏi liên quan tới việc quản lý báo chí, kiểm soát và ngăn chặn tác hại của các website có nội dung xấu, xuất bản văn hóa phẩm, hạ tầng viễn thông...

Ngoài hoạt động chất vấn và nghe trả lời chất vấn, trong tuần làm việc này, QH còn cho ý kiến về các dự luật NHNN (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật thi hành án hình sự, Luật trọng tài thương mại...

Xuân Toàn - Lưu Quang  Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.