Hành trình “rửa” nguồn gốc rau quả - Bài 3: Siêu thị cũng lập lờ

20/11/2009 00:37 GMT+7

Điều đáng phê phán là ngay cả ở các siêu thị uy tín cũng không hề thấy ghi có trái cây rau củ quả Trung Quốc, trong khi thực tế thì ngược lại, thậm chí có nhiều là đằng khác!

Cũng là người tiêu dùng, chúng tôi muốn nguồn gốc hàng hóa cần được minh bạch để chọn lựa, trả tiền cho đúng với thực chất mặt hàng mình mua. Tuy nhiên, thực tế ở các siêu thị, cửa hàng trái cây lớn không hề được như vậy.

“Khách hàng thân thiết” cũng bị lừa!

Tâm lý chung thường nghĩ siêu thị bán hàng minh bạch và an toàn hơn ở chợ vì siêu thị nào cũng muốn giữ uy tín, có một ban bệ tuyển chọn hàng hóa và như vậy những mặt hàng kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng không có cửa “xâm nhập” vào đây. Thế nhưng, trong những ngày đi thực tế tại các siêu thị của nhà nước có, hợp tác xã có và kể cả của tư nhân, chúng tôi nhận thấy, “khách hàng thân thiết” (một danh hiệu của các siêu thị dành cho khách thường xuyên) sẽ rất ngỡ ngàng, ấm ức nếu như biết được mình đã tiêu thụ cả đống hàng xuất xứ từ Trung Quốc mà vẫn tưởng đó là hàng nhập từ Mỹ, Nhật, Úc, Nam Phi... Siêu thị cũng là một kênh giúp “rửa” nguồn gốc cho một lượng rất lớn rau củ quả Trung Quốc để dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng.

Có mặt tại siêu thị Sài Gòn (đường 3 Thááng 2, Q.10) một ngày đầu tháng 11, dạo một vòng quanh khu vực bán rau, củ, quả, chúng tôi không hề thấy mặt hàng nào ghi xuất xứ từ Trung Quốc, mặc dù chúng vẫn có mặt tại đây, như: lựu, lê đường, mận đỏ, quýt “Thái”... Tương tự, những mặt hàng rau củ, như: cà rốt, khoai tây, hành tỏi... xuất xứ từ Trung Quốc cũng bị lờ đi. Trong khi đó, không thiếu những tấm bảng ghi hàng xuất xứ từ Mỹ, Úc, Thái Lan..

Trong những ngày lăn lộn ở các chợ đầu mối chúng tôi học được những bài học kinh nghiệm để phân biệt hàng nội, hàng ngoại với hàng xuất xứ Trung Quốc. Cụ thể: cà rốt Trung Quốc nhìn tươi, ngon, đẹp mã hơn cà rốt nội và đặc biệt cà rốt Trung Quốc không còn lá; các loại: gừng, tỏi, hành tím Trung Quốc cũng to bự bất thường nhưng không thơm đặc trưng như hàng nội; khoai tây Trung Quốc có rất nhiều màu, củ to đều nhau, vỏ dầy, có loại rất sạch, có loại bám đầy đất, chiên xào nấu bở, không ngon trong khi đó khoai tây nội chỉ có màu vàng nâu nhạt, lấm tấm bông đen, vỏ mỏng; bông cải Trung Quốc trắng bất thường… Trái cây Trung Quốc rất đa đạng, phổ biến nhất hiện nay là táo, lê, mận đỏ, quýt trái nhỏ, hồng giòn, nho xanh, nho đỏ, cam, lựu…

Tại siêu thị Citimart (Nguyễn Trãi, Q.1), những mặt hàng trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc, bị “lờ” đi bằng những cái tên khá đẹp: lê đường, táo Fuji, lựu, quýt “Thái”, mận đen... mặc ai muốn hiểu sao thì hiểu. Các tem nhãn dán, bao bì có chữ Trung Quốc cũng đã được tháo bỏ, chỉ còn lại những tên gọi đã được “Việt hóa”. Chỉ tay vào một rổ hành tím với hình dáng to bất thường, chúng tôi hỏi cô nhân viên bán hàng: “Hành gì mà to thế em?”. Cô nhân viên đáp nhát gừng: “Hành Trung Quốc” - “Vậy tại sao em không ghi rõ hành Trung Quốc để người mua dễ nhận biết?” - “Nhìn là biết rồi, cần gì phải ghi!”, cô bán hàng đáp trả với vẻ mặt khó chịu.

Tại các siêu thị Maximart (3 Thááng 2), Vinatex (Khánh Hội, Q.4), Co-op mart Nguyễn Đình Chiểu... tình hình cũng không khá hơn. Tại siêu thị hạng sang Lotte (Q.7), khu hàng rau củ quả rộng rãi, hoành tráng không thiếu một loại trái cây, rau củ nào, thậm chí còn hoành tráng hơn cả những siêu thị độc quyền kinh doanh trái cây. Tuy nhiên, một số mặt hàng rau củ không biết vô tình hay cố ý lại lập lờ thông tin như cà rốt Trung Quốc được gắn tên cà rốt “loại 1” đặt bên cạnh cà rốt Đà Lạt, khoai tây “loại 1” ngay bên cạnh khoai tây Đà Lạt, hành tây “loại 1”... Chúng tôi thử hỏi một khách hàng đi siêu thị: “Chị có biết vì sao gọi là hàng loại 1?”. Chị này cũng lúng túng: “Chắc tại nó to, đẹp và ngon hơn hàng Đà Lạt!”.

