Giai thoại Trường viết văn Nguyễn Du: Dù bão có nổi...

21/11/2009 15:11 GMT+7

Ba năm của khóa I (1979 - 1982) đúng vào thời gian có rất nhiều xáo động ở Hội Nhà văn. Từ khi khai giảng cho đến lúc bế giảng, không biết bao nhiêu lần chúng tôi nghe rằng trường có thể bị giải tán bất cứ lúc nào.

Vì thế, suốt trong thời gian học, chúng tôi theo dõi rất sát tin tức thời sự nóng hổi mỗi ngày từ phía Hội Nhà văn: những thông tin rò rỉ nào đang được loan truyền, những quả bóng thăm dò nào đang được ném ra, những bài báo nào mới được lên trang, do ai viết, nội dung nói về điều gì, liên quan thế nào đến các nhân vật chủ chốt của trường, và sẽ tác động như thế nào đến sự tồn tại của Trường viết văn. Rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động của trường, mà khó nhất là kinh phí. Có thời gian ngay đến tiền thù lao cho giảng viên cũng không có đủ để trả.

Sau kỳ nghỉ Tết của năm thứ nhất, khi trở lại trường, tôi kinh hoàng nhìn thấy cả sân trường tan hoang xơ xác. Rất nhiều bạch đàn, bạc hà, xà cừ trồng từ ngoài đường Đê La Thành vào, dọc theo chiều sâu của trường Đại học Văn hóa trốc gốc, ngã đổ chỏng trơ. Những cây không đổ thì nghiêng ngả, giơ các cành trơ ra, nom thật dữ tợn. Trường càng tiêu điều hơn, mà tệ nhất là phòng ở của tôi, ngay cuối dãy.

Bão đã thổi trốc hết một phần tư mái tranh. Vậy là hễ trời nắng thì tôi có thể vui vẻ thêm được chút ánh sáng cho bàn viết, còn hễ trời mưa thì trong nhà dột nát, y như ngoài sân. Hiệu phó phụ trách hành chánh, tiến sĩ Huỳnh Khái Vinh đã nhiều lần làm thủ tục xin cấp kinh phí sửa chữa, nhưng để có được những tấm tranh lợp nhà ấy không phải chuyện giản đơn. Phải đến một năm rưỡi sau, “kinh phí” để mua mấy tấm tranh lợp nhà ấy mới được phê duyệt.

Và tôi đã được hưởng nhiều hơn một mùa gió đông bắc rét buốt xộc thẳng xuống giấc ngủ của mình. Ngày mưa, tôi chẳng còn cách nào khác hơn là lấy áo măng-tô phủ lên đỉnh mùng, để mưa không làm ướt hết chỗ nằm. Rất may là Hội Nhà văn đã lo cho mỗi học viên nội trú một tấm chăn bông nặng đến 5 kg, cứu cho tôi một bàn thua trông thấy: tối mùa đông, tôi cứ việc chui hết cả đầu mình chân tay vào cái kén kín mít sực nức mùi bông vải ấy, mặc kệ cái mái tranh te tua xơ mướp tha hồ rên rỉ cùng với gió mùa đông bắc bên ngoài.

Thế nhưng những người vô can thì hình như lại đau khổ vì nó hơn tôi. Chủ tịch tỉnh Phú Khánh Hồ Ngọc Nhường và nhiều cán bộ chủ chốt các tỉnh phía nam ra ghé thăm “Trường Quốc tử giám thời nay”, mục sở thị mọi chuyện, đã phải kinh ngạc kêu lên: “Sao lại đối xử với anh em kiểu này. Trại cải tạo chỗ chúng tôi nhà cửa còn tươm tất hơn”.

Chàng kiến trúc sư người Hà Nội có mái tóc bồng bềnh và đôi mắt mênh mang, người mà chị H. định gả tôi, khi đến thăm căn phòng thê thảm của tôi, đã lập tức đề nghị để anh làm cho tôi một mái che phụ bên dưới mái tranh, nhưng tôi không đồng ýá. Một vài học viên nam trong khu nội trú cũng đề nghị đổi phòng nhưng tôi trả lời không: tôi không thể đẩy cái khó sang cho bạn mình như thế.

