Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp phải trả lời ba nhóm vấn đề là quản lý báo chí, kiểm soát nội dung các trang tin điện tử, hạn chế tối đa các trang web có nội dung xấu và việc xây dựng các trạm thu phát sóng điện thoại BTS tại các khu vực đông dân cư.
Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) cho biết: bản thân ông nhận được nhiều đơn thư của các khu tập thể, các nơi tập trung đông dân cư phản ánh tình hình các mạng di động xây dựng các trạm thu phát sóng (BTS) ngay trong khu dân cư làm ảnh hưởng đến người dân. Ý kiến này cũng được đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), đại biểu Cao Thành Văn (Bạc Liêu), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cùng đặt ra chiều qua.
Không gây hại, nhưng…
“Chúng tôi đã giao cho các đơn vị quản lý, nghiên cứu của Việt Nam nghiên cứu về các máy thu phát sóng (BTS) và điện thoại di động. Điều rút ra là chưa có bằng chứng khoa học cho thấy sóng từ các trạm thu phát cũng như sóng của các điện thoại cá nhân có thể gây hại cho con người. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang đối chiếu với các tiêu chuẩn kỹ thuật từ các nước phát triển thì thấy là toàn bộ các tiêu chuẩn của chúng ta phù hợp với quốc tế, thậm chí còn cao hơn. Các tổ chức nghiên cứu của các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Úc, Na Uy cũng cho biết là chưa tìm thấy bằng chứng là sóng điện thoại có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chỉ có điều là thể hình, thể chất của người Việt Nam có khác với người u – Mỹ nên chúng tôi khuyến cáo hãy sử dụng các thiết bị thu phát sóng một cách hạn chế hơn” - Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Hoàng Văn Phong |
|
Trả lời các câu hỏi này, ông Lê Doãn Hợp cho biết, cả nước hiện có 42.000 trạm BTS đang hoạt động. Nhiều nhất là Viettel 16.000 trạm, Vinaphone 10.000, MobiFone 11.000, EVN 2.500 trạm, còn lại là các DN khác. Theo ông Hợp, con số này là không nhiều và sẽ còn tăng lên trong thời gian tới khi Việt Nam triển khai dịch vụ 3G và tiến tới 4G. Mỗi trạm BTS chỉ có thể phục vụ từ 250 đến 2.500 thuê bao, vì vậy nếu số thuê bao trong khu vực tăng thì sẽ phải tăng số trạm. Theo số liệu kiểm tra trong 25.000 trạm BTS, chỉ có 117 trạm không đạt tiêu chuẩn và đã được yêu cầu khắc phục trước khi đưa vào hoạt động.
Bộ trưởng Hợp cũng nói: Nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu quốc tế năm 2006 cho biết chưa tìm thấy ảnh hưởng có hại của các trạm BTS đối với sức khỏe con người. Tại Việt Nam, các trạm BTS thường có công suất 20 watt, một số ít có công suất 32 watt và nếu thiết bị cũng như công nghệ được kiểm soát chặt chẽ thì chắc chắn các trạm phát sóng này không gây hại cho sức khỏe con người. Trả lời đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắk) về việc tại sao Bộ TT-TT không tuyên truyền điều này tới người dân, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thừa nhận đây là một thiếu sót. Bộ TT-TT là cơ quan quản lý cả hệ thống báo chí nhưng đã không tuyên truyền đúng mức nên sẽ thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) đặt vấn đề về trách nhiệm của của Bộ TT-TT khi: “Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã gần kề nhưng nhìn lên bầu trời Hà Nội, vẫn còn nhằng nhịt các loại dây, trong đó có nhiều dây ngành TT-TT đang quản lý". Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết: Hà Nội đã có kế hoạch ngầm hóa 11 tuyến đường, tiếp theo là 23 tuyến khác. Tuy nhiên, tại nơi chưa có điều kiện ngầm hóa thì việc thu gom “rác trời” đang gặp khó khăn vì chi phí tốn kém. Ông Hợp cũng cho biết một thông tin khá bất ngờ: hiện có đến 35% các loại dây thông tin trên trời đang "vô chủ".
Trả lời câu hỏi ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) về quản lý những mặt trái của internet, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thừa nhận những khó khăn, chẳng hạn nếu ngăn chặn nhiều quá những trang web có nội dung tiêu cực thì đường truyền có thể lại bị tắc nghẽn. Ông Hợp cho hay, nguyên nhân của mọi nguyên nhân và quyết định cho việc thành công trong việc quản lý internet là sự vào cuộc của chính quyền cấp cơ sở.
Xung quanh câu hỏi của các đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) và Phạm Phương Thảo (TP.HCM) về việc quản lý báo chí, ông Lê Doãn Hợp khẳng định báo chí Việt Nam đang có sự phát triển rất nhanh, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, báo chí cũng đang có một số vấn đề, chẳng hạn báo tỉnh thành này, ngành này lại nói về ngành khác, tỉnh thành khác, báo chí còn đưa tin sai sự thật, đưa tin có tính chất lá cải, câu khách. Ông Lê Doãn Hợp cho rằng, để quản lý 709 cơ quan báo chí thì vai trò lãnh đạo của các tổng biên tập là rất quan trọng.
“Tôi có người bạn là một nhà khoa học có đứa con học rất giỏi và ngoan nhưng lại nghiện game online. Anh ấy nhờ tôi là vào họp Quốc hội thì nói hộ với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho con anh ấy được nhập ngũ và đóng quân ở một hòn đảo nào đó thật xa để không có internet thì may ra mới cai nghiện được game online” - Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) |
“Về game trực tuyến, chúng ta đang cố gắng chống hai cái, một là bạo lực, hai là kích dục. Chúng tôi đã kiểm tra 20 đơn vị kinh doanh game online để hạn chế điều này. Ngoài ra, chúng tôi đã chỉ đạo các DN làm các game online; tới đây sẽ có khoảng 100 game online có nội dung tuyên truyền lịch sử, truyền thống để át đi những game xấu” - Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp |
Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)