Cuộc sống nghèo khổ của 1.274 người dân xã Đông Sơn không còn cách nào khác, hằng ngày vẫn ăn, uống nước bị nhiễm độc. Rồi những đứa trẻ ra đời ở vùng "đất chết" này gặp bao di chứng đau thương.
Chúng tôi mới bước chân vào tổ công tác Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt, đang ở nhờ văn phòng UBND xã Đông Sơn cũ, nằm giữa vùng đất hoang vu, nhìn xung quanh thấy có nhiều nhà bỏ hoang. Tôi thắc mắc thì được trung úy Trần Ngọc Tuấn - tổ công tác biên phòng - giải thích: “Đây là sân bay A So của Mỹ ngày trước, là một trong những chỗ trung chuyển, nạp chất độc lên máy bay đi hủy diệt rừng Trường Sơn. Bên kia là khu A của sân bay, các chuyên gia quốc tế đã về đây xác định dưới đó có những cái hầm chưa mở cửa được, họ đang nghi có chứa chất độc”.
Ở khu A, hiện nay người ta đang rào hàng dây thép gai và trồng cây bồ kết xung quanh ngăn không cho người và gia súc vào bên trong. Trung úy Tuấn kể tiếp: “Những ngày nắng to, đôi khi ở giữa sân bay tự phát lửa bốc cháy mạnh. Mới đầu anh em ở tổ công tác tưởng là cháy rừng, mang dụng cụ chạy ra dập lửa. Nhưng không phải, đó là chất phốtpho còn lại ở sân bay. Còn bom tấn, bom tạ, bom bi nằm trong đất, công binh đào lên từng đống”.
13 lần mang thai – chỉ nuôi được 2 người
Khu vực Đông Sơn sau ngày giải phóng là một bãi phế liệu chiến tranh, không nhà cửa, không làng mạc. Năm 1992, xã Đông Sơn được thành lập, huy động đồng bào các dân tộc từ những vùng khác đến khai phá vùng “đất chết” này.
Ông Hồ Giang Ngân - Phó Trưởng công an xã Đông Sơn, là một trong những người về ở đây đầu tiên - nhớ lại: “Lúc đó, dân về đây lập làng, thấy khu đất ở sân bay bằng phẳng xúm nhau làm nhà, cả ủy ban xã, trạm xá, trường mẫu giáo đều ở trong cụm. Nước không có, suối thì xa. Tất cả đều uống nước hố bom ở sân bay. Năm 1995, mới đào được 2 cái giếng. Năm 1999, đoàn cán bộ của Ủy ban quốc gia điều tra hậu quả các chất độc hóa học dùng trong chiến tranh ở Việt Nam (viết tắt Ủy ban 10 – 80) về đây lấy máu nhiều người, lấy mẫu nước, bắt gà, vịt, cá nuôi dưới hồ mổ ra tại UBND xã để xét nghiệm. Ủy ban 10 – 80 kết luận, đây là vùng đất bị nhiễm chất độc dioxin rất cao, phải di dời cách sân bay 500 mét. Các nhà khoa học yêu cầu mọi người không ăn ruột, gan và mỡ gà, vịt, cá...”.
Rồi những điều đau lòng nhất đã giáng xuống vợ chồng anh Ngân. Chị Hồ Thị Liên (vợ Ngân) có 13 lần mang thai, nhưng chỉ đẻ được 3 đứa con thành người, trong đó có một đứa mới đẻ ra chưa đầy một tháng đã chết. Anh Ngân còn lại 2 đứa con cũng không được lành lặn cho lắm, cháu Hồ Thị Ngọc Thư đang mang căn bệnh quái ác. Từ năm 2004 – 2007, cháu Thư trải qua 3 lần đại phẫu thuật để xử lý 2 khối u trong đầu. Trí nhớ của Thư bị ảnh hưởng rất nhiều.
Đến nhà ông Trần Quang - một trong những ngôi nhà đang còn ở sát khu A sân bay A So. Ông Quang dẫn tôi đi giới thiệu xưởng cưa, chuồng bò, đào hồ nuôi cá sát bên hàng rào dây thép gai của khu A.
“Ở khu vực này, chỉ cần đào sâu xuống 40cm bắt đầu có mùi chất độc bốc lên rất khó chịu. Đào sâu xuống nữa thì nồng độ chất độc xộc vào mũi, miệng càng mạnh hơn. Mới hôm trước, mấy đứa đào phế liệu phía ngoài xưởng cưa, đụng phải một đống chai màu vàng đục. Mắt tui đã bị mù hoàn toàn một con, bận việc quá chưa về Huế khám coi ra răng” - ông Quang vừa nói vừa nheo một mắt còn sáng cho tôi xem, đúng là sự thật. Ông còn tiết lộ, năm 2004, vợ ông phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Trung ương Huế. “Bác sĩ Phương người điều trị cho vợ tui, nói cái thai của vợ tui bị “thai sừng”, lần đầu tiên mới thấy hiện tượng kỳ lạ như vậy”.
Còn y sĩ Lê Mạnh Tý - Trưởng trạm y tế xã Đông Sơn - đã thống kê cả xã có 61 người, tuổi từ 10 – 15, bị liệt chân tay, mù mắt, hở môi hàm ếch... có liên quan đến chất độc. “Số người bì đau thần kinh, đau gối, sưng khớp... có rất nhiều, cả trẻ em và người lớn, chưa thống kê được” – y sĩ Tý nói lên thực trạng bệnh tật ở Đông Sơn. Nhiều người dân xã Đông Sơn không biết cơ thể của mình có bị nhiễm chất độc dioxin đến mức nào.