Khó thì khó, khổ thì khổ, những ngày đi học vẫn có biết bao niềm vui mà không ai có thể lấy đi được của chúng tôi, dù với bất cứ lýá do nào. Ngoài nhiều giờ lên lớp thực sự thú vị, hấp dẫn, hầu như mỗi tuần chúng tôi đều có mấy buổi xem phim, cộng với một vài buổi nghe hòa nhạc, đi xem kịch. Đó là chưa kể bè bạn từ Hà Nội và từ khắp các địa phương kéo về. Khu nội trú trở thành một điểm đón khách vui vẻ, mở rộng thêm mối giao tiếp giữa những người cùng chia sẻ tình yêu đối với văn chương, mà cuộc sống muôn vàn thiếu thốn của thời hậu chiến chưa thể làm biến dạng. Khi đến, khách có thể mới chỉ là bạn của một người, nhưng khi ra về, anh đã có thể là bạn của tất cả.

Ngày ấy, vở kịch Kẻ đốt đền đang gây cơn sốt giữa thủ đô Hà Nội. Eroxtrat - Đoàn Dũng đang làm bùng nổ khán giả qua cách diễn xuất thần, cân bằng giữa sự tiết chế cần thiết với sự bộc phát tối đa cảm hứng nghệ sĩ, đáp ứng đúng cái mà người xem Việt Nam đang mong đợi. Những chi tiết kịch, những câu thoại của Eroxtrat: “Ở thành Efrét này có ai sống nổi bằng sáng tác, thời buổi này người ta ăn nhiều mà đọc ít...”, của chàng nguyên soái ít học, mê vợ, luôn ngúng nguẩy một cách thái quá: “Ta là một người đánh cá, ta yêu cá và cá yêu ta... Ta chỉ muốn sống những ngày cuối cùng cho riêng mình chứ đâu phải cho lịch sử... Anh cứ nói những gì anh nghĩ nhưng hãy nghĩ những gì anh nói...” khiến người xem khoái chí đến tối đa, bộc lộ bằng những tràng pháo tay không dứt. Kịch bản Liên Xô, đạo diễn Bungaria, và diễn viên Việt Nam đã cùng hợp lại để đưa ra câu trả lời cần thiết và đúng lúc cho sân khấu đang đầy trăn trở của Việt Nam.

Tiến sĩ Đình Quang, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã đến trường với những chuyên đề về kịch, còn kịch tác gia Tào Mạt là một trong những khách quý của khu nội trú, người mà bộ ba Bài ca giữ nước của ông giờ đây đã trở thành một tài sản quýá giá, một bài bản gần như cổ điển, với lời thoại trau chuốt, cổ kính, sang trọng, những tình huống kịch sắc lẻm mà vẫn tràn trề tính văn hóa, đề cao vẻ đẹp truyền thống của một thời kỳ Việt Nam hội đủ tất cả những tự hào chính đáng về mọi phương diện.

Xem nhiều, đọc nhiều, tiếp xúc nhiều, nhu cầu phải viết hay ngày càng mạnh lên trong chúng tôi, bất kể mọi thứ trong sinh hoạt hằng ngày có đánh đố mình đến đâu.

Một đoạn trong nhật kýá của tôi, ngày 11.6.1981: “Đài báo bão mấy hôm nay. Nóng hầm hập một cách không chịu được. Đêm nay gió đùng đùng nổi to, điện cúp... Thế là phim dừng lại. Rồi có điện, máy lại nổ, lại chiếu tiếp tục, và lại tắt máy, lại dừng, ba bốn lần như thế. Chuyện phim đã căng thẳng, cộng thêm những chờ đợi căng thẳng giữa buổi chiếu nên đến cuối buổi thì đúng là ai nấy đều ở trong trạng thái thần kinh rã rời. Trời vẫn mưa, mà đã gần 12 giờ đêm. Thế là hầu hết lao ra giữa màn mưa, đội mưa mà về. Đường ngập lênh láng, lút cả bánh xe đạp. Phải dắt xe lội bộ suốt từ Lý Thường Kiệt đến hết đoạn Nam Bộ, ướt đến tận vế non và chân thì mỏi rục. Người mình mấy hôm nay đã rất mệt mà vẫn liều dầm mưa, để xem rồi sẽ ra sao...”.

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.