Hà Nội năm 1979 vẫn quá xa với rất nhiều người, vì không phải cứ muốn là đi như bây giờ. Tôi đã chần chừ khá lâu sau khi nhận được thư từ Hội Nhà văn về việc đi học: cha mẹ tôi đã già và đều có bệnh, và cả bốn em tôi đều đang đi học. Khi nghe tôi quyết định đi học, mẹ đã nói một câu tôi không bao giờ quên được: “Con đi thì còn đủ cha mẹ nhưng khi con về thì biết có còn không... ”. Đúng là cha tôi đã không đợi được tới ngày tôi ra trường, cha tôi đã mất vào ngày mồng 2 Tết, đầu năm 1982, năm học cuối của tôi.
Người dân Hà Nội năm 1979 vẫn rất ưu ái với những người như chúng tôi từ miền Nam. Vào chợ Đồng Xuân, tôi được các bác tiểu thương nhắc nhở: “Cô cẩn thận túi xách nhé!”. Xếp hàng mua nhu yếu phẩm, tôi nghe mọi người bảo nhau: “Cho cô ấy đứng trước đi. Cô ấy người miền Nam chưa quen xếp hàng”.
Thế nhưng Hà Nội đâu phải chỉ có những điều êm dịu. Chỉ hai tuần sau khai giảng, tôi đã bị mất xe đạp. Khi đi từ nhà trên lầu hai của họa sĩ Thế Vinh xuống, tôi và người bạn Sài Gòn vẫn loanh quanh chạy tìm chiếc xe, cứ nghĩ có ai đã dẹp vào đâu đó. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã nói đùa về việc này: “Vậy là cô đã làm cho Hà Nội mang tiếng đấy nhé”.
Vào ở nội trú, tôi đỡ được một việc cực nhọc là đạp xe đường xa và hít bụi trong cái thành phố mù mịt bụi này. Hà Nội đang thiếu điện trầm trọng, về đêm đường phố tối đen tối mịt, cứ như đang tình trạng phòng thủ thời chiến. Có những đêm, đạp xe từ nhà chú tôi ở Hàng Bạc về lại trường trên đường Đê La Thành, tôi cứ mong có một chiếc ô tô trên đường, để có được chút ánh sáng. Bọn trẻ con thường mai phục trên một số đoạn phố, giăng dây bẫy người với ná sỏi chờ sẵn. Nhiều hơn một lần tôi đã ngã chổng vó và ăn đạn vỡ cả mắt kính.
Thời gian đầu, trường Đại học Văn hóa buộc tất cả học viên viết văn phải ăn ở bếp tập thể. Thức ăn thường chỉ là rau, su hào... nấu rặt với muối, nên dù lạt nhưng vẫn chát, không sao nuốt nổi. Thỉnh thoảng cũng có hôm ăn cơm không độn, nhưng nhiều hôm chỉ toàn mì, và có khi liên tiếp suốt mấy bữa là bánh mì chấm với dưa cải chua nấu muối(!). Nuốt xuống, dạ dày chẳng muốn tiếp nhận, cứ đau quặn, đẩy lên lại, rất khó chịu. Cho đến khi học viên Trường Nguyễn Du được phép tự nấu ăn, với lý do họ vẫn đang viết lách, phải thức khuya làm việc, thì chúng tôi mới được quyền chăm sóc cái dạ dày khốn khổ đang bị đày ải của mình. Với gạo hay mì mua được từ tem phiếu, chúng tôi mang ra chợ, đổi lấy gạo quê. Người dân quê làm ra hạt gạo nhưng không dám ăn những hạt cơm dẻo mềm lúa mới vì chúng nở ít quá, họ mang ra đổi lấy gạo mậu dịch, cũ và có khi đã hôi mốc, nhưng điều quan trọng là nó nở bung nồi, cho người ta no bụng hơn.
|
Bổ sung thêm màu sắc cho lớp, là một nữ học viên rất đặc biệt, rất trẻ, chỉ mới ba tuổi. Đó là Bê Lim (khi lớn lên cháu cũng viết văn với bút danh Hoàng Dạ Thi), con gái thứ hai của chị Mỹ Dạ, mà chị mang theo, để lại ở Huế đứa lớn hơn cho anh Hoàng Phủ Ngọc Tường. Một đứa bé đang thời kỳ học nói, ngày nào cũng vào ngồi nghe cùng mẹ những bài giảng rất nặng đô, với biết bao từ ngữ và khái niệm, chẳng rõ Bê Lim có tiêu hóa được gì không, nhưng ngôn ngữ của Lim thì đúng là rất “khẩu khí”. Không hiểu từ đâu mà Lim chỉ toàn gọi cha là Ông Tường và mẹ là Mụ Dạ, khi nói chuyện với người khác. Lim tròn trĩnh, rất xinh với đôi mắt to tròn, hai má căng mịn, lúc mới ra Hà Nội tối nào cũng khóc đòi chuối. Về sau, trở thành bạn của tất cả học viên, Lim trở nên vui vẻ, nói nhiều hơn và với riêng tôi, Lim còn là “người bảo vệ”.
Căn phòng cuối dãy của tôi nhìn sang bên làng, có đơn vị bộ đội đang đóng quân. Những chàng lính trẻ rảnh rỗi, cứ thấy con gái ló mặt ra ở bờ ao là ó lên trêu chọc. Chỉ có Lim mới dám phản ứng theo kiểu của mình. Lim nhảy cẫng lên khỏi mặt đất, tay thì xỉa, mồm thì hét vói sang bên làng bằng cái giọng ngọng líu của mình: “Ê cái xằng (thằng) kia, chại (tại) sao mày dại (lại) dám chêu (trêu) cô Cúc của chao (tao)?”. Cho đến khi chị Dạ kêu lên từ phòng mình: “Lim ơi, hét rứa coi chừng viêm họng đó con” đến lần thứ mấy thì Lim mới chịu im. Có lần, bên nhà chị Dạ có khách, Lim trốn biệt sang phòng tôi, mẹ kêu cách gì cũng không chịu về. Tôi bảo “Lim về đi kẻo mẹ la”. Lim xụ mặt xuống: “Dim (Lim) không về đâu. Về Mụ Dạ bắt dàm (làm) xơ (thơ) đó”.
Nếu Bê Lim hiên ngang bao nhiêu thì chị Lê Thị Mây lại lép vế bấy nhiêu. Cửa sổ phòng chị trông ra một cây táo của nhà dân. Không rõ ai đã vặt hết táo trên cây nhưng với bà chủ nhà thì thủ phạm chỉ có thể là chị Mây. Vậy là, hễ chị Mây đi học về, mở cửa sổ ra, là lập tức một bài chửi có vần có điệu, mô tả đúng hình dáng, tuổi tác chị Mây, kèm với vũ đạo phụ họa rất dữ dội lại cất lên, suốt một thời gian dài. Chúng tôi chỉ có thể cười cợt, xem đó là một tiết mục văn nghệ quần chúng rất đặc biệt, đáng thưởng thức, mà không phải ai cũng may mắn được phục vụ mỗi ngày. (Còn tiếp)
Ngô Thị Kim Cúc
Bình luận (0)