Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Liên ngành VSATTP TP, trong 9 tháng đầu năm 2009, toàn TP đã xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiêm Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Liên ngành VSATTP TP, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm tập thể đã thay đổi. Nếu như các năm trước ngộ độc chủ yếu do vi sinh thì năm 2009 số vụ ngộ độc chủ yếu do các độc chất tự nhiên.
Cũng theo Ban chỉ đạo Liên ngành VSATTP TP, TP.HCM hiện nay chỉ tự lực được 20% nhu cầu thực phẩm, 80% thực phẩm còn lại đều phải nhập từ các vùng sản xuất lương thực khác. Chính vì thế, việc kiểm tra chất lượng VSATTP rất khó khăn, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, hàm lượng các chất kháng sinh cho phép trong nông phẩm. Trong khi đó, hiện nay, toàn TP.HCM chỉ có 47 người làm công tác quản lý VSATTP.
Chính vì thế, Sở Y tế TP.HCM đã chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương TP.HCM và các sở ngành liên quan ở các tỉnh để triển khai mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi (như chuỗi trứng gia cầm, chuỗi thịt gia súc, gia cầm, chuỗi rau củ quả...) nhằm kiểm soát chất lượng VSATTP từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, ông Giang cho biết, tại TP.HCM, tính đến tháng 11.2009, đã có hơn 70% cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, cao hơn rất nhiều trung bình của cả nước (tính trung bình cả nước chỉ có 20% cơ sở đủ điều kiện VSATTP).
Hiện nay, Sở Y tế TP.HCM đã thẩm định và đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm sạch cho ba chuỗi đầu tiên là chuỗi rau của Công ty Hải Đức, Đà Lạt Gap (tỉnh Lâm Đồng) và chuỗi trứng gà của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. |
Nguyên Mi
Bình luận (0)