Thống đốc lúng túng với ngoại tệ và nông dân

18/11/2009 01:25 GMT+7

* Sóng di động không gây hại cho sức khỏe Hôm qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn. 150 phút dành cho ông vẫn chưa làm thỏa mãn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Nông dân khó vay vốn: Thống đốc hứa!

ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, trong cho vay hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng mới tập trung cho các doanh nghiệp (DN) là khách hàng truyền thống, công tác kiểm tra giám sát trước, trong và sau chưa thường xuyên nên có DN sử dụng vốn không phù hợp. ĐB đặt câu hỏi: “Trách nhiệm của NHNN trước những tồn tại trên?”. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trả lời: “Vừa mới làm mà đã kiểm tra thì ai dám làm. Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị NHNN phối hợp kiểm tra sớm, tôi nói vừa làm đã kiểm tra thì anh em người ta chùn tay, ai dám làm”.

ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) lên tiếng: “Qua tiếp xúc, cử tri cho biết, ngân hàng chủ yếu cho các khách hàng quen vay. Nhiều DN không thân quen thì xin vay khó, nếu muốn được giải quyết thì phải có vấn đề “nháy nháy”. Vấn đề này có không, mức độ thế nào?". Ông Nguyễn Văn Giàu nói: “Chúng tôi luôn nhắc nhở trong toàn hệ thống ngân hàng không được sa sút đạo đức để vi phạm chính sách này”. Theo thống đốc, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số sai sót với tổng số tiền lên tới 8.300 tỉ đồng, chủ yếu là sai sót do thiếu hồ sơ thủ tục, và cũng có sai về đối tượng. Trong 8.300 tỉ thì 46 tỉ đồng thuộc gói hỗ trợ lãi suất. “Chúng tôi đã yêu cầu thu hồi số tiền sai sót, hiện còn 900 triệu đồng. Các ngân hàng tiếp tục phải thu hết số tiền này”, Thống đốc nói.

Hiệu quả của gói kích cầu

ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng, vừa qua các doanh nghiệp vượt qua được khó khăn không phải do họ được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn mà do Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ (trước đó đã thực hiện chính sách thắt chặt - PV). Từ đó, ĐB Sơn đề nghị đánh giá lại hiệu quả của chính sách thắt chặt tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Yêu cầu này chưa được thống đốc làm rõ.

Ông Võ Hồng Phúc - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Về vấn đề này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đỡ lời: “Kiểm điểm lại tình hình năm 2007, năm 2008 và 2009 thì những chính sách và quyết sách mà Chính phủ trình Quốc hội đều đúng đắn, trong đó có chính sách thắt chặt tiền tệ. Năm 2008, có người dự báo chỉ số giá cả tiêu dùng tăng 33%, kiềm chế lạm phát thì phải thắt chặt tín dụng, đó là điều đương nhiên”. Về hiệu quả gói kích cầu, Bộ trưởng Phúc cho biết, gói kích cầu đã phát huy hiệu quả, góp phần chống suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phúc cũng thừa nhận: “Đi vào cụ thể thì có một số điểm cần phải lưu ý”.

X.Toàn

Theo thống kê của ĐB Danh Út (Kiên Giang), để tiếp cận được vốn thì người vay phải đảm bảo đủ 8 điều kiện. “Thủ tục quá nhiều nên nông dân với tay không tới”, ĐB Út bức xúc. Nếu đáp ứng đủ thủ tục thì số vốn vay cũng quá ít, không đáp ứng được nhu cầu và lại bắt người vay mua máy móc sản xuất trong nước, trong khi Bộ Công thương lại không chỉ ra được địa chỉ nào bán máy móc do trong nước sản xuất, rồi yêu cầu phải có hóa đơn VAT. “NHNN và Bộ Công thương sẽ tham mưu cho Chính phủ như thế nào để sửa đổi chính sách trên?”, ĐB Út đặt câu hỏi. Thống đốc không có câu trả lời trực tiếp mà nói: “Chúng tôi hứa sẽ cùng với các cơ quan có liên quan báo cáo Thủ tướng để chỉnh sửa”.

