Những chuyện lạ ở làng - Kỳ 2: Cây sấu thiêng của làng

22/11/2009 11:26 GMT+7

Cây sấu ấy không hái được quả, “trơ gan cùng tuế nguyệt” đã bao năm nay mà không hề hấn gì, trong khi xung quanh đó bao nhiêu cây cổ thụ đã bị đốn gần hết. Như một gã khổng lồ đơn độc, cây sấu này đứng ngay bên vách núi với tiếng gió gầm rú suốt ngày. >> Kỳ 1: Trai gái hai làng không lấy nhau

Nhìn từ xa dáng cây vươn cao hùng dũng trong khi xung quanh rừng thưa lá thấp. Ông Lý Nguyên Hồng, người cao tuổi nhất ở thôn Lùng Pá (xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, Lạng Sơn), ngẩng đầu nhìn trời: “Ấy dà, cây sấu này nghìn năm tuổi rồi, thiêng lắm!”.

Ngàn năm tuổi

Cả khu làng xung quanh không còn cây cổ thụ nào mà cây sấu vẫn cứ đứng ở đó qua bao nhiêu đời, không ai dám chặt. Trèo lên đỉnh núi Cha Hén nhìn xuống sẽ thấy cây sấu như một ngọn núi để định vị thôn Lùng Pá.

Khác với những cây sấu sum sê thường thấy trên đường phố Hà Nội, cây sấu mọc trên vùng biên ải này sừng sững với thân cây vươn thẳng lên trời xanh, nhìn hơi giống những cây chò ngàn năm ở vườn quốc gia Cúc Phương. Cao chừng 40m, cây sấu có thân chính chừng 1m đường kính thôi, nhưng lại có mấy cạnh chìa ra xung quanh nên gốc cây rất đồ sộ với mười người ôm không hết. “Mỗi cạnh gỗ xẻ ra có thể làm mặt bàn ăn cơm” - ông Đinh Văn Bé, từng là chủ tịch xã Tân Đoàn, nói.

Từ UBND xã Tân Đoàn lên tới cây sấu là con đường núi quanh co khúc khuỷu chạy xe máy chừng 15 phút. Xung quanh gốc sấu cây cối mọc um tùm và để vào được tận nơi chúng tôi phải trèo lên thêm mấy vách đá. Cách gốc cây sấu chừng vài chục mét, ngay bên vách núi là một miếu thờ thổ địa làm bằng gỗ sơ sài, nơi người dân Lùng Pá thường đến thắp hương cầu mong mưa thuận gió hòa vào mỗi dịp trăng rằm.

Hiện chưa có một nghiên cứu chính thức nào về độ tuổi của cây sấu này, nhưng như ông Hồng, 75 tuổi, nói: “Lúc tôi sinh ra cây sấu đã cao vậy! Mà cha tôi kể ngày xưa cha sinh ra cây cũng đã như vậy rồi”. Theo lời một kỹ sư ở Công ty giống lâm nghiệp Đông Bắc, cây sấu có tuổi cũng chừng gần ngàn năm.

Còn theo ông Hoàng Hữu Nghị, bí thư xã: “Cây cổ thụ chặt đi thì ảnh hưởng đến tâm linh của làng, bởi nó như là thờ thổ địa vậy”. Lùng Pá toàn bà con dân tộc Nùng, sống ở đây từ ngàn đời. Hơn 30 năm trước ở đây vẫn là rừng già. Hơn chục năm về trước trong thôn còn nhiều cây cổ thụ. Nhưng bây giờ đã hết rồi, còn mỗi cây sấu già đứng đó. Gỗ sấu không phải đẹp nhất nhưng cũng khá bền.

Trong rừng làng ngày xưa có rất nhiều sấu cổ thụ nhưng đã bị chặt hết. Thì đấy, trong nhà ông Hồng có bàn, tủ làm bằng loại gỗ này với vân nâu bóng sờ lên mát cả bàn tay. Nhưng cây sấu Lùng Pá vẫn còn đó vì là cây lâu đời nhất. Thân cây sấu già chẳng thấy bị mối mọt gì, một phần của nó đã bị chặt từ những năm 1980, nay đã mọc ra bình thường. Quả sấu chín lúc lỉu trên cao nhưng không ai hái được vì thân cây quá cao mà xung quanh chẳng có cây nào bám vào để leo lên. Muốn ăn sấu chỉ có cách chờ quả rụng xuống.

“Bảo bối” giữ làng

Lùng Pá nằm cách xa trung tâm thành phố Lạng Sơn chừng 40km, ven con sông Kỳ Cùng chạy quanh co khúc khuỷu theo những vách núi hay sườn đồi xanh thẳm. Theo lời ông Bé, nhiều người đã đến hỏi mua cây sấu này. Người ta ước tính số gỗ của cây có giá tới vài chục triệu đồng, một số tiền cực lớn với người dân nơi đây. Năm 2005, có người làng đã định rủ bà con chặt đem bán, tuy nhiên chính quyền xã đã nhìn thấy ở đây một cơ hội để bảo vệ môi trường. 25 hộ dân trong làng đã họp bàn với nhau, lập ra một quy ước bảo vệ cây.

Ông Bé kể: “Quy ước này do những cụ già trong bản thống nhất với nhau và có mấy điều khoản chủ yếu sau: Một, người dân thôn Lùng Pá từ già đến trẻ đều phải chung tay gìn giữ, bảo vệ cây sấu vì đó là thần hộ mệnh của làng. Hai, mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường sống, không chặt phá rừng”.

Không như những cây cổ thụ ở thành phố được các công ty cây xanh đánh dấu bảo vệ, cây sấu Lùng Pá còn đó như là sở hữu của cả làng. Tình cảm gắn bó cộng đồng khiến việc gì của thôn làng cũng phải được tất cả thông qua. Nên mặc dù cuộc sống khó khăn, nhiều người dân trong làng đã chặt hết những cây gỗ quý trên ruộng nương nhà mình để làm nhà, để bán, nhưng cây sấu nghìn năm tuổi vẫn còn đó.

Theo ông Lộc - một người dân ở thôn Bản Nầng gần đó, cả một vùng rộng lớn quanh đây chẳng có thôn làng nào còn giữ được một cây cổ thụ lâu đời như thế: “Người thôn Lùng Pá rất hãnh diện vì còn giữ lại được cây ấy”.

Ở nơi từng là rừng xanh ngút ngàn, nay lại phải dựa vào một thân cây cổ thụ để xây nên một quy ước nhằm gây dựng lại những gì đã mất. Thật may là ngôi làng nhỏ bé này vẫn còn cây sấu ấy để mà giữ lại. Ông Lý Nguyên Hồng quơ bàn tay nhăn nheo trên mặt bàn gỗ sấu bóng loáng, miệng cười sang sảng: “Này nhớ, cây sấu Lùng Pá là quý lắm vớ, không ai được chặt nó đâu mà!”.

Nhưng cây sấu ấy vẫn đang đứng trước những thử thách. Hôm chúng tôi đến vẫn còn vài thanh niên làng bàn chuyện đốn cây để lấy gỗ làm nhà. Thôn Lùng Pá vẫn còn nghèo lắm. Những căn nhà xây sơ sài, lụp xụp. Những vườn cây hồi, cây trẩu mang tiếng là nguồn nông sản quý giá nhưng thu hoạch còn rất bấp bênh. Nhà ông Lý Nguyên Hồng có 9 sào ruộng, mỗi sào thu được năm gánh lúa, mỗi gánh 25kg nên không bán được mà chỉ đủ ăn. Con trai Lý Mời, 21 tuổi, đi làm thuê để kiếm thêm...

Nếu làng quê Bắc bộ thường có cây đa cổ thụ đầu làng như một vị thần gìn giữ đất lề quê thói, thì với thôn Lùng Pá, dường như cây sấu còn hơn thế. Vì nơi đây từng là rừng và cây sấu đứng kia như một biểu tượng để bà con người Nùng tâm niệm rằng còn rừng là còn tất cả. Và người dân đang tìm đủ mọi cách để phủ xanh vườn đồi, trồng thêm trám, trồng hạt dẻ... Trong làng treo đầy những khẩu hiệu, những tấm biển kêu gọi người dân bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường sống trong sạch.

Vũ Thanh Bình/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.