Dĩ nhiên, đó không phải là những món quà "quá cỡ", hay "càng mỏng thì càng dày, càng nhẹ thì càng nặng" như cái cách người ta hay "chạy" bây giờ. Nhưng xã hội ta hiện đang có sự phân hóa giàu nghèo một cách khốc liệt, vì thế, không thể có chuyện những món quà tình nghĩa tặng thầy cô giáo đều “đồng cân đồng lượng" như nhau. Sẽ có những món quà của học sinh nghèo, phụ huynh nghèo, và ngược lại, có những món quà của học sinh con nhà giàu, phụ huynh khá giả hay quan chức có điều kiện kinh tế. Nếu những món quà ấy, tuy khác nhau, vẫn giống nhau ở tấm lòng, ở sự trong sáng vô vụ lợi, thì sẽ không xảy ra chuyện gì cả. Nhưng ở đời vẫn hay khổ vì một chữ nhưng, nếu vì những món quà khác nhau về "chất lượng" ấy mà thầy cô lại đánh giá học sinh của mình, hay "cân đong nặng nhẹ" tình cảm học sinh mình, từ đó có sự phân biệt trong đối xử, thì đó mới thành chuyện khó.
Khi người tặng quà và người nhận quà đều tự đánh mất hình ảnh của mình thì quan hệ thầy - trò không còn là quan hệ tri thức, trí tuệ, tình cảm, yêu thương nữa, mà đã là quan hệ trao đổi, thậm chí là mua bán. Thử hỏi, còn biết bao thầy giáo cô giáo ở nông thôn, ở vùng sâu vùng xa, ở miền núi non xa khuất, nơi mỗi chữ được "cõng" lên phải đổi bằng bao nhiêu mồ hôi nước mắt, thì liệu những người thầy người cô ở những nơi ấy sẽ nhận được những món quà gì nhân ngày 20.11? Chắc chắn không phải là những món quà đắt tiền, mà nhiều khi, trong ngày vinh danh nghề mình, các thầy các cô lại chia sẻ với những em học trò nghèo từng lon gạo nấu cơm, từng quyển vở, cây bút...
Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, những món quà nhân ngày 20.11 cũng như các ngày lễ Tết khác cũng phải là những món quà đẹp, đúng nghĩa là những biểu hiện tinh thần, biết ơn và yêu thương từ người tặng và người nhận.
Thanh Thảo
Bình luận (0)