Căng thẳng ngoại tệ: Xin phép báo cáo sau

Mặc dù đã nhận được văn bản trả lời nhưng ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) vẫn chưa hài lòng về câu trả lời của thống đốc. ĐB Loan đặt câu hỏi: “Quản lý thị trường ngoại hối khiến việc mua ngoại tệ của DN gặp khó khăn. DN phải trả chênh lệch bằng cách lách luật không có chứng từ. Cơ chế tỷ giá linh hoạt của ta đã có hay chưa? Đã dựa vào cung cầu hay định giá cứng nhắc? Việc giải quyết bằng các biện pháp hành chính có khả thi không?". Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng không có câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi này. Ông Giàu nói: “Thực sự chúng tôi cũng đã cố gắng, chúng ta giải quyết dần khó khăn chứ không thể tức thời”. Cũng vì thế, ĐB Loan lại tiếp tục: “Ba câu trả lời, tôi chỉ đồng tình một câu. Căng thẳng ngoại tệ không phải là thiếu ngoại tệ mà là găm giữ. Thống đốc có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?". Một lần nữa, Thống đốc NHNN lại xin khất câu trả lời: “Vấn đề này lớn, xin phép sẽ báo cáo QH sau”.

Đặt câu hỏi về sự bất ổn của thị trường vàng thời gian vừa qua, ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) nêu câu hỏi: “Giá vàng diễn biến bất thường, khi ngân hàng quyết định nhập khẩu vàng đã phần nào giúp thị trường vàng ổn định. Phản ứng như vậy đã kịp thời chưa, nếu không kịp thời thì trách nhiệm của thống đốc như thế nào?". Ông Giàu nói: “Lần đầu tiên không có mất cân đối cung cầu mà giá vàng lại tăng. Sau khi tham vấn nhiều chuyên gia kinh tế và đã cân nhắc rất kỹ, chúng tôi đã công bố cho nhập vàng. Đây là một kinh nghiệm trong quản lý thị trường. Rất kịp thời chứ không muộn màng gì cả, nếu như mất cân đối thì chúng tôi sai”.

ĐB Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) đặt vấn đề: “Nhập khẩu vàng cần một lượng ngoại tệ lớn, thống đốc làm gì để hài hòa giá vàng trong nước và kiểm soát nhập siêu?". Thống đốc NHNN cho biết, đương nhiên khi nhập vàng sẽ ảnh hưởng tới nhập siêu nhưng thực tế, sau khi NHNN công bố cho nhập khẩu thêm vàng thì lượng vàng được nhập về rất ít vì không phải chúng ta thiếu vàng.

Tiền kim loại không hiệu quả

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu vấn đề, mục tiêu của chính sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam nhưng thời gian qua, Việt Nam đồng đã bị mất giá, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. “Trách nhiệm của thống đốc như thế nào trong việc để đồng Việt Nam trượt giá như vậy?", ĐB Nga đặt câu hỏi. Về vấn đề này, Thống đốc NHNN cho biết: “Chính phủ đã cố gắng ổn định giá trị đồng tiền. Nhưng muốn đạt được mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam còn phải xem các yếu tố khác, đặc biệt là hiệu quả và cơ cấu kinh tế, đây là mục tiêu chúng ta hướng tới”.

Một nội dung khác cũng được ĐB Nga quan tâm là việc phát hành tiền kim loại. ĐB Nga cho biết trước khi phát hành loại tiền này, NHNN đã có giải trình trước Quốc hội rất thuyết phục về độ bền và hứa sẽ phát triển hệ thống máy bán hàng tự động. Thế nhưng, cho tới thời điểm hiện nay, những bằng chứng thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Chứng minh cho chất lượng kém của tiền xu được phát hành, ĐB Nga đưa lên một đồng tiền đã bị bào mòn, hoen ố và chất vấn: “Đồng chí làm gì để thực hiện lời hứa trước QH?" và “Về tiền kim loại thì tại sao thế giới người ta dùng hiệu quả mà ta lại không. Không sử dụng hiệu quả thì trách nhiệm của ai?”.

Về vấn đề tiền xu, vị thống đốc đương nhiệm trả lời: “Tôi cũng cho là không đạt hiệu quả". Tuy nhiên, ông Giàu cho biết thêm: Đề án phát hành tiền kim loại đã được thông qua và thực hiện từ đời thống đốc trước. Khi ông Giàu về nhận nhiệm vụ thống đốc thì đã chỉ đạo nghiêm túc xem xét không phát hành thêm tiền kim loại bổ sung vào lưu thông. Đối với những đồng tiền không đảm bảo lưu hành thì NHNN thu lại.

“Sàn giao dịch vàng nằm ngoài kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, việc cấp phép thành lập sàn vàng gây hệ quả xấu thì trách nhiệm thuộc về ai?” - ĐB Hoàng Thị Hảo, Hải Dương

“Đây là kẽ hở của pháp luật, nhìn lại văn bản pháp luật thì không có cơ quan nào quản lý cả” - Thống đốc Nguyễn Văn Giàu

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.