Còn ở các siêu thị trái cây, hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc đều bị người bán giấu nhẹm. Tại siêu thị trái cây nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), trưng bày nhiều mặt hàng trái cây bóng lưỡng, tươi ngon không thấy thứ nào ghi nhãn xuất xứ Trung Quốc. Chỉ vào táo Fuji, chúng tôi hỏi thẳng: “Đây là táo Trung Quốc phải không chị?”. Cô nhân viên lớn tuổi nhăn mặt: “Táo Nhật chứ làm gì có của Trung Quốc!”. Đó là chưa kể những mặt hàng khác cũng bị đổi “quê quán”.

Rời siêu thị này, chúng tôi đến siêu thị trái cây 141 đối diện chợ An Đông. Giá cả ở đây thì khỏi nói, mắc hơn gấp nhiều lần mua ở ngoài. “Hàng ở đây ngon và đảm bảo chất lượng”, một nhân viên giải thích về sự chênh lệch giá cả. Gây chú ý nhất là những trái cam vàng tươi rói được ghi nhãn cam Nam Phi, nhưng nhìn kỹ lại thấy ngay trên quả cam còn nguyên con tem nhỏ ghi dòng chữ Hoa, tạm dịch là “trái cây dinh dưỡng Ngọc Thị - Trung Quốc”. Chúng tôi chỉ vào nhãn tò mò: “Bảng hiệu ghi cam Nam Phi sao có chữ Trung Quốc?” - Cô nhân viên bán hàng lúng túng: “Chắc bị dán nhầm” rồi nhanh tay lột bỏ.

Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục quay lại đây, vẫn không có gì thay đổi, tìm mỏi mắt vẫn không có một thứ trái cây nào được công khai nguồn gốc “Trung Quốc”. Lần này, cô nhân viên bán hàng vẫn quả quyết không có hàng Trung Quốc. Sau khi bị bắt bí vài câu, cô cười: “Ghi hàng Trung Quốc sao bán được anh?”, rồi tư vấn rất tận tình loại trái cây nào là của Trung Quốc; xem ra có đến 40 - 50% hàng hóa tại đây bị “giấu” xuất xứ Trung Quốc hoặc bị đổi sang một “quê hương” khác!

Các siêu thị nói gì

Tiếp cận với một đầu mối chuyên phân phối hàng vào siêu thị được biết, trái cây, rau củ quả của tiểu thương bán ở chợ đầu mối khó lòng tiếp cận siêu thị một cách trực tiếp. Thông thường những mặt hàng này phải thông qua một đầu mối trung gian là một công ty để có hóa đơn đầu vào xuất hàng cho siêu thị. Kèm theo đó là bản cam kết hàng đảm bảo chất lượng để nếu xảy ra sự cố siêu thị còn nắm được “kẻ có tóc”. Phần lớn các siêu thị cho rằng không chú trọng đến việc công khai hóa nguồn gốc xuất xứ của những mặt hàng này nên các công ty cung cấp hàng cũng lập lờ “né” luôn, trên hóa đơn, chỉ ghi tên chung chung mà không ghi xuất xứ. Thực ra, các siêu thị chỉ “né” ghi nguồn gốc nào dễ gây dị ứng cho người tiêu dùng, còn thì vẫn vô tư, thậm chí là cố ghi thật to, thật rõ các xuất xứ : Mỹ, Úc, Nhật, New Zealand...

Dù là “cam Nam Phi”, “táo Fuji” nhưng trên thân quả vẫn còn lưu giữ nhãn hiệu Trung Quốc - Ảnh: Minh Nam

Bà Đàm Chi Phương, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh siêu thị Sài Gòn, sau khi cùng chúng tôi đi thị sát trực tiếp tại siêu thị đã "lập tức chỉ đạo" nhân viên rút ngay những mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc ra khỏi khu vực bày bán để kiểm tra nguồn gốc. Bà Phương cho biết việc công khai rõ nguồn gốc xuất xứ là việc làm cần thiết nên siêu thị sẽ chấn chỉnh ngay từ đầu nhập vào (!?).

Tương tự, bà Trần Đỗ Quyên, Giám đốc Co-opmart Nguyễn Đình Chiểu cho biết việc không ghi xuất xứ trên nhãn là "có thiếu sót" sẽ kiểm tra, chấn chỉnh ngay. Bà Quyên cho biết thêm, hàng siêu thị nhập về không phải mua trực tiếp mà lấy qua Saigon Coop.

Thẳng thắn hơn, bà Nguyễn Ánh Hồng, Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Maximart, cho rằng siêu thị tuy có bán nhưng rất cẩn trọng với những mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc. “Hằng tháng siêu thị bỏ ra hàng chục triệu đồng, lấy mẫu đem đi thử. Nhưng cũng chỉ kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu, còn chúng (trái cây TQ - PV) có chất gì trong đó thì không kiểm tra được”, bà Hồng nói thêm. Khi được hỏi tại sao trong siêu thị bán trái cây Trung Quốc mà không ghi xuất xứ cho người tiêu dùng biết, bà Hồng cho rằng “không có quy định nào bắt buộc phải cung cấp xuất xứ hàng hóa”. Tuy nhiên, bà Hồng cũng thừa nhận người tiêu dùng phải được quyền chọn lựa sản phẩm đúng xuất xứ mà họ muốn.

Minh Nam - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.