Học nhảy lầu

16/11/2009 15:04 GMT+7

Học nhảy từ trên cao là một kỹ năng được dạy miễn phí tại sân Tao Đàn (TP.HCM) bên cạnh những thế võ, chạy trên những bức tường thẳng đứng, lao người bay qua một người đang đứng hoặc bay qua những tấm nệm lớn...

Chỉ với vài giờ buổi trưa các ngày trong tuần, lớp học đặc biệt này đang thu hút không ít bạn trẻ đến học không chỉ bởi sự tò mò, mà còn để rèn luyện sức khỏe và thỏa chí đam mê.

Đi học để nhảy lầu... an toàn

Bạn có thể tham gia lớp học đặc biệt này mà không phải trả bất cứ chi phí nào. Điều kiện cần và đủ là bạn đam mê võ thuật, thích mạo hiểm mà thôi. Nếu chưa biết võ, bạn sẽ được thầy Hải hướng dẫn từ căn bản. Một lớp học lạ, một sân chơi thú vị nhưng sẽ không chào đón những bạn trẻ xem thường sự an toàn của bản thân.

Học để biết vượt qua tình huống nguy hiểm, tự vệ và bảo vệ người khác như lời thầy Hải cho biết.

Leo hẳn ra ngoài bancông, tay vẫn vịn thành lan can, hai chân Trần Thanh Đức chơi vơi nhô ra khoảng không trước mặt. Hít từng hơi dài, chàng sinh viên ĐH Hồng Bàng này di chuyển từng bước ngang một cách nhẹ nhàng. Quen hơn với cảm giác chông chênh, bất ngờ Thanh Đức buông mình xuống đất và rơi gọn vào mấy tấm nệm bên dưới.

Xen lẫn vào từng động tác của Đức là lời nhắc nhở không ngừng của thầy Bùi Văn Hải: “Đức leo ra ngoài cho có cảm giác đi, từ từ thôi... Quen cảm giác chưa Đức, chuẩn bị nhảy nha. Mấy đứa ở dưới xếp thùng giấy khít nhau chưa? Được rồi đó. Nhảy đi Đức... Tốt. Nhảy lại lần nữa đi”. Giữa trưa nắng, hơn năm thành viên tay giữ chặt hai tấm nệm ngang người, chăm chú dõi theo từng động tác của Thanh Đức.

Đó là một phần buổi tập nhảy lầu của CLB cascadeur Bảo An. “Nhảy lầu là một phần trong chương trình huấn luyện của lớp. Đây không phải cuộc chơi, tôi cũng không chấp nhận ai đến chỉ để chơi. Trước và trong mỗi pha nguy hiểm, chúng tôi đều cẩn thận xem xét từng chi tiết nhỏ nhất để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho các thành viên trong lớp” - thầy Hải khẳng định.

Nhiều đam mê + lắm gian nan

“Dù đã té núi, té lầu nhiều lần nhưng đến bây giờ trước khi thực hiện một pha nguy hiểm, mình vẫn thấy run giống như... đi thi vậy” - Thanh Đức cười. Hầu hết các thành viên đều có nền tảng võ thuật vững vàng nhưng vẫn không tránh khỏi việc “sưu tập” vô số thương tích bất đắc dĩ.

“Dù luyện tập thường xuyên và cẩn thận trong từng pha biểu diễn nhưng chuyện trặc tay, trặc chân, bong gân, ê ẩm mình mẩy nhiều ngày sau đó là chuyện cơm bữa của tụi mình” - Đinh Văn bộc bạch. Với cátsê “chỉ vừa đủ mua thuốc” mà phải tập luyện trong nhiều tuần, nhiều thành viên khẳng định không thể sống chỉ bằng nghề cascadeur. “Mỗi buổi quay cảnh đua xe, té vỡ kính, bị đốt cháy... tôi nhận được khoảng vài trăm ngàn đồng tùy độ khó” - Mai Đình Chiến (Trường trung cấp nghề Phú Lâm) nói.

Thiếu phương tiện bảo hộ an toàn là một khó khăn điển hình của nghề này. Cách đây không lâu, anh Nguyễn Quang Vinh bị tai nạn trong khi thực hiện một đòn lộn. Bây giờ thực hiện bất cứ pha nguy hiểm nào, anh cũng phải cẩn thận hơn người khác. Tuy vậy, những bạn trẻ đang tham gia CLB đều cho rằng muốn tiếp tục gắn bó với nơi này bởi ở đây họ được thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Đông chia sẻ: “Ở đây mình học được nhiều đòn “độc” và biết cách khống chế những tình huống nguy hiểm”. “Những khó khăn của nghề cộng với tiền công ít ỏi sẽ làm nản lòng rất nhiều người. Nhưng theo mình, những người có lòng đam mê mạo hiểm và võ thuật thật sự không dễ từ bỏ lớp học như thế này” - Sơn (sinh viên Trường RMIT) nói.

“Mình tham gia CLB qua một người quen. Khi biết mình là thành viên nữ duy nhất cũng thấy ngại ngại. Nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi. Các anh rất nhiệt tình chỉ bảo, lại rất tình cảm” - Vũ Thị Lệ Trinh (sinh viên năm 3 khoa quản trị kinh doanh, CĐ Bách Việt) cho biết.

Việc phân công anh em thực hiện các đòn khó cũng được thầy Hải sắp xếp khá rõ ràng. Thanh Đức thực hiện những pha nhảy lầu, té núi. Huỳnh Văn Khương nhảy cây dừa, nhảy tàu. Các thành viên còn lại thường thực hiện những pha đánh đấm, ngã hồ bơi, chạy trên tường, bị đốt cháy... tùy khả năng từng người.

“Không chỉ một số thành viên mà chính bản thân tôi cũng từ một thằng bụi đời đi lên. Tôi hiểu họ gần như hiểu chính mình” - thầy Hải tâm sự. Biết không thể thu hút người khác bằng tiền, anh thu hút và thu phục nhân tâm bằng chính niềm đam mê võ thuật của các thành viên còn lại. “Khó tránh khỏi va chạm nhưng tôi không chấp nhận chuyện chửi thề như một thói quen xấu hoặc gây mất đoàn kết trong anh em. Tôi muốn xây dựng một CLB cascadeur có kỷ luật, nghĩa tình” - thầy Hải nói.

Hà Thanh/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.