TP.HCM có lẽ là một trong những đô thị năng động nhất Việt Nam với sự mới mẻ hiện lên từng ngày, từng giờ ở mọi nơi, mọi ngõ ngách của cuộc sống. Song song với vẻ đẹp của sự phát triển, tiến bộ về nhiều mặt, vẫn còn nhiều lắm những bài toán nan giải về nạn ô nhiễm môi trường, về sự rối rắm lộn xộn của cảnh quan đô thị, và cả sự phát triển tự phát, thiếu thống nhất của những kiểu “không gian sống” của cư dân thành phố hiện nay.
Sự phát triển quá nhanh chóng có thể tạo ra những hệ lụy về sự ô nhiễm môi trường tự nhiên và không khí, ô nhiễm âm thanh, sự giảm sút chất lượng cuộc sống, và kết quả là người dân phần nào cảm thấy mệt mỏi, ngột ngạt. Từ đó hình thành nên một nhu cầu về một không gian sống trong lành, an toàn và bền vững.
Để xây dựng nên những giá trị bền vững cho không gian sống của mỗi gia đình và cho cả cộng đồng, cần có sự chung tay góp sức của nhiều thành phần trong xã hội. Trong đó, vai trò của kiến trúc sư và nhà thiết kế có thể được xem là khá quan trọng, họ chính là người tham gia định hướng và thỏa mãn nhu cầu ở và sinh hoạt của người dân thông qua các giải pháp thiết kế cảnh quan, kiến trúc và những không gian nội thất.
Diễn đàn “Tôi yêu thành phố của tôi” được thực hiện bởi Báo Thanh Niên phối hợp với Công ty sơn AkzoNobel Việt Nam. |
Giới kiến trúc sư và những nhà thiết kế tân tiến đang theo đuổi những ý tưởng phát triển cảnh quan thiên nhiên – sân vườn gắn với công trình theo chiều đứng, vườn treo – vườn trên không, tiện nghi cộng đồng tích hợp – sự kết hợp những chức năng ưu việt của cả quan điểm sống, chất lượng sống, môi trường sống, cơ sở vật chất tân tiến và công nghệ mới vào các khu dân cư, khu sinh hoạt cộng đồng.
Không gian sống được thiết kế đảm bảo giá trị thẩm mỹ và những hệ thống thông minh vận hành và kiểm soát ngôi nhà đã tạo cho con người một ý thức sống vì cộng đồng, vì môi trường, xem mỗi công trình kiến trúc là một thực thể sống, cũng có nhu cầu phải thở, ăn uống và đào thải theo một cách thức đầy trách nhiệm và giảm thiểu tối đa sự nguy hại hay ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ecotecture là xu hướng thiết kế dựa trên nền tảng: Động lực học tự nhiên; Vật liệu thân thiện và bền vững như sơn tường, sơn nội thất; Những nguyên lý sinh học; Công thái học và nhân trắc học; Văn hóa hiểu biết và tôn trọng hành tinh này và mọi tạo vật của sự sống
Thiết kế sinh thái luôn hội đủ 3 yếu tố tiện ích, thẩm mỹ và hệ sinh thái tự nhiên.
Trong đó, tiện ích được biểu hiện qua những hệ thống thông minh: Ngôi nhà thông minh, ngôi nhà sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nước; những hệ thống giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, cân bằng môi trường nội thất và ngoại thất; ngôi nhà tự sản sinh năng lượng.
Yếu tố thẩm mỹ và sử dụng hệ sinh thái tự nhiên được biểu hiện qua những giải pháp xanh và sạch, cụ thể như: Giải pháp thông gió, đón ánh sáng, tạo đối lưu không khí, cải tạo vi khí hậu; sử dụng cây xanh, sân vườn, vườn mái, vườn treo; sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu tái chế, vật liệu thiên nhiên, vật liệu tự hủy; giảm thiểu tạo ra rác thải; tái sử dụng; tái chế; tái sinh các giá trị sử dụng đã cũ; giải pháp sinh thái trong các mô hình nhà ở ngôi nhà thụ động, ngôi nhà nhiệt đới...
Một thành phố khỏe mạnh rất cần chứa đựng những mô hình xanh - sạch và văn minh, rất cần những nhà thiết kế làm việc trong tư thế chủ động và đầy trách nhiệm với cộng đồng, luôn xác định mối quan hệ giữa công trình kiến trúc - con người - và môi trường thiên nhiên là một vấn đề cốt lõi và thiết yếu trong xu hướng phát triển của xã hội.
Nguyễn Hữu Vinh
Bình luận (0)