Ông Hồ Văn Tình - Trưởng công an xã Đông Sơn - bộc bạch tâm sự: “Xã phát động đi hiến máu nhân đạo, tôi tham gia ngay. Bệnh viện hút người tui ra một bịch máu, thời gian sau bệnh viện gửi lá thư cảm ơn và thông báo tôi bị nhiễm chất độc – máu tôi bị loại bỏ. Ngồi lâu người hay bị tê nhiều chỗ, đau khớp. Vợ tui thì đau toàn thân, đứa con bị suy dinh dưỡng nặng”.
|
Thị trường né tránh gia súc của Đông Sơn
Ủy ban 10 – 80 có kết luận và thông báo người dân biết về mức độ chất độc dioxin ở vùng Đông Sơn cao gấp nhiều lần cho phép. Chính quyền dựng lên những tấm bảng to tại khu vực sân bay, các ngã tư, ghi rõ dòng chữ cấm ăn nội tạng gà, vịt, cá... Cấm uống nước hố bom, nước suối trong khu vực. Những ngày đi tìm hiểu viết phóng sự này, tôi vẫn thấy nhiều đứa trẻ vẫn đắm mình ở những hố bom khu vực sân bay để bắt cá, vào khu A đào tìm phế liệu.
“Lệnh cấm ban hành, nhưng bà con ăn vẫn cứ ăn uống bình thường, không ai bỏ bất cứ con vật chi. Ngan, vịt còn làm tiết canh ăn cho ngon” – ông Hồ Giang Nghin - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn - nêu vấn đề rất thật.
Tôi hỏi ông Nghin: “Mỗi lần làm thịt gà, thịt vịt, nhà ông có bỏ nội tạng đi không?”. Ông Nghin cười và nói: “Con gà, con vịt ngon nhất là bộ lòng răng mà bỏ nó đi, ở trên này kiếm được miếng ăn ngon khó lắm. Cả xã Đông Sơn đều bị nhiễm chất độc, nó “bao vây” chặt dân ở đây không chạy đi mô cho thoát, buộc phải chung sống với nó thôi. Những ngày nắng gắt, từ 3 giờ chiều đến tối đi qua thôn Loa, thôn Chai... mùi khó chịu từ dưới đất hắt lên khắp nơi. Hít vào nhiều ai cũng cảm thấy đau đầu”.
Đông Sơn là vùng “đất chết”, Nhà nước đầu tư bao nhiêu dự án cây trồng cho dân đều bị thất bại. Nguyên nhân sâu xa, khi triển khai dự án không nghiên cứu chất đất, trồng cây xuống cây cũng không lên nổi. Dự án khác bị “tréo giò” giữa vùng nguyên liệu và tiêu thụ. Rốt cuộc người dân phải lãnh đủ mọi thứ. Người dân Đông Sơn chỉ còn biết dựa vào chăn nuôi nhỏ: Con heo, con gà, con vịt... Thế nhưng những sản phẩm này làm ra không bán ra bên ngoài được, vì đã bị người tiêu dùng gán cho cái mác “nhiễm chất độc dioxin”.
“Có những đoàn cán bộ của tỉnh, trung ương lên đây công tác còn sợ không dám uống nước, không ăn gì. Còn dân con buôn thì sợ không đến Đông Sơn mua hàng đưa ra ngoài. Bà con trong xã mang sản phẩm của mình làm ra đi bán chợ A Lưới hoặc vùng khác, dân ở đó nhận ra người Đông Sơn, họ tránh né không mua. Đã đến đường cùng, dân Đông Sơn chỉ biết tự cung cấp cho nhau ăn sống qua ngày” – ông Nghin vẫn chưa có cách nào giải quyết giúp bà con.
Vì sao Đông Sơn không được hưởng phụ cấp đặc biệt (?!)
Bản báo cáo đánh giá của nhóm khoa học do GS-BS Hoàng Đình Cầu - Chủ nhiệm thuộc Ủy ban 10 – 80 - ghi rất rõ: Khu vực sân bay A So, Đông Sơn mức độ tồn lưu của chất dioxin cao nhất, coi như mức báo động, không cho phép người dân được làm nhà ở và sinh sống trong đó. Xã Đông Sơn là một xã biên giới, thế nhưng Đông Sơn từ khi thành lập đến nay chưa bao giờ được hưởng chính sách xã ở vùng khó khăn như một số xã của huyện A Lưới.
Năm 2007, UBND xã Đông Sơn gửi đơn kiến nghị lên đến Bộ Nội vụ. Ngày 31.10.2007, Bộ Nội vụ có văn bản số 3120 “đẩy” sự việc xuống cho Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế giải quyết. Ngày 9.11.2007, Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế gửi văn bản cho UBND xã Đông Sơn, khẳng định “xã Đông Sơn không được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt”.
Ông Hồ Giang Nghin - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn - đặt vấn đề: “Xã A Đớt có cấu trúc địa hình giống như Đông Sơn, nằm sát Đông Sơn và dọc biên giới Việt – Lào giống như Đông Sơn. A Đớt ít bị nhiễm chất độc dioxin hơn Đông Sơn. Thế nhưng xã A Đớt lại được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt. Còn xã Đông Sơn chúng tôi vì sao không được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt? Không biết trung ương, tỉnh còn “đòi” Đông Sơn cần có cái gì nữa?”.
Theo Hải Luận / Lao Động
Bình luận (0)