Những tên phát xít cuối cùng

21/11/2009 22:37 GMT+7

Vào ngày 30.11, tòa án tại Đức sẽ xét xử John Demjanjuk, 89 tuổi, bị buộc tội giết hại hơn 27 ngàn người Do Thái tại trại giam tử thần Sobibor ở Ba Lan thời Thế chiến 2.

“Ivan bạo chúa”

Theo báo điện tử Lenta.ru, Nga, do hầu hết các tên tội phạm thời Thế chiến 2 đã quá già yếu, hay chưa sa lưới nên vụ xét xử John Demjanjuk có thể là phiên tòa cuối cùng luận tội chủ nghĩa phát xít Đức mà có sự hiện diện của bị cáo. Trước đó, vào ngày 12.5.2009, Demjanjuk bị dẫn độ từ Mỹ qua Đức. Lý ra Demjanjuk phải bị dẫn độ về Ukraine - nơi hắn sinh ra, nhưng các luật sư của Demjanjuk biện hộ rằng, tại đó hắn sẽ bị tra tấn, trả thù. Bên cạnh đó, các luật sư cũng viện dẫn lý do sức khỏe để Demjanjuk được ở lại Mỹ, nhưng Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng cựu công dân Mỹ này hoàn toàn đủ sức khỏe để đảm bảo cho hành trình đến thành phố Munich ở miền nam nước Đức.

Việc Demjanjuk bị cáo buộc phạm tội ác diệt chủng đối với người Do Thái hay bị dẫn độ là không có gì mới. Vào năm 1986, hắn từng bị tước quyền công dân Mỹ và bị trục xuất khỏi Mỹ. Sau đó, hắn bị xét xử tại Israel. Phía nguyên đơn đã chứng minh rằng Demjanjuk - biệt danh “Ivan bạo chúa” - là một trong những cai ngục khét tiếng nhất. Tòa ra phán quyết xử tử hình Demjanjuk, nhưng khi đó trong vụ án này lại xuất hiện tình tiết mới. Sau khi Liên Xô tan rã, người ta tìm thấy một số tài liệu chứng minh rằng, họ thật của Demjanjuk là Marchenko và vì thế vào năm 1993 hắn được tha bổng. Lần thứ hai “Ivan bạo chúa” trở lại Mỹ và tìm cách nhập lại quốc tịch Mỹ.

Dù vậy, tại Israel, các điều tra viên đã chứng minh được Demjanjuk đúng là làm cai ngục tại các trại giam Sobibor và Majdanek. Chính những bằng chứng mới này là nguyên nhân để tòa án một lần nữa đưa Demjanjuk ra xét xử. Ngày 13.7.2009, Viện công tố Munich chính thức buộc tội John Demjanjuk tham gia vào tội ác giết 27.900 người tại trại giam Sobibor. Cơ sở để buộc tội là giấy tùy thân mà cơ quan mật vụ SS cấp cho Demjanjuk, chứng minh hắn làm việc tại trại giam vào năm 1943. Chính phủ Israel cũng sẽ cử một số nhân chứng tới dự phiên tòa.

Các luật sư của Demjanjuk hiện đang tìm mọi cách để trì hoãn và dời lại ngày mở phiên tòa. Một trong những lý do chính để thực hiện việc này là tuổi tác và sức khỏe, mà nhờ đó Demjanjuk không ít lần kéo dài thời gian bị dẫn độ. Ulrich Busch - luật sư của Demjanjuk - cho biết thân chủ của mình hiện mắc khá nhiều bệnh: thiếu máu, sỏi thận, viêm gan, gout và chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn. Trong khi đó, tòa án lại có nhìn nhận khác về sức khỏe của “Ivan bạo chúa” và khẳng định hắn hoàn toàn đủ khả năng để hầu tòa 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Tòa án có những cơ sở để đặt ra nghi vấn đối với lý do sức khỏe của bị cáo Demjanjuk. Bởi trước khi hắn bị dẫn độ từ Mỹ qua Đức, các luật sư của hắn không ít lần khẳng định thân chủ của họ phải ngồi trên xe lăn, bệnh nặng và không thể chịu nổi chuyến bay. Tuy nhiên, phía tòa án Mỹ lại có bằng chứng khác. Đó là băng video quay cảnh Demjanjuk ngồi trên xe lăn, tự mình vào cửa hiệu mua đồ và tự mình ra về. Sau khi băng video này được công bố, phía Mỹ ngay lập tức ra quyến định dẫn độ đối với Demjanjuk.

 

Giấy tờ của Demjanjuk thời còn làm việc cho SS - Ảnh: Reuters

Như vậy, nhiều khả năng những người biện hộ cho Demjanjuk không có cơ hội để xin đình hoãn vụ việc và phiên tòa sẽ diễn ra như đã định. Hiện đã có đủ bằng chứng để kết tội “tên phát xít cuối cùng” với hình phạt 15 năm tù. Xét về độ tuổi và sức khỏe, mức hình phạt này đồng nghĩa với án chung thân cho Demjanjuk. Cần nói thêm, trước đó, Demjanjuk đã bị giam tại Israel 7 năm.

Demjanjuk sinh ngày 3.4.1920 tại Ukraine, đến tháng 4.1942, bị phát xít Đức bắt. Sau Thế chiến 2, hắn sống tại Đức trong khu vực do quân đội Mỹ quản lý và đến năm 1952 được phép đến Mỹ định cư. 6 năm sau - 1958, Demjanjuk nhập quốc tịch Mỹ và đổi tên thành John Demjanjuk. Cho tới nay, hắn vẫn luôn khẳng định vào năm 1942 hắn bị bắt và giống như những tù binh khác của bọn Đức. Tuy nhiên, Tổ chức nhân quyền Do Thái quốc tế Simon Wiesenthal Center có bằng chứng cho thấy Demjanjuk tự nguyện gia nhập vào hàng ngũ SS và cần phải bị trừng trị.

Cơ hội cuối cùng

Nhân nói đến Simon Wiesenthal Center, tổ chức này chuyên săn lùng những tên tội phạm thời Thế chiến 2. Đáng nói là hầu hết những tên đồ tể của thế kỷ 20 từ trước đến nay sống lẩn khuất ngoài vòng pháp luật và đều ở tuổi gần đất xa trời. Vì thế, từ năm 2002 Simon Wiesenthal Center phát động chiến dịch mang tên “Cơ hội cuối cùng” nhằm truy lùng, bắt giữ chúng để đem ra xét xử. Trong danh sách mới được cập nhật, có nhiều cái tên đáng chú ý.

Aribert Heim (sinh 1914): Trong Thế chiến 2 làm bác sĩ tại trại giam Mauthausen (Áo). Hắn bị buộc tội giết hại dã man hàng trăm người để làm thí nghiệm. Năm 1945, hắn bị quân Mỹ bắt giữ, sau đó được phóng thích rồi hành nghề bác sĩ phụ khoa tại Badeb-Baden, Đức. Năm 1962, khi chính quyền toan tính bắt giữ hắn, thì hắn chạy trốn. Vào năm 2005, có dấu hiệu cho thấy Heim sống ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng Heim đã bị giết từ năm 1982, nguồn tin khác lại nói hắn ta chết vào năm 1992.

Sandor Kepiro: Sĩ quan cảnh sát Hungary thời Thế chiến 2, bị buộc tội giết hại hàng ngàn người Serbia. Trong các năm 1944 và 1946, Kepiro từng bị đưa ra xét xử, nhưng cuối cùng lại thoát tội. Một thời gian dài hắn ẩn náu tại Argentina. Hiện tại hắn có thể còn sống tại Áo hoặc có thể ngay tại Hungary.

Milivoj Asner (sinh 1913): Cảnh sát trưởng Croatia thời Thế chiến 2. Asner được cho là đã tham gia vào việc bắt giữ và đưa hàng trăm người Serbia, Do Thái... vào các trại tập trung tử thần. Có nguồn tin hiện hắn còn sống và đang ở Áo. Năm 2005, chính quyền Croatia yêu cầu phía Áo dẫn độ Asner, nhưng bị từ chối. Khi đó phía Áo nói rằng Asner quá già, không có đủ khả năng để đứng trước vành móng ngựa. Thậm chí Asner không còn khả năng trả lời bất cứ câu hỏi nào.

Soeren Kam (sinh năm 1921): Là tình nguyện viên của SS và là thành viên đảng Phát xít tại Đan Mạch, bị buộc tội giết một nhà báo Đan Mạch vào năm 1943. Hiện Soeren Kam sống tại Đức. Trước đó, phía Đan Mạch cũng yêu cầu dẫn độ Kam, nhưng tòa án Munich cho rằng, chưa có những bằng chứng xác thực để kết tội hắn.

Heinrich Boere (sinh năm 1921): Cựu nhân viên SS, bị buộc tội giết 3 dân thường Hà Lan. Sau Thế chiến 2 bị bỏ tù 2 năm. Sau khi ra tù hắn đến Đức sinh sống. Vào năm 1949, Boere bị tòa án Hà Lan kết án tử hình vắng mặt, sau đó được giảm án thành chung thân. Phía Đức từ chối dẫn độ hắn, nhưng cách nay không lâu, tòa án Dortmund buộc tội giết người đối với hắn. 

Charles Zentai (sinh 1921): Là chuẩn úy quân đội Hungary thời Thế chiến 2, bị buộc tội giết một thanh niên vô tội 18 tuổi người Do Thái tại Budapest vào năm 1994. Zentai sống tại Úc, đến năm 2004, cựu công dân Hungary bị điều tra và mới đây nhất tòa án Úc đã đồng ý cho dẫn độ về Hungary để xét xử, nhưng vụ việc này chưa đi đến quyết định cuối cùng.

Mikhail Gorshkow: Sinh tại Estonia, trong Thế chiến 2 phục vụ Gestapo tại Belarus. Chính quyền Mỹ và các tổ chức Do Thái buộc tội Gorshkow vì đã hợp tác giết nhiều người Do Thái. Sau chiến tranh hắn sống tại Mỹ, nhưng đến năm 2002 bị tước quyền công dân Mỹ vì cung cấp thông tin không đúng về quá khứ của mình. Gorshkow hiện sống tại Estonia và đang nằm trong vòng điều tra.

Algimantas Dailide (sinh 1921): Làm cảnh sát tại Lithuania thời Thế chiến 2 và đã truy lùng, bắt giữ nhiều người Do Thái cho Đức phát xít. Sau chiến tranh, Dailide sống tại Mỹ, đến năm 2003 định cư tại Đức. Năm 2006, hắn tự nguyện ra tòa tại Lithuania, bị xử án 5 năm tù giam, nhưng án không được thực thi do Dailide không đảm bảo sức khỏe vì quá giá yếu.  

Harry Mannil: Cảnh sát Estonia thời Thế chiến 2 và phục vụ cơ quan an ninh Đức Quốc xã. Vào những năm 1990, chính quyền Mỹ điều tra và buộc tội Mannil tham gia giết 100 người Do Thái. Hiện Mannil sống tại Venezuela và liên tục phủ nhận mình phạm tội ác diệt chủng.  

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.