Sân khấu vào cuộc cạnh tranh lớn

21/11/2009 15:06 GMT+7

Từ nay đến Tết, TP.HCM sẽ có thêm 6 sân khấu ra mắt. Nghĩa là sắp có một cuộc cạnh tranh ráo riết giữa các sân khấu và nghệ sĩ với nhau. Nghe đọc bài

Kịch Gia Định với 2 điểm diễn tại Nhà hát Thế giới Trẻ và rạp Gia Định. Sân khấu của Ái Như - Thành Hội tại Nhà thiếu nhi TP.HCM. Kịch Đồng Dao của Trung Dân - Hạnh Thúy chia sẻ lịch diễn tại số 7 Trần Cao Vân. Công ty Ánh Trăng của đạo diễn Minh Nguyệt dự kiến diễn tại sân khấu của Nhạc viện TP.HCM. Công ty Đại Cồ Việt của NSƯT Trần Ngọc Giàu - Hoài Linh - Phước Sang sẽ chọn trụ sở là rạp Cầu Bông.

Thật sự, ở Sài Gòn bấy nhiêu sân khấu hiện tại cũng chưa phải là nhiều. Quanh đi quẩn lại vẫn là 5B, IDECAF, Phú Nhuận, Nụ Cười Mới, Kịch Sài Gòn, tập trung ở Q.1 và Q.3 là chính. Sàn diễn nở nồi chứng minh nghệ sĩ và khán giả cùng có năng lực “chơi” cùng sân khấu.

Cạnh tranh nhân lực

Có lẽ thu hút diễn viên là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với mỗi sân khấu. Đặc biệt là thu hút ngôi sao. Hầu hết các ngôi sao hiện nay đang tập trung ở Kịch Phú Nhuận và IDECAF, một ít ở 5B (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM). Chưa kể, diễn viên còn bị phim truyền hình nhiều tập “bắt cóc” liên tục, gây thiếu hụt trầm trọng. Vậy các đơn vị mới làm sao thu hút nhân tài? Ái Như cho biết, chị chủ trương đưa lớp trẻ vào, nhất là học trò của chị vừa tốt nghiệp tại các trường lớp sân khấu, tạo điều kiện cho các em trưởng thành. Quả thật Ái Như và Thành Hội khá mát tay, trong nhiều vở diễn đã đẩy lớp trẻ lên, như Tuyết Mai, Quốc Thịnh, Lương Duyên...

Kịch Gia Định (Công ty Sài Gòn Phẳng) gần như “gom” luôn dàn diễn viên quen thuộc của Kịch Sài Gòn về và mời thêm nhiều người mẫu, hoa hậu, á hậu, với hy vọng bán vé. Khổ nỗi, những người đẹp - người mẫu này chưa quen đóng kịch, đài từ, diễn xuất đều yếu, muốn khán giả hài lòng chắc phải đợi thêm nhiều vở nữa. Kịch Đồng Dao tuy ít diễn viên nhưng đều có tay nghề, như Kim Xuân, Diệu Đức, Trung Dân, Hạnh Thúy, Hồng Thắm, Quỳnh Hương, Minh Cường, thành ra lại ít lo. Nhóm nhỏ, dễ quản lý, dễ xếp lịch, xếp vai cho anh em. Còn nhóm của Hoài Linh - Phước Sang có thế mạnh là nắm rất nhiều cây hài, họ không phải đau đầu cạnh tranh nhân lực với chính kịch. Nhưng diễn viên hài lại thường có nhược điểm là diễn không sâu sắc, thành ra sẽ có cạnh tranh về “đẳng cấp” sân khấu sau này.

Nhìn chung, nhân lực bị chia sẻ nên các đơn vị mới buộc phải đi tìm người trẻ, người ngoài ngành, hoặc khiêm tốn làm trong mô hình nhỏ. Nghĩa là có sự hạn chế chứ không thể tung tẩy đúng như ý muốn của người làm nghề.

Cạnh tranh thương hiệu

Các đơn vị mới đều có những tên tuổi lớn đứng phía sau. Ái Như - Thành Hội, Minh Nguyệt, Trần Ngọc Giàu, Trung Dân - Hạnh Thúy, Hoài Linh, dễ ai đã chịu lép vế. Sẽ có cuộc chạy đua xây dựng thương hiệu, vừa là vì yếu tố doanh thu nhưng vừa là tự ái nghề nghiệp trước dư luận khán giả. Nghệ sĩ Trung Dân nói: “Nếu chỉ vì tiền, tôi đi làm hài cho khỏe, mắc gì đem những đề tài nông thôn bức xúc lên thành thị”. Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Kịch IDECAF, khẳng định: “Những đơn vị đã có thương hiệu vẫn phải cạnh tranh để giữ vững thương hiệu đó. Khán giả bây giờ “tinh” lắm, đừng tưởng họ vui cười rồi mình làm dễ dãi. Mong sao mọi người cạnh tranh mà đưa được toàn bộ sân khấu đi lên”. NSƯT Hồng Vân, Giám đốc Kịch Phú Nhuận, không dám lơ là: “Đành rằng chúng tôi đã có thế mạnh hơn các đơn vị mới, nhưng chính họ cũng đặt chúng tôi vào thế “cạnh tranh” với bản thân mình ngày hôm qua”.

Tuy nhiên, cũng cần có một biên độ thông cảm và kiên nhẫn dành cho các sân khấu mới. Bởi cái khó của họ là kéo khán giả tới rạp trước đã, rồi mới dò dẫm định hình phong cách, thương hiệu. Như Kịch IDECAF, Kịch Phú Nhuận cũng mất 4, 5 năm dò dẫm. Chúng ta cần có lòng tin và sự khuyến khích để anh em lập nghiệp. Trong cuộc cạnh tranh không chỉ có thành bại mà còn có cả tình yêu chung của sân khấu. Bất cứ ai đã trót “yêu” cánh màn nhung, thì nên hỗ trợ nhiệt tình.  

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.