Ngày tận thế

20/11/2009 22:59 GMT+7

Nghẹt thở, hồi hộp, căng thẳng là cảm xúc của đa số khán giả khi xem 2012: Năm đại họa. Dù các nhà phê bình điện ảnh đánh giá thấp nhưng 2012 vẫn là bộ phim ăn khách.

Trong 2012, đạo diễn Roland Emmerich đã tạo quá nhiều hiệu ứng kỹ xảo bằng máy tính khiến khán giả bàng hoàng, vượt qua cả cảm xúc khi xem những bộ phim ông từng làm trước đây như Independence day, The day after tomorrow, Gozilla... Hơn 200 triệu USD được hãng Columbia Pictures đầu tư cho 2012 để làm nên 158 phút sống nghẹt thở với gia đình Jackson Curtis (John Cusack) khi trốn chạy một thảm họa toàn cầu.

Phỏng theo câu chuyện con tàu Nôê (Noah) trong kinh thánh cứu con người và muôn loài trên trái đất sau cơn đại hồng thủy, 2012 cũng là câu chuyện kể về ngày tận thế (21.12.2012) khi trái đất bị nhấn chìm trong cơn mưa thiên thạch, những trận động đất dữ dội, núi lửa phun trào, hai cực nam bắc của địa cầu đổi chỗ cho nhau... Ngày định mệnh như trong phim mô tả dựa theo dự báo của người Maya cổ đại (châu Mỹ) khắc trên cột đá, được các nhà khảo cổ học phát hiện trong đống đổ nát ở Mexico vào những năm 1960. Không một quốc gia nào trên hành tinh thoát khỏi cơn thịnh nộ của thiên nhiên: từ Mỹ sang Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Phi, Pháp, Brazil, Trung Quốc... Để cứu nhân loại, các quốc gia cùng hợp lực đóng 6 con tàu khổng lồ có thể chống chọi những cơn sóng thần hung hãn, tàn bạo nhất. Và thảm kịch xảy ra khi vào phút cuối có quá nhiều người từ khắp các châu lục muốn được lên tàu để mưu cầu sự sống.

Giữa biển nước mênh mông, giữa những cơn sóng cuồng nộ, sự hy sinh, lòng trắc ẩn, vị tha và trên hết là tình người đã vượt qua lòng ích kỷ, xảo trá, gian manh, được đặc tả bằng những số phận cụ thể, bằng khát khao tồn tại của gia đình Jackson, Yuri. Khán giả hoàn toàn choáng ngợp khi chứng kiến cảnh cả tiểu bang California bị nhấn chìm, Ấn Độ bị những cơn sóng thần bao phủ, tượng Chúa Jesus ở Rio de Janeiro (Brazil) tan vỡ từng mảnh trước cơn cuồng bạo của sóng thần. Những cú va chạm khủng khiếp của mảng kiến tạo vỏ địa cầu. Vết nứt sâu hoắm đến tận lõi trái đất hiện ra. Và rồi chậm rãi nhưng tàn khốc, các thành phố tan ra từng mảnh, bị đại dương nuốt chửng, hàng triệu sinh linh thiệt mạng trong nỗi kinh hoàng. Cảnh tượng hùng vĩ nhất có lẽ là chiếc hàng không mẫu hạm USS J.F.Kennedy đập vào tòa Nhà Trắng ở Washington (Mỹ), cảnh ngọn Himalaya ở Tây Tạng bị nước bao phủ, 6 con tàu cứu rỗi nhân loại trôi và va đập đỉnh Everest...

Dù vẫn còn đó những chi tiết ngô nghê, ca ngợi mẫu người hùng theo kiểu màn bạc Hollywood, dù bị các nhà phê bình chê bai là không mang chút yếu tố gì của nghệ thuật điện ảnh nhưng 2012 vẫn là bộ phim được khán giả ưa thích. Thậm chí sau khi phim trình chiếu, vẫn còn rất đông khán giả trên khắp thế giới bán tín bán nghi về ngày cuối cùng của lịch sử nhân loại. Đến nỗi Cơ quan không gian NASA của Mỹ phải đưa ra lời khẳng định: 21.12.2012 không phải là ngày tận thế và thế giới sẽ chưa có hồi kết. NASA còn chỉ trích Hollywood đã tạo nên làn sóng bất an, mối lo ngại trong suy nghĩ của công chúng, đặc biệt là giới thanh thiếu niên sau khi xem phim. 

2012 làm mãn nhãn những ai ưa thích dòng phim về thiên tai, thảm họa. Bởi thế không có gì khó hiểu khi 2012 khuynh đảo các quầy vé khắp toàn cầu từ khi khởi chiếu vào ngày 13.11. Chỉ sau 1 tuần công chiếu, 2012 thu về đến 225 triệu USD trên khắp toàn cầu, đứng đầu các bảng xếp hạng phim có doanh thu cao nhất hiện nay. 2012 đang được chiếu tại các rạp phim trên toàn quốc